Cần tập trung đẩy lùi “tín dụng đen”
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 766/CĐ-TTg ngày 24/8/2023 về việc tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý hoạt động “tín dụng đen”. Qua đó, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo các Bộ, Ngành, địa phương tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”.
“Tín dụng đen” xuất hiện khi một bộ phận người dân, vì nhiều lý do khác nhau, có nhu cầu vay vốn không cần thế chấp tài sản; Công tác tuyên truyền, phổ biến về phương thức, thủ đoạn, hậu quả của “tín dụng đen” còn hạn chế, hiệu quả chưa cao; Công tác quản lý nhà nước một số lĩnh vực còn có sơ hở, thiếu sót để các đối tượng xấu lợi dụng hoạt động.
Bên cạnh đó, bối cảnh nền kinh tế khó khăn, cùng những bất ổn trên thị trường tiền tệ, các ngân hàng hoạt động thiếu ổn định đã vô tình tạo điều kiện để loại hình “tín dụng đen” nở rộ. Nhiều cá nhân, doanh nghiệp vì thế đã rơi vào thảm cảnh, phải cầu cứu đến sự vào cuộc của cơ quan chức năng…
Thống kê cho thấy từ đầu năm 2023 đến nay, Công an TP.HCM đã phát hiện, xử lý 133 vụ, 206 đối tượng; Triệt xóa 27 app cho vay “tín dụng đen” như Goldvay, sugarvay, findong, wellvay, cfcash, baovay.
Công an TP Biên Hòa tỉnh Đồng Nai cũng vừa bắt 4 đối tượng gồm: Nguyễn Văn Thoạt (38 tuổi), Mai Văn Tranh (39 tuổi), Nguyễn Văn Cường (28 tuổi) và Lê Anh Tài (35 tuổi), cùng trú tại tỉnh Hải Dương khi đang thu tiền góp trên tuyến Quốc lộ 51 thuộc phường Long Bình Tân.
Hay như mới đây, Tòa án nhân dân thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cũng đưa vụ án “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” và “Rửa tiền” ra xét xử sơ thẩm. Bị cáo trong vụ án này là Lê Thái Thiện (còn gọi là Thiện “soi”, SN 1965) và Lê Thái Phong (con Thiện “soi”, SN 1992, cùng trú thị xã Phú Mỹ).
Theo cáo trạng, hai cha con ông Thiện Soi đã lợi dụng những người khác thiếu tiền trong kinh doanh, khó khăn của họ để cho vay tiền với kiểu lãi mẹ đẻ lãi con. Thủ đoạn này đã mang lại khoản tiền thu lợi bất chính lớn và lại phát sinh thêm thủ đoạn khác.
Khi người vay không có khả năng trả tiền gốc và lãi, Thiện Soi buộc họ chuyển nhượng nhà, đất bằng các giao dịch hợp pháp, thông qua sự giúp đỡ của con trai là Phong. Sau đó, Thiện Soi lại chỉ đạo con trai chuyển nhượng lại đất cho hai người con khác, để che giấu bản chất thực sự của các khoản tiền do phạm tội mà có từ hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự…
Về bản chất, “tín dụng đen” hoạt động chủ yếu dựa trên sự thỏa thuận của người thừa tiền và người thiếu tiền, nhưng tính pháp lý lại yếu. Thế nên, mọi giao dịch liên quan đều chứa đựng nhiều rủi ro, nguy hiểm. Sự nở rộ của “tín dụng đen” cũng đồng nghĩa với việc nhiều cá nhân, doanh nghiệp thiếu vốn, đang đứng trước lựa chọn sống còn mà không tiếp cận được ngân hàng, nên buộc phải tìm đến “tín dụng đen”, thông qua các hình thức cầm cố, giải chấp hoặc đáo hạn.
Vẫn biết chẳng thể thỏa mãn tất cả nhu cầu về vốn cho cá nhân, doanh nghiệp, nhưng nếu để “tín dụng đen” có đất sống sẽ gây ra nhiều bức xúc, hệ lụy. Cho nên, ngoài nỗ lực của các Bộ, Ngành, địa phương, hệ thống tín dụng ngân hàng cần thiết phải cải thiện “sức khỏe”; Tập trung hỗ trợ vốn vay, mở rộng đối tượng tiếp cận, đẩy mạnh lưu thông tiền tệ, thông qua sự thay đổi mạnh mẽ cả về chất lượng sản phẩm, dịch vụ, nhân sự, chiến lược phát triển, hướng đến nhu cầu và quyền lợi của khách hàng…
Trong Công điện số 766/CĐ-TTg, Thủ tướng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần: Tập trung nghiên cứu, khẩn trương hoàn thiện cơ chế, chính sách tín dụng ngân hàng, phát triển hệ thống tín dụng, đa dạng các loại hình cho vay, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng với thủ tục nhanh gọn và thuận tiện, đáp ứng nhu cầu vay vốn chính đáng, hợp pháp phục vụ đời sống, tiêu dùng của nhân dân;
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, quản lý hoạt động của các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán, các ví điện tử không để các đối tượng móc nối hoạt động “tín dụng đen”, kịp thời xử lý các vi phạm theo quy định; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an ứng dụng dữ liệu dân cư đẩy mạnh công tác rà soát, xác thực các tài khoản ngân hàng, xử lý triệt để tình trạng sử dụng tài khoản “ảo” để hoạt động “tín dụng đen”;
Chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động của các tổ chức tín dụng, công ty tài chính, doanh nghiệp, công ty luật, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; Đẩy mạnh các giải pháp bảo vệ dữ liệu cá nhân; Khẩn trương nghiên cứu sửa đổi, hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, xử lý nghiêm hoạt động “tín dụng đen”.
Có như vậy, vòng xoáy nợ nần mới thôi bủa vây người dân và doanh nghiệp khốn khó. Sự ảnh hưởng của “tín dụng đen” cũng vì thế mà được hạn chế và đẩy lùi.