Cảnh giác với những 'chiêu' lừa tín dụng công nghệ cao
Nhiều thủ đoạn lừa đảo tinh vi
Các đối tượng lừa đảo thường giả mạo website, facebook... của các ngân hàng và tổ chức tín dụng uy tín để lấy cắp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng hoặc tiền mặt. Các nhóm này còn chạy quảng cáo thông qua các nền tảng mạng xã hội để chào mời cho vay tín chấp với lãi suất thấp. Nếu người dùng không cẩn thận kiểm tra sẽ dễ rơi vào bẫy lừa đảo.
Một thủ đoạn thường gặp khác là đối tượng lừa đảo lập tài khoản mạng xã hội giả mạo với các nguồn thông tin giả, tham gia vào các hội nhóm, diễn đàn, đăng bài quảng cáo cho vay tín chấp với lãi suất thấp, thủ tục vay đơn giản, không cần thẩm định, chỉ cần xác minh qua mạng bằng thông tin cá nhân và căn cước công dân.
Thủ đoạn chung của các băng nhóm lừa đảo này là mạo danh tổ chức tín dụng, ngân hàng, lấy thông tin của người dùng, cập nhật liên tục quá trình xác minh hồ sơ vay, sau đó báo với người vay là hồ sơ đã được duyệt, cần chuyển một khoản tiền “làm tin” để được tiến hành cho vay. Với mong muốn vay được tiền, bị dẫn dụ khéo léo bởi những đối tượng lừa đảo chuyên nghiệp, không ít người đã bị lừa, chuyển khoản nhiều lần với số tiền không nhỏ. Cách đây ít lâu, một bác sĩ trẻ khá nổi tiếng trên mạng đã kể lại trường hợp bị lừa của bản thân. Vì muốn vay gấp để giải quyết chuyện gia đình, anh rơi vào thủ đoạn lừa đảo như trên, chuyển tổng cộng hơn 400 triệu đồng cho băng nhóm lừa đảo.
Cạnh đó, còn có hiện tượng lừa đảo bằng công nghệ cao thông qua các sàn thương mại điện tử bằng cách gửi đường link tặng quà/khuyến mãi có tên các sàn thương mại điện tử. Khi người dùng bấm vào, làm theo hướng dẫn để nhận thưởng sẽ bị mất tài khoản hoặc mất tiền trong các ví điện tử. Còn có tình trạng mạo danh nhân viên nhà mạng gọi đến giải quyết sự cố hoặc nâng cấp sim, sau đó dùng thủ thuật chiếm đoạt sim, đăng nhập vào các tài khoản thanh toán online để chiếm đoạt tiền...
“Khủng bố” tinh thần nạn nhân
Đáng lo ngại hơn là không chỉ tìm cách chiếm đoạt tài sản, các đối tượng còn hăm dọa và khủng bố tinh thần nạn nhân, như: gọi điện, gửi tin nhắn, thư từ đe dọa công bố thông tin cá nhân nhạy cảm hoặc gây hại đến sự an toàn của gia đình nạn nhân...
Mới đây, anh Trần Văn P., ngụ đường Nguyễn Trãi, thị xã Lagi, Bình Thuận đã làm đơn tố cáo đến cơ quan chức năng về hành vi của một băng nhóm lừa đảo. Theo đó, anh P. là chủ một cửa hàng kinh doanh thực phẩm, vì cần tiền vốn để mở rộng kinh doanh nên quyết định mở thẻ tín dụng của ngân hàng. Lên mạng tìm kiếm, anh thấy website của một ngân hàng uy tín đang “chào mời” rất nhiều ưu đãi khi làm thẻ, thủ tục nhanh gọn. Gọi điện cho số “hotline” trên website, anh P. được hướng dẫn chụp ảnh cá nhân cùng với thẻ căn cước gửi cho một người tên Nam. Sau đó, anh P. được thông báo hồ sơ đã được xét duyệt.
Tuy nhiên, để được cấp thẻ tín dụng, anh P. phải chuyển khoản 5 triệu đồng cho người tên Nam này để ủy thác. Đến lúc này, cảm thấy không ổn, anh P. từ chối chuyển tiền, sau đó người tên Nam liên tiếp tiếp cận, từ nằn nì chuyển sang nói thiếu văn hóa đòi anh P. phải thanh toán 20 triệu đồng vì “ngân hàng đã chuyển tiền vào thẻ”. Đối tượng này còn liên tục nhắn tin, gọi điện khủng bố, đe dọa, đăng hình ảnh anh P. cùng với căn cước công dân của anh lên mạng xã hội để rêu rao anh P. “thiếu nợ không trả”.
Không ít nạn nhân cũng rơi vào tình trạng tương tự, bị làm phiền, bị ảnh hưởng đời sống cá nhân, bị đe dọa, xúc phạm... Trước thủ đoạn lừa đảo tinh vi, có nhiều diễn biến phức tạp trên không gian mạng như trên, Bộ Công an đã khuyến cáo người dân khi có nhu cầu vay tiền, cần liên hệ trực tiếp với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng để được tư vấn, hướng dẫn làm thủ tục vay vốn. Đồng thời, cần cảnh giác, tìm hiểu kỹ, xác thực chính xác công ty tài chính, tư vấn viên trước khi tiến hành các thủ tục vay tiền. Đặc biệt, người dân không cung cấp thông tin cá nhân khi chưa xác định chính xác website, ứng dụng và danh tính tư vấn viên, tuyệt đối không cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng, mã OTP được gửi vào hòm thư, điện thoại di động cho các đối tượng, không chuyển tiền vào tài khoản cá nhân mà các đối tượng lạ cung cấp, dụ dỗ.
Bộ Công an khuyến cáo: Khi phát hiện thủ đoạn mạo danh, lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc bị mạo danh, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người dân cần trình báo với cơ quan công an gần nhất.