1. Trang chủ /
  2. Cát tặc hoành hành, đe dọa xóa sổ danh thắng soi Tình Húc

Cát tặc hoành hành, đe dọa xóa sổ danh thắng soi Tình Húc

thứ bảy, 15/10/2022 10:00 GMT+07
PLM - Nhiều năm nay, khai thác cát sỏi luôn là lĩnh vực “rất nóng” và diễn ra ở khắp các sông suối chảy qua địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
Ngay dưới bãi soi Tình Húc, vài chục tàu cát lớn nhỏ luôn túc trực ngày đêm chờ ăn hàng. Bờ bãi, lòng sông, cảnh quan môi trường đang từng ngày bị cát tặc bức tử.
Ngay dưới bãi soi Tình Húc, vài chục tàu cát lớn nhỏ luôn túc trực ngày đêm chờ ăn hàng. Bờ bãi, lòng sông, cảnh quan môi trường đang từng ngày bị cát tặc bức tử.

Danh thắng soi Tình Húc đang bị cát tặc bức tử?

Soi Tình Húc được hứa hẹn là danh thắng du lịch độc đáo giữa lòng TP Tuyên Quang. Những ngày hè, nơi đây rất đông khách đến tham quan, check in, cắm trại...
Soi Tình Húc được hứa hẹn là danh thắng du lịch độc đáo giữa lòng TP Tuyên Quang. Những ngày hè, nơi đây rất đông khách đến tham quan, check in, cắm trại...

Ngay dưới cầu Tình Húc vài trăm mét, nhiều tàu cỡ lớn, tàu hút, tàu cuốc công suất lớn với vòi bạch tuộc dài 20 - 30m thi nhau rút ruột, đục khoét lòng sông. 

Nhiều đoạn kè đá hai bên bờ sông đã sụp đổ, nhìn viễn cảnh trước mắt, nhiều người dân ngậm ngùi cho rằng: “Trên bờ cứ kè, dưới sông cứ đào hút cát sỏi... đúng là phi kinh tế, không có luật pháp”. 

Với tốc độ khai thác cát sỏi bất chấp hậu quả như hiện nay, chắc chắn không bao lâu nữa, soi Tình Húc với cảnh quan thiên nhiên độc đáo nhất, được kỳ vọng sẽ là điểm du lịch hấp dẫn của TP Tuyên Quang sẽ bị nạn khai thác cát xóa sổ. 

Nếu cát tặc “ngoạm” mất soi Tình Húc, những ai sẽ có tội và phải chịu trách nhiệm trước dân, trước pháp luật?

Các tàu cát hoạt động gần như suốt ngày đêm. Khi thuận con nước, các tàu hoạt động từ 5h sáng, tối có hôm đến 9h. Chỉ tính riêng đoạn dưới cầu Tình Húc với khoảng gần 30 tàu cát, mỗi chiếc trung bình chở 200 m3, mỗi ngày đêm có khoảng 6.000 m3 cát sỏi được đào hút chở đi tiêu thụ. 

Ông Minh Hùng (41 tuổi, TP Tuyên Quang) chuyên kinh doanh cát sỏi cho biết, cát đẹp như chỗ này họ vẫn bán 240.000đ/m3. 

Người dân thông tin thêm, có một tàu nhỏ phía trên sơn màu trắng, cứ sáng sớm đi đến từng tàu kiểm tra, đo đếm rồi thu tiền, làm rất “chuyên nghiệp”, cứ tàu nào đầy cát sỏi là họ có mặt. Đây là tàu của chủ mỏ đi “thu phế” tàu các nơi đến khai thác. Bình quân mỗi tàu họ thu được từ 40-60 triệu đồng/ngày, vài chục con tàu thì số tiền thu được sẽ quá khủng.

Qua tìm hiểu được biết, mỏ cát sỏi này trước đây được tỉnh cấp phép cho Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Thành Hưng (tổ 7 phường Hưng Thành, TP Tuyên Quang). Đây là doanh nghiệp “tay to” ở Tuyên Quang, từng gây tiếng vang lớn trên cả nước khi một mình “bao thầu”, “ôm trọn” cả Đề án Kiên cố hóa 780 km kênh mương giai đoạn 2016 - 2025 trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang với kinh phí phê duyệt trên 600 tỷ đồng. Bất ngờ là, mỗi gói thầu, DN này chỉ “tiết kiệm” cho Nhà nước so với giá chào thầu hơn chục triệu đồng!

