Cảnh báo tình trạng giả mạo luật sư để đe dọa đòi nợ
Trong đơn phản ánh gửi báo Tuổi trẻ Thủ đô của thạc sĩ - luật sư Phan Mạnh Thăng, Luật sư điều hành Công ty Luật Long Phan PMT (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho biết, ngày 18/3, đường dây nóng của công ty có tiếp nhận được cuộc gọi phản ánh từ chị Đ.T.T (ngụ An Giang). Qua trao đổi, chị T thông tin rằng có tài khoản Zalo tên "Lsu Thắng" đã sử dụng hình ảnh luật sư Phan Mạnh Thăng để nhắn tin đe dọa, nhục mạ và yêu cầu chị T trả nợ.
Chị T cho biết, trước đó chị đã tham gia vay tiền online (trực tuyến) trên mạng có tên “SKY CASH” với lãi suất cao “cắt cổ”. Tại đây, chị T đã vay số tiền 3 triệu đồng, có kỳ hạn 8 ngày và số tiền phải thanh toán cả gốc lẫn lãi tổng 5 triệu đồng.
Giao diện trang web vay tiền mà chị T đã sử dụng. Tìm theo địa chỉ hiển thị trên web, được biết hiện tại công ty cho vay này đã không còn hoạt động tại đây
Theo giao dịch ban đầu, thời hạn chị T phải trả tiền là ngày 19/3/2023. Tuy nhiên, ngay sau khi số tiền được giải ngân vào tài khoản, các đối tượng đã sử dụng tài khoản Zalo có tên “Lsu Thắng”, cùng hình ảnh, danh nghĩa của luật sư Phan Mạnh Thăng để liên tục nhắn tin đòi nợ và khủng bố tinh thần chị T.
Thậm chí, chị T cho hay, các đối tượng còn cắt ghép hình ảnh chị T vào thông báo truy tìm người trốn nợ, cảnh báo lừa đảo… bằng những lời lẽ thô tục, khiếm nhã.
Tin nhắn đe dọa qua zalo sử dụng hình ảnh của luật sư Phan Mạnh Thăng
Chưa dừng lại ở đó, đối tượng này còn tiếp tục gửi các tin nhắn có nội dung xấu, bội nhọ chị T cho người thân, đồng nghiệp, bạn bè của nạn nhân. Đồng thời, họ liên tục gọi điện, nhắn tin khủng bố, đe dọa và làm phiền cuộc sống của chị T...
Đáng nói, tất cả những hành vi này đều sử dụng dưới danh nghĩa cá nhân của luật sư Phan Mạnh Thăng.
Về phía luật sư Phan Mạnh Thăng, anh khẳng định hoàn toàn không quản lý hay sử dụng các tài khoản mạng xã hội để nhắn tin đe dọa, đòi nợ chị T và cảm thấy rất bức xúc vì bị mạo danh để làm những việc trái đạo đức, trái pháp luật như vậy.
Nhận thấy vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, ngoài ảnh hưởng danh dự, nhân phẩm, còn có thể gây ra thiệt hại lớn về tài sản cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân nên luật sư Phan Mạnh Thăng đã làm đơn trình báo gửi Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao, Công an TP Hồ Chí Minh đề nghị xem xét, điều tra làm rõ vụ việc.
Ngoài ra, theo luật sư Thăng, hành vi nêu trên còn gây ảnh hưởng xấu tới uy tín, danh dự của cá nhân nói riêng và đội ngũ luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh nói chung. Do đó, luật sư Thăng đã gửi đơn kiến nghị đến Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh đề nghị hỗ trợ xác minh, giải quyết.
Cùng với đó, phía chị M.T đã hoàn thành việc thanh toán khoản vay nêu trên và cũng đang làm các đơn đề nghị, phản ánh gửi cho các cơ quan chức năng xem xét, giải quyết vụ việc.
Nêu quan điểm về vụ việc trên, luật sư Hà Ngọc Tuyền, Trưởng Văn phòng Luật sư Hà Tuyền và Cộng sự - Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết, các đối tượng đang có hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Cụ thể: Đối với hành vi sử dụng trái phép hình ảnh, thông tin của người khác để thực hiện việc đòi nợ là vi phạm quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội; Trang thông tin điện tử được thiết lập thông qua mạng xã hội. Hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính từ 10 đến 20 triệu đồng theo quy định tại Điểm a khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP. Trường hợp nghiêm trọng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vu khống theo quy định tại Điều 156 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Ngoài ra, theo thông tin bạn đọc cung cấp, đối với hành vi cho vay với lãi suất "không tưởng"; Lãi suất các đối tượng cho vay với con số lên đến 3.041,7%/năm, tức cao hơn gấp 152 lần lãi suất mà pháp luật quy định. Như vậy, hành vi này có dấu hiệu của tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự theo quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Bên cạnh đó, việc cắt hình ảnh, đăng lên trang mạng xã hội xúc phạm danh dự của người khác bằng những lời lẽ thô tục, khiếm nhã nhằm mục đích khủng bố tinh thần buộc nạn nhân trả nợ là có dấu hiệu của hành vi cưỡng đoạt tài sản và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
"Hiện nay, Bộ Công an cũng đang tập trung đấu tranh, xử lý các loại tội phạm này. Do đó, những trường hợp tương tự như chị T khi rơi vào hoàn cảnh trên thì nên có đơn tố giác gửi đến các cơ quan như: Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm công nghệ cao; Phòng Cảnh sát điều tra Công an tỉnh hoặc Cơ quan Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân để được hỗ trợ", luật sư Tuyền khuyến cáo.