Cảnh báo nhiều hiểm họa khó lường nếu công nghệ AI không được kiểm soát
Trong phiên trả lời tại hội nghị thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở thành phố Davos của Thụy Sĩ, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã đề cập tới những nguy cơ từ công nghệ Trí tuệ Nhân tạo (AI), cảnh báo những hiểm họa khó lường nếu công nghệ này không được kiểm soát.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nêu rõ: “Mỗi bước tiến mới của công nghệ AI làm gia tăng nguy cơ gây ra những hậu quả nghiêm trọng ngoài ý muốn. Công nghệ này có tiềm năng to lớn để phát triển bền vững, nhưng như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa cảnh báo, rất có thể nó sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng trên thế giới."
Trước đó, IMF đã công bố bản đánh giá, cho rằng sự phát triển của công nghệ AI có thể ảnh hưởng đến gần 40% việc làm trên toàn thế giới, làm thay đổi nền kinh tế toàn cầu và có khả năng làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng giữa các quốc gia và người lao động trong các quốc gia.
Theo IMF, các chính phủ phải đảm bảo rằng quá trình chuyển đổi sang một thế giới có sự tham gia của AI được thực hiện một cách toàn diện.
IMF cũng kêu gọi các nhà hoạch định chính sách thực hiện các bước chủ động để ngăn chặn AI gây ra căng thẳng xã hội bằng cách tạo ra mạng lưới an toàn cho những người lao động dễ bị tổn thương.
Đánh giá những nguy cơ từ AI cũng giống như vấn đề biến đổi khí hậu, Tổng thư ký Liên hợp quốc cho biết cộng đồng quốc tế tới nay chưa có chiến lược nào để xử lý hiệu quả. Ông lưu ý các công ty công nghệ lớn đang theo đuổi lợi nhuận và không lưu tâm đến các quyền cá nhân và tác động xã hội "một cách liều lĩnh." Ông kêu gọi ngành công nghệ cần hợp tác với chính phủ để đưa ra các biện pháp bảo vệ phù hợp.
Về quan điểm từ các công ty công nghệ cho rằng AI sẽ giúp tạo ra nhiều việc làm, Tổng thư ký Guterres đánh giá vấn đề này cần sự thảo luận kỹ lưỡng giữa Liên hợp quốc với các chính phủ và cơ quan quốc tế.
Ông khẳng định các bộ phận cố vấn của Liên hợp quốc đã đưa ra những khuyến nghị sơ bộ về quản trị AI, hướng đến việc khai thác lợi ích của công nghệ mới đáng kinh ngạc này, cũng như giảm thiểu rủi ro của nó.
Các chính phủ cần khẩn trương hợp tác với các công ty công nghệ về khuôn khổ quản lý rủi ro để phát triển AI hiện tại, về giám sát và giảm thiểu tác hại trong tương lai. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực có hệ thống để tăng khả năng tiếp cận AI, qua đó giúp các nền kinh tế đang phát triển có thể hưởng lợi từ tiềm năng to lớn của công nghệ này./.
Trưởng nhóm nghiên cứu tại Viện Hàn Quốc nhận định trí tuệ nhân tạo AI sẽ bắt đầu được triển khai tích cực, trở thành trợ lý thường xuyên của nhiều người tại nơi làm việc trong năm 2024.