1. Trang chủ /
  2. Cần quy định rõ mức giá dịch vụ thẩm định giá

Cần quy định rõ mức giá dịch vụ thẩm định giá

thứ sáu, 26/5/2023 23:08 GMT+07
Thảo luận dự thảo Luật Giá (sửa đổi), có ý kiến cho rằng, về cơ bản đã tháo gỡ được các vấn đề khúc mắc trong thẩm định giá. Tuy nhiên, cần quy định rõ mức giá dịch vụ thẩm định giá và quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của địa phương trong quản lý về giá.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Tại Chương trình Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã có báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi). Theo ý kiến của đại biểu, những quy định trong dự thảo luật đã cơ bản tháo gỡ được các vấn đề khúc mắc trong thẩm định giá, tạo điều kiện cho cơ quan quản lý Nhà nước triển khai hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng thị trường lành mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển, hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, để góp phần hoàn thiện, tránh sự lúng túng trong quá trình thực hiện, đại biểu cho rằng, cần bổ sung thêm quy định về cơ sở, nguyên tắc, phương pháp, quy trình thẩm định giá của Nhà nước. Bởi hiện nay, nhu cầu thuê tổ chức thẩm định giá để thực hiện thẩm định giá tài sản trong mua sắm tài sản công, xử lý các vấn đề liên quan đến định giá tài sản là rất lớn, tuy nhiên, mức giá dịch vụ thẩm định giá được xác định như thế nào lại chưa được quy định rõ.

Ảnh minh họa.

Thẩm định giá của Nhà nước là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm. Nhiều ý kiến đề nghị rà soát, quy định cụ thể nghĩa vụ, trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân trong hoạt động thẩm định giá của Nhà nước. Trong đó, cần quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong việc quản lý Nhà nước về giá. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trong việc quản lý Nhà nước về giá.

Ngoài ra, một số ý kiến kiến nghị bổ sung quy định về cơ chế tiếp nhận kiến nghị của người tiêu dùng. Tại Điều 10 về quyền của người tiêu dùng, khoản 4 có quy định, người tiêu dùng có quyền kiến nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền điều chỉnh giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá khi các yếu tố hình thành giá thay đổi. Tuy nhiên, chưa có quy định cụ thể, hướng dẫn chi tiết việc thực hiện quyền này trong dự thảo Luật.

Về giá dịch vụ hàng không nội địa, nhiều đại biểu đồng tình với báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho rằng, cần quy định về giá trần và bỏ giá sàn đối với giá dịch vụ hàng không nội địa, nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, dự thảo Luật lần này trình Quốc hội đã được tiếp thu rất nhiều lần và trình các cấp có thẩm quyền xem xét trước khi trình Quốc hội xem xét.

Về một số vấn đề quy định trong dự thảo Luật, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đã có giải trình cụ thể. Đối với quy định về giá trần và giá sàn đối với dịch vụ hàng không nội địa, Bộ trưởng cho biết, việc giữ giá trần và bỏ giá sàn dịch vụ hàng không nội địa để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng, người có thu nhập thấp có thể tiếp cận dịch vụ hàng không, giảm chi phí cho xã hội và thúc đẩy kinh tế phát triển.

Việc bỏ giá sàn đối với dịch vụ hàng không nội địa, theo Bộ trưởng, nhiều nước đã bỏ quy định này từ nhiều năm trước và qua đóng góp ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội, cơ quan soạn thảo tiếp thu và giữ nguyên như phương án trình Quốc hội lần này. Về giá điện, mặt hàng này đã đưa vào danh mục định giá, là phương án có lợi hơn cho người tiêu dùng.

Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cũng vừa có văn bản số 5029/BTC-QLG yêu cầu các doanh nghiệp thẩm định giá, các thẩm định viên nghiêm chỉnh chấp hành các quy định pháp luật về thẩm định giá. Theo đó, Bộ Tài chính yêu cầu các bên liên quan cần tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về thẩm định giá, Hệ thống Tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam và các văn bản pháp luật liên quan khác.

Trong quá trình hoạt động thẩm định giá, doanh nghiệp thẩm định giá và thẩm định viên về giá phải đảm bảo thực hiện đúng quy trình thẩm định giá, các quy định về các cách tiếp cận và phương pháp trong thẩm định giá; tuân thủ nghiêm túc và đầy đủ các tiêu chuẩn chuyên môn, giữ vững tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp thẩm định giá.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp thẩm định giá ban hành quy định và nghiêm túc thực hiện về kiểm soát chất lượng thẩm định giá nội bộ của doanh nghiệp; thường xuyên tổ chức đánh giá chất lượng hoạt động thẩm định giá của doanh nghiệp, kịp thời phát hiện và khắc phục ngay những sai sót trong quá trình thẩm định giá.

Vì lĩnh vực thẩm định giá liên tục có những thay đổi, nhất là hệ thống pháp luật đang được sửa đổi và hoàn thiện nên Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp và các thẩm định viên cần chủ động cập nhật thường xuyên văn bản pháp luật và kiến thức chuyên môn về thẩm định giá. Đồng thời, các thẩm định viên cần tham gia đầy đủ, nghiêm túc các khóa học cập nhật kiến thức chuyên môn về thẩm định giá do các đơn vị được phép cập nhật kiến thức về thẩm định giá năm 2023 tổ chức nhằm nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, cũng như đảm bảo đủ điều kiện đăng ký hành nghề thẩm định giá cho năm hành nghề tiếp theo.

Ngoài ra, Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp chủ động, tăng cường cung cấp dịch vụ thẩm định giá đáp ứng nhu cầu xã hội, đảm bảo tiến độ và chất lượng theo hợp đồng đã ký kết với khách hàng và quy định của pháp luật.