Dư luận cho rằng vụ việc “có mùi”, tuy nhiên Sở NN&PTNT Tuyên Quang cho rằng, họ làm “đúng quy trình”, đây là DN duy nhất “đủ năng lực”.

 Đuôi soi Tình Húc đã bị "ngoạm mất", đoạn bờ sông dài mấy chục mét đang được kè đá cũng sạt lở lấn cả vào vạt ngô
Đuôi soi Tình Húc đã bị "ngoạm mất", đoạn bờ sông dài mấy chục mét đang được kè đá cũng sạt lở lấn cả vào vạt ngô

Buông lỏng quản lý, hậu quả khôn lường

Ông Hoàng Đức Hùng (76 tuổi, phường Hưng Thành, TP Tuyên Quang) nói: “Chúng tôi hay đến đây câu giải trí, quan sát có ngày hàng trăm tàu chở đầy cát sỏi qua lại mới thấy lượng cát sỏi lấy đi khủng khiếp. Kè đá hai bên bờ sông sạt lở, nhưng hiếm thấy lực lượng nào kiểm tra. Cảnh quan bị mất dần, dân chúng tôi bức xúc lắm”. 

Theo quan sát của chúng tôi, đuôi soi Tình Húc đã bị "ngoạm mất", đoạn bờ sông dài mấy chục mét đang được kè đá cũng sạt lở lấn cả vào vạt ngô.

Chị Nhung (46 tuổi, phường Nông Tiến, TP Tuyên Quang) bức xúc: “Nhà tôi có mấy sào ngô, mấy năm nay tàu cát đào hút sát bờ làm sạt lở mất gần một nửa rồi, chúng tôi xua đuổi cũng chỉ tạm thời, vắng người là chúng lại vào, kể cả đêm. Nhiều lần gọi điện cho xã phường nhưng đều im, nếu cứ thế này thì chúng tôi sẽ mất hết đất canh tác. Chắc chắn phải có ông to bảo kê thì bọn họ mới dám ngang nhiên làm, biển cắm cấm khai thác cát sỏi cũng bị bay mất”.

Người dân ở đây kể rằng, ngay dưới bãi soi Tình Húc vài trăm mét là soi Bò, rộng khoảng gần 10 ha, đất đai phì nhiêu. Từ lâu, trên đó có mấy hộ gia đình làm nông nghiệp sinh sống. Tất cả đã thay đổi khi DN được cấp phép khai thác cát sỏi đến đây. Mấy chục con tàu lớn nhỏ đào hút suốt ngày đêm, đất trên soi cứ sạt lở. 

Cái gì đến cũng sẽ đến. Cách đây khoảng hơn ba năm, khi không thể co cụm trụ nổi trên soi Bò sau nhiều năm xua đuổi cát tặc và kêu cứu lên chính quyền, mấy hộ dân đành ngậm ngùi thu dọn nhà cửa di chuyển vào làng sinh sống. Soi Bò không chủ, chính quyền không quan tâm, cát tặc cứ thế thỏa sức tận diệt, không lâu sau đó, soi Bò "vĩnh viễn biến mất trên bản đồ địa chính Tuyên Quang", người dân bày tỏ sự tiếc nuối trong bức xúc.

“Nếu cứ tiếp tục buông lỏng quản lý thế này, chẳng bao lâu nữa danh thắng soi Tình Húc cũng sẽ biến mất như soi Bò”, nhiều người bất an nhận định.

Để tìm hiểu rõ sự việc, PV nhiều lần gọi điện cho ông Dương Văn Thìn, Chủ tịch UBND phường Nông Tiến, TP Tuyên Quang, nhưng ông này không nhấc máy. 

Trao đổi qua điện thoại, ông Nguyễn Thế Anh, Phó Chủ tịch UBND phường Nông Tiến nói rằng: “Vụ việc này chúng tôi sẽ cử cán bộ đi xác minh cụ thể rồi sẽ trả lời các anh”.

Nếu chấp hành nghiêm Nghị định 23/2020/NĐ-CP ngày 24/02/2020 của Chính phủ “quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông” thì chắc chắn có nhiều mỏ cát sỏi trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang quản lý sẽ không được phép hoạt động. Dư luận đang dõi theo và ngóng chờ sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền tỉnh Tuyên Quang

Có thể bạn quan tâm