Cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo tài chính, “việc nhẹ, lương cao” dịp cận Tết
Thời gian qua, hành vi lừa đảo tìm “việc nhẹ, lương cao” xuất hiện khắp các trang mạng xã hội khiến nhiều người dân Thành phố Hồ Chí Minh với tâm lý nhẹ dạ cả tin đã “sập bẫy” mặc dù đã có nhiều cảnh báo từ các cơ quan chức năng.
Trong thời gian cận Tết Nguyên đán, nhiều người dân mang tâm lý muốn kiếm thêm thu nhập nên sẽ rất dễ trở thành nạn nhân của những đối tượng lừa đảo này.
Tại cuộc họp cung cấp thông tin về tình hình kinh tế-xã hội thành phố do Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức vào chiều 11/1, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Phòng tham mưu Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết Công an thành phố sẽ tiếp tục tuyên truyền, khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác, đồng thời thực hiện nhiều biện pháp điều tra, xử lý những đối tượng lừa đảo.
Thượng tá Lê Mạnh Hà cho biết, trong giai đoạn dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 sắp tới, nhiều đối tượng tội phạm nói chung và tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng nói riêng sẽ lợi dụng giai đoạn này để gia tăng các hoạt động phạm tội.
Trong thời gian gần đây, không chỉ riêng thủ đoạn “việc nhẹ, lương cao,” lực lượng Công an Thành phố Hồ Chí Minh còn ghi nhận các phương thức, thủ đoạn lừa trực tuyến của các đối tượng trong giai đoạn này triệt để lợi dụng chủ đề “Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024” nhằm tạo ra những “câu chuyện lừa đảo” ngày càng tinh vi, gắn với sự kiện, pháp nhân cụ thể để dẫn dụ người dân “sập bẫy.”
Thủ đoạn phổ biến nhất của các đối tượng lừa đảo trên là giả mạo các thương hiệu, doanh nghiệp trong và ngoài nước đưa ra các chương trình “quà tặng, trúng thưởng Tết,” “khuyến mãi Tết,” “vé xe, vé máy bay Tết giá rẻ” hay dưới dạng sự kiện “Hội thi áo dài Xuân...” với những giải thưởng, mặt hàng có giá trị hấp dẫn, rẻ hơn so với giá thị trường.
Các đối tượng lừa đảo tiếp cận người dân thông qua cuộc gọi, tin nhắn điện thoại hoặc tin nhắn trên các nền tảng mạng xã hội để dẫn dụ người dân tham gia, mua hàng và chiếm đoạt tài sản.
Một hình thức lừa đảo khác là lừa đảo tuyển dụng việc làm trực tuyến. Các đối tượng lừa đảo triệt để lợi dụng tâm lý người dân có nhu cầu kiếm tiền trong dịp cận Tết để lừa đảo thông qua những lời hứa hẹn hướng dẫn, hỗ trợ người dân mở cửa hàng buôn bán trực tuyến trên các nền tảng thương mại điện tử hàng đầu như Amazon, Shoppe…; chào mời người dân vào các sàn giao dịch thương mại điện tử để xem video, tương tác bài viết trên mạng, đánh giá sản phẩm, tạo đơn hàng ảo trên các sàn... để được chi hoa hồng, sau đó dẫn dụ người dân đầu tư và lừa đảo; đăng tin tuyển cộng tác viên làm online “việc nhẹ lương cao” như chạy quảng cáo, thanh toán đơn hàng cho sàn thương mại điện tử để nhận hoa hồng; đăng tin tuyển lao động “việc nhẹ, lương cao” trong nước để ra làm việc tại nước ngoài…
Nhiều đối tượng còn thực hiện hành vi lừa đảo đầu tư tài chính dưới hình thức gọi điện, nhắn tin mời chào người dân tham gia các “nhóm đầu tư thông minh," “nhóm chuyên gia tài chính,” nhóm đầu tư chứng khoán quốc tế...
Người dân thiếu cảnh giác sẽ bị các đối tượng dẫn dụ vào những nhóm lừa đảo để thao túng, dẫn dụ nạp tiền đầu tư vào các website, ứng dụng do đối tượng tự tạo lập với danh nghĩa đầu tư chứng khoán online, dự đoán tăng giảm giá vàng, dầu hay giao dịch tiền ảo.
Ngoài ra còn có thủ đoạn lừa đảo người dân, tiểu thương làm công việc hoặc mở cửa hàng buôn bán hàng hóa dưới hình thức liên hệ mua hàng với số lượng lớn và đề nghị được thanh toán tiền hàng bằng cách chuyển khoản thông qua ngân hàng điện tử (Internet banking).
Trên thực tế, các đối tượng lừa đảo không thực hiện chuyển tiền mà sử dụng một số phần mềm tạo dựng biên lai thanh toán giả và đưa cho người bán xem nhằm chứng minh để người bán tin và giao hàng, sau khi nhận hàng thì các đối tượng sẽ nhanh chóng tẩu thoát, khiến người bán bị thiệt hại một lượng hàng hoá lớn.
Trước những thủ đoạn lừa đảo ngày càng phức tạp, tinh vi, từ ngày 15/12/2023, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã mở đợt cao điểm ra quân tấn công trấn áp tội phạm; tăng cường công tác đấu tranh, điều tra, xử lý các hệ loại tội phạm nói chung và tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng nói riêng nhằm đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống tội phạm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.
Thời gian tới, Bộ Công an và Công an Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nhiều giải pháp mới để phòng ngừa, đấu tranh, điều tra, xử lý các đối tượng phạm tội; đa dạng hóa công tác tuyên truyền về thủ đoạn tội phạm lừa đảo trên ứng dụng VNEID gắn với vận động người dân đăng ký và kích hoạt sử dụng tài khoản định danh điện tử; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền thủ đoạn lừa đảo của tội phạm cho nhân viên ngân hàng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp nâng cao cảnh giác.
Để tránh mắc bẫy các hành vi lừa đảo, Thượng tá Lê Mạnh Hà cảnh báo người dân không tin vào lời mời tuyển dụng “việc nhẹ, lương cao” trên mạng xã hội, đặc biệt không tin vào lời hứa hẹn, mời gọi hấp dẫn công việc có thu nhập cao và dễ dàng, không yêu cầu kỹ năng hay kinh nghiệm.
Người dân tuyệt đối không chấp nhận những yêu cầu đặt cọc, ứng trước tiền khi tìm việc; chỉ tìm việc thông qua những trung tâm giới thiệu việc làm, tổ chức chính trị xã hội, các pháp nhân có địa chỉ, pháp nhân rõ ràng, nơi tuyển dụng phải có địa chỉ cụ thể; không đăng nhập các đường link lạ do những người không quen biết hoặc chỉ quen biết qua mạng xã hội gửi vì đường link có nguy cơ chứa mã độc để chiếm quyền điều khiển điện thoại.
Trường hợp nghi vấn lừa đảo, người dân cần tham khảo ý kiến người thân trong gia đình, người hiểu biết, liên hệ công an khu vực hoặc liên hệ cơ quan công an gần nhất./.
Tẩn Ông Cao cấu kết với các đối tượng là người nước ngoài lừa 5 nạn nhân đi lao động ở nước ngoài; giam giữ, bỏ đói, đánh đập, khủng bố tinh thần, ép nạn nhân gọi điện về nhà đòi tiền chuộc.