1. Trang chủ /
  2. Cảnh giác với tin nhắn độc hại từ nguồn BTS giả

Cảnh giác với tin nhắn độc hại từ nguồn BTS giả

thứ năm, 11/4/2024 11:44 GMT+07
Sở Thông tin truyền thông tỉnh Bắc Ninh vừa phát đi khuyến cáo tới người dân cần cảnh giác và tố giác đến cơ quan công an nếu thấy có dấu hiệu của đối tượng lập trạm BTS giả nhằm phát tán tin nhắn rác và đường link tải các ứng dụng trái phép, chiếm đoạt tài sản của người dân.
Tin nhắn giả danh ngân hàng đi kèm link chứa mã độc (Nguồn ảnh: Internet) Tin nhắn giả danh ngân hàng đi kèm link chứa mã độc (Nguồn ảnh: Internet)

BTS là từ viết tắt của “Base transceiver station” có nghĩa là trạm thu phát sóng gốc. Hiện ở Việt Nam chỉ có các nhà mạng như Vinaphone, Mobilephone, Viettel,... mới được cấp phép sử dụng. Nhiệm vụ của các trạm BTS là phát sóng, truyền tải, kết nối các thiết bị di dộng của cá nhân, tổ chức với nhau, với điện thoại thông thường là nghe, gọi, nhắn tin (dùng mạng 2G) còn các điện thoại smartphone sẽ có thêm nhiều tiện ích khác như lướt Web, truy cập internet, giao dịch online,...(dùng mạng 3G trở lên).

Tuy nhiên, thời gian vừa qua có rất nhiều các đối tượng sử dụng trạm BTS giả để nhắn tin đến các thuê bao điện thoại quanh vùng thiết lập trạm với bán kính lên tới 2km. Các tin nhắn đồng thời sẽ nhắn cho hàng ngàn thuê bao điện thoại quanh đó với cùng một nội dung mang tính chất lừa đảo dưới nhiều hình thức.

Thông thường các tin nhắn sẽ giả danh các ngân hàng hoặc tổ chức tài chính, trang Web đánh bạc trực tuyến, mại dâm đi kèm những đường link độc, hại. Thực chất dây là tin nhắn lừa đảo được cài mã độc nhằm đánh cắp thông tin tài khoản hoặc theo dõi điện thoại của người bị hại, nguy hiểm hơn là lừa đảo chiếm đoạt tiền từ tài khoản ngân hàng của người bị hại.

Cách thức trạm BTS giả phát tán tin nhắn lừa đảo (Nguồn ảnh: Internet)
Cách thức trạm BTS giả phát tán tin nhắn lừa đảo (Nguồn ảnh: Internet)

Khi người sử dụng điện thoại ấn vào link do tin nhắn giả gửi đến sẽ được truy cập vào website giả mạo, dưới nhiều hình thức khác nhau nhưng cùng bản chất là khi thao tác trên đó người sử dụng sẽ nhập thông tin cá nhân, tài khoản, mật khẩu và cả mã OTP, những thông tin này sẽ được kẻ gian thu thập và thực hiện lệnh chuyển tiền trên hệ thống của ngân hàng khiến cho người sử dụng điện thoại bị mất tiền ngay tức khắc.

Vì định dạng của gói tin SMS là đơn giản và không có trường thông tin để kiểm tra lại xuất xứ xủa tin nhắn nên điện thoại của người dùng dễ dàng bị đánh lừa, xếp chung các tin nhắn giả với các tin nhắn thật đến từ tổ chức, cá nhân khác.

Một trạm BTS giả trên xe ô tô bị lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ (Nguồn ảnh: Internet)
Một trạm BTS giả trên xe ô tô bị lực lượng chức năng phát hiện và bắt giữ (Nguồn ảnh: Internet)

Để phòng ngừa tình trạng bị “đánh cắp” dữ liệu cá nhân cũng như bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ những tin nhắn của trạm BTS giả, chuyên gia an ninh mạng khuyến cáo người dân: Các tổ chức chính thống như ngân hàng, công ty tài chính sẽ không làm việc với khách hàng bằng cách gửi tin nhắn SMS và gửi đường link, do đó khi nhận được các tin nhắn rác, tuyệt đối không kích vào đường link đi kèm và không làm theo những hướng dẫn của tin nhắn. Đối với các thiết bị nghi ngờ đã bị nhiễm mã độc nên khôi phục thiết bị về trạng thái cài đặt gốc ban đầu để đảm bảo an toàn thông tin cá nhân cũng như tránh nguy cơ bị mất tiền trong tài khoản.

Vì trạm BTS giả này có kích thước nhỏ gọn, các đối tượng lừa đảo sẽ dễ dàng sử dụng phương tiện cá nhân như ô tô, xe máy để chuyên chở. Nếu phát hiện đối tượng có dấu hiệu khả nghi người dân hãy liên hệ ngay với Sở Thông tin truyền thông tỉnh Bắc Ninh hoặc Công an tỉnh Bắc Ninh để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.