Cấp ủy, chính quyền một số địa phương thiếu quyết liệt, "khoán trắng" cho lực lượng chuyên trách
Số vụ tai nạn giao thông do vi phạm quy định nồng độ cồn giảm sâu
Thông báo nêu rõ, Quý I năm 2023 tiếp tục đà phục hồi kinh tế - xã hội, nhu cầu vận tải và số lượng phương tiện tham gia giao thông tăng cao, nhất là trong các dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội Xuân 2023. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương, tình hình trật tự, an toàn giao thông cơ bản được bảo đảm. Tai nạn giao thông tiếp tục được kiềm chế và kéo giảm sâu so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể giảm 15,43% về số vụ, giảm 15,23% về số người chết và giảm 8,57% số người bị thương.
Đặc biệt, số vụ tai nạn giao thông do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định nồng độ cồn giảm sâu so với các năm trước; số vụ ùn tắc giao thông trong các dịp cao điểm giảm đáng kể sau khi triển khai thu phí điện tử không dừng trên phạm vi toàn quốc...
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông Quý I năm 2023 còn một số tồn tại, hạn chế như, còn xảy ra một số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Vi phạm về trật tự, an toàn giao thông còn nhiều, trong đó vi phạm về hành lang an toàn giao thông đường bộ, đường sắt chưa được xử lý kịp thời. Còn hiện tượng tụ tập, đua xe mô tô trái phép xảy ra tại một số địa phương.
Vấn nạn xe ô tô tải không thực hiện nghiêm quy định về xếp hàng hoá lên phương tiện, khiến cho hàng hoá bị rơi xuống đường, gây mất an toàn giao thông chưa được xử lý triệt để. Số vụ ùn tắc giao thông cục bộ có xu hướng gia tăng. Còn 16 địa phương có số người chết do tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ 2022, trong đó 11 tỉnh tăng trên 20% là: Thái Bình, Hà Tĩnh, An Giang, Hà Giang, Tây Ninh, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Kon Tum, Lạng Sơn và Sơn La.
Nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên là do hiệu lực thực thi pháp luật về trật tự, an toàn giao thông ở một số địa phương còn hạn chế; sự phối hợp giữa các cơ quan, lực lượng chức năng có nơi, có lúc chưa chặt chẽ, nhất là trong việc thực hiện quy định an toàn giao thông đối với các đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ.
Ý thức chấp hành các quy định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp còn yếu kém, tình trạng lái xe vi phạm tốc độ, sai phần đường, làn đường, vi phạm quy định về nồng độ cồn, chất ma túy khi lái xe... còn diễn ra, chưa được xử lý triệt để. Cấp ủy, chính quyền ở một số địa phương, đơn vị còn nhận thức chưa đúng, thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, thậm chí "khoán trắng" cho lực lượng chuyên trách.
Duy trì chuyên đề xử lý vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, tốc độ, không đội mũ bảo hiểm
Trong quý II năm 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục quán triệt triển khai thực hiện về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và mục tiêu Kế hoạch Năm An toàn giao thông 2023 của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.
Bộ Giao thông vận tải cần bảo đảm tiến độ và chất lượng công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt là Dự án Luật Đường bộ và các Thông tư quy định về xếp hàng hóa trên xe ô tô khi tham gia giao thông trên đường bộ, quy định về vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng khi tham gia giao thông trên đường bộ...
Tiếp tục rà soát, xử lý các "điểm đen", "điểm tiềm ẩn" tai nạn giao thông mới phát sinh; phối hợp với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng thực hiện công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa trong mùa mưa lũ.
Sở Giao thông vận tải các địa phương tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là khai thác có hiệu quả dữ liệu từ hệ thống giám sát hành trình, camera gắn trên xe ô tô kinh doanh vận tải…
Bộ Công an tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trong đó tiếp tục duy trì chuyên đề xử lý vi phạm về nồng độ cồn, ma túy, tốc độ, không đội mũ bảo hiểm khi đi xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; không thắt dây an toàn trên ô tô...
Tăng cường kiểm soát, xử lý vi phạm của lái xe, chủ xe ô tô kinh doanh vận tải; đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án "Đầu tư lắp đặt camera để giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh, trật tự và xử lý vi phạm giao thông".Nghiên cứu xây dựng, bổ sung hoàn thiện các phương án phòng ngừa, giải quyết ùn tắc giao thông phù hợp với tình hình thực tế ở mỗi tuyến đường, địa phương; rà soát, đánh giá hiện trạng các tuyến giao thông để kiến nghị xây dựng phương án tổ chức lại giao thông theo từng tuyến, nhất là các tuyến giao thông phức tạp để kịp thời khắc phục các bất hợp lý về tổ chức giao thông, giải quyết các "điểm đen", các tuyến giao thông phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương tiếp tục triển khai Kế hoạch Năm An toàn giao thông 2023 tại địa phương - Duy trì thường xuyên và liên tục các hoạt động tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông theo chỉ đạo của Bộ Công an, Kế hoạch Năm An toàn giao thông 2023 của địa phương.