Cần vai trò “nhạc trưởng” của “siêu” ủy ban
5 năm tăng vốn sở hữu hơn 0,1 triệu tỷ đồng
Thông tin tại Tọa đàm “Quản lý vốn Nhà nước tại DN: Nhìn lại và hướng tới”, ông Phạm Văn Sơn - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (CMSC) đánh giá, sau 5 năm chuyển về “siêu” ủy ban, 19 TĐ-TCT nhà nước tăng trưởng tốt, có hiệu quả về mặt kinh tế, xã hội, qua đó cho thấy việc tách bạch chức năng đại diện chủ sở hữu và chức năng quản lý nhà nước là phù hợp.
Cụ thể, so với năm 2018 (thời điểm chuyển về CMSC), đến cuối năm 2022, tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất của 19 TĐ-TCT đã tăng từ hơn 1 triệu tỷ đồng lên hơn 1,1 triệu tỷ đồng; Tổng tài sản hợp nhất cũng tăng từ hơn 2,36 triệu tỷ đồng lên gần 2,5 triệu tỷ đồng. Tính riêng năm 2022, tổng doanh thu hợp nhất của 19 TĐ-TCT đạt gần 1,9 triệu tỷ đồng, chiếm 20% GDP cả nước (tăng 0,6% so với năm 2018)…
Cũng theo số liệu của CMSC, sau 5 năm chuyển về CMSC, 19 TĐ-TCT này đã phê duyệt/triển khai thực hiện/hoàn thành đầu tư 185 dự án nhóm A, 455 dự án nhóm B. Cũng trong giai đoạn 2018 - 2023, CMSC đã chỉ đạo, phối hợp với các TĐ-TCT thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển với tổng giá trị đầu tư ước đạt gần 770 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp của CMSC thẳng thắn thừa nhận, khó khăn, vướng mắc trong quản lý vốn nhà nước, trong mô hình ủy ban cũng như trong hoạt động sản xuất kinh doanh của các TĐ-TCT còn nhiều thách thức, đang ảnh hưởng đến tiến độ nhiều kế hoạch sản xuất, đầu tư, kinh doanh, trong đó nhiều dự án trọng điểm, có vai trò dẫn dắt nền kinh tế…
Cụ thể, chưa phát huy hết hiệu quả nguồn lực vốn, tài sản được Nhà nước giao trong việc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư, kiểm soát chất lượng thông qua lựa chọn và kiểm soát nhà thầu, xử lý phát sinh trong quá trình thực hiện, đặc biệt là các dự án lớn, quan trọng; Việc phân bổ nguồn vốn đầu tư của các TĐ-TCT chưa tập trung vào các ngành, lĩnh vực có tính dẫn dắt, tạo động lực; Chưa có các sản phẩm, dịch vụ trong các ngành công nghệ cao, công nghệ lõi, có tính chất lan tỏa hoặc có khả năng dẫn dắt chuyển đổi cơ cấu kinh tế từng DN.
Đặc biệt, hoạt động đầu tư chủ yếu vẫn mang tính đơn lẻ, chưa có sự phối hợp, liên kết, tận dụng thế mạnh của hệ thống các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong các lĩnh vực để thực hiện các dự án lớn, trọng điểm, đặc biệt là vấn đề thu xếp vốn cho dự án.
Ngoài ra, một số dự án đầu tư ra nước ngoài có vốn đầu tư lớn nhưng không thành công, rủi ro cao như dự án tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, khai thác khoáng sản hoặc các dự án đầu tư tại các quốc gia bất ổn về chính trị,… dẫn đến thua lỗ trong nhiều năm, tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý.
Doanh nghiệp nhà nước cần làm việc lớn, việc khó
Tại Tọa đàm, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đỗ Thành Trung cho rằng, các TĐ-TCT có hiệu quả hoạt động tốt nhưng chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ. Chất lượng, hiệu quả của DNNN chủ yếu xuất phát từ những DNNN quy mô lớn, hoạt động hiệu quả ở các ngành, lĩnh vực có lợi thế tự nhiên như khai thác khoáng sản, dầu khí hoặc thống lĩnh thị trường do lịch sử để lại như viễn thông, tài chính tín dụng mà chưa dựa trên nền tảng công nghệ hiện đại và năng lực đổi mới sáng tạo…
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT đánh giá, DNNN đang chậm chuyển mình trong thời đại, bối cảnh mới; vai trò dẫn dắt, tạo động lực, mở đường, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác chưa được phát huy rõ nét… Từ đó, lãnh đạo Bộ KH&ĐT đề xuất, cần đánh giá lại vị thế, vai trò của DNNN, làm rõ mục tiêu sắp xếp, cải cách khu vực DNNN phù hợp với tình hình thực tế của đất nước; Cần đưa ra các định hướng đổi mới phương thức quản lý phần vốn nhà nước của DN theo hướng tiếp tục đẩy mạnh phân công, phân cấp việc thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu trong bối cảnh mới, đặc biệt là giải pháp nào nâng cao vai trò của CMSC tại DN.
“Với việc quản lý 19 TĐ-TCT nhà nước lớn, nắm giữ 1,1 triệu tỷ đồng trong tổng số 3,7 triệu tỷ đồng tài sản của toàn bộ khối DNNN, CMSC cần thực hiện vai trò của người “nhạc trưởng” trong việc điều phối, huy động nguồn lực của các TĐ-TCT phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội. DNNN cần làm những việc lớn, việc khó, việc mới để tạo lực cho phát triển kinh tế, nhường dư địa phát triển cho DN tư nhân ở những lĩnh vực khác…” - Thứ trưởng nhấn mạnh.