Cảnh báo nguy cơ đồng nhiễm bệnh đậu mùa khỉ và HIV
Hơn nửa số ca mắc nhiễm HIV
Mới đây, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Bến Tre (Sở Y tế tỉnh Bến Tre) vừa có báo cáo về trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên tại địa phương. Bệnh nhân là anh Phan Trọng N. (31 tuổi, làm lễ tân), khởi phát bệnh từ ngày 3/11. Sau một loạt triệu chứng như đau họng, mệt mỏi không giảm kèm theo cơ thể xuất hiện các bóng nước, mụn nước, ngày 9/11, bệnh nhân đến Bệnh viện Da liễu TP HCM khám và được lấy mẫu vì nghi ngờ đậu mùa khỉ. Qua điều tra dịch tễ, bệnh nhân này đã tiếp xúc với 12 người khác, trong số đó có 1 trường hợp có triệu chứng sốt, nổi bóng nước rải rác khắp cơ thể.
Trước đó, Bộ Y tế công bố tính đến ngày 31/10, Việt Nam ghi nhận 56 trường hợp nhiễm bệnh đậu mùa khỉ, bao gồm 2 ca nhập cảnh vào năm 2022. Các trường hợp bệnh đã được ghi nhận tại 7 tỉnh/thành phố, trong đó 1 trường hợp tử vong tại TP HCM. Tuổi trung bình là 32 (18 - 49), hầu hết là nam (92,9%), có xu hướng tình dục là đồng tính nam và lưỡng tính nam (MSM): 78,6%, dị tính (8,9%). Trong đó có khoảng 63% trường hợp bệnh đang nhiễm HIV, 46% trường hợp mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục khác.
Có thể thấy, phần lớn các ca mắc đậu mùa khỉ được phát hiện là nam quan hệ đồng giới và người nhiễm HIV. Vì thế, các chuyên gia đặc biệt lưu ý khuyến cáo nguy cơ đồng nhiễm bệnh đậu mùa khỉ/HIV.
Ngày 9/11, Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam. Tại buổi họp báo, TS. Minesh Shah, cố vấn Y tế của CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết: “Đây là thời điểm phù hợp để nói về Mpox - căn bệnh đã xuất hiện từ 2022. Thế giới hiện đã ghi nhận hơn 90 nghìn ca mắc Mpox và phần lớn ở châu Âu và châu Mỹ. Các quốc gia đều ghi nhận những người mắc bệnh là nam quan hệ tình dục đồng giới và sống chung với căn bệnh HIV. Mối tương quan giữa Mpox và HIV có tồn tại nhưng nằm ngoài khu vực Việt Nam mà thu thập được ở trên thế giới”.
Ông cho biết, cộng đồng nam quan hệ đồng giới cần đặc biệt thực hiện các biện pháp phòng, chống vì tỉ lệ nhiễm trong quần thể này cao hơn các quần thể khác, nhưng đây không phải chỉ là nguy cơ của riêng nhóm này.
Ai cũng đều có thể mắc đậu mùa khỉ
“Mọi người đều có thể mắc Mpox, bất kể chủng tộc, giới tính hay xu hướng tình dục” là lời khẳng định của TS. Minesh Shah. Ông cho biết, nguy cơ lây truyền Mpox là qua tiếp xúc gần, da kề da là chính. Khác với giang mai, lậu chỉ lây truyền qua đường tình dục thì Mpox có thể lây truyền qua việc đụng chạm, có thể chỉ là một nốt phát ban, nên nó là nguy cơ với tất cả mọi người, không chỉ riêng trong nhóm MSM và người nhiễm HIV.
Các chuyên gia của CDC Hoa Kỳ cũng khuyến cáo, hướng dẫn mọi người cách tự bảo vệ bản thân. Theo đó, những người nghi mắc bệnh hãy nói chuyện với bác sĩ về nguy cơ mắc Mpox của bạn và hỏi về các vaccine để tiêm phòng; Tránh tiếp xúc gần, da kề da với những người bị phát ban trông giống Mpox. Bên cạnh đó, không dùng chung đồ dùng, ăn uống, quần áo hoặc các vật dụng khác mà người mắc Mpox đã sử dụng. Chú ý các biện pháp quan hệ tình dục an toàn hơn, như hạn chế số lượng bạn tình hoặc quan hệ tình dục.
Mpox có thể rất nặng với một vài người, ví dụ người có HIV chưa kiểm soát được tình trạng bệnh hoặc người mắc một số bệnh ngoài da. Vì thế, các chuyên gia khuyến cáo những người mắc HIV hãy bảo vệ bản thân bằng việc uống thuốc điều trị HIV theo chỉ định; tiêm hai liều vaccine Mpox. Nếu bị mắc Mpox, hãy nói chuyện với bác sĩ về các phương án điều trị.
Tiếp tục thực hiện Công điện số 680/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và để chủ động giám sát dịch bệnh đậu mùa khỉ, kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch, hạn chế tối đa số mắc và tử vong, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo, triển khai việc giám sát, phát hiện sớm ca bệnh, nguồn lây bệnh đậu mùa khỉ.
Cục Y tế dự phòng đề nghị các tỉnh, thành phố tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về giám sát, các biện pháp phòng, chống, chăm sóc, điều trị, phòng, chống lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ. Đồng thời, chủ động xây dựng, cập nhật kế hoạch, kịch bản phòng, chống theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng khi dịch bệnh xảy ra trên địa bàn; sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí để triển khai các biện pháp thu dung, điều trị, phòng, chống dịch. Các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện truyền thông về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ theo khuyến cáo của Bộ Y tế, tập trung truyền thông cho các đối tượng có nguy cơ cao, đồng thời khuyến cáo người dân chủ động khai báo với các cơ quan y tế khi có triệu chứng nghi ngờ, mắc bệnh.