Câu chuyện thuốc hiếm: Khi sinh mạng người dân không đợi quy trình
Gần 12 giờ trưa tại Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), nam bệnh nhân N.H.H ở Hưng Yên cùng vợ hoảng hốt chạy rầm rầm vào khu vực cấp cứu với bàn tay tím đen dần, đang nhúng sâu trong một ca nước.
Mặt bệnh nhân thất thần, nhăn nhó, đầy sợ hãi và lo lắng, còn bàn tay phải thì cảm giác tê cứng như bị rắn cắn. Vài giây sau đó, một loạt nhân viên y tế hối hả chạy vào kho thuốc để chuẩn bị tiến hành cấp cứu giải độc cho bệnh nhân. Bàn tay bệnh nhân H. bị nhiễm độc hóa chất tẩy rửa không rõ nguồn gốc xuất xứ, do chính anh mua trên mạng…
Bác sỹ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết những tình huống như vậy là chuyện thường ngày ở trung tâm này...
Nhìn quanh, tại Trung tâm Chống độc với 2 tầng điều trị có 60 chiếc giường bệnh đều chật kín bệnh nhân. Khu hồi sức với đủ loại bệnh nhân, từ ngộ độc do tự tử bằng thuốc sâu, ngộ độc côn trùng, ngộ độc do ma túy, ngộ độc do uống nhầm hóa chất, ngộ độc rượu, ngộ độc nấm... Có bệnh nhân bất tỉnh, có bệnh nhân hôn mê, cũng có người sau vài ngày điều trị tiên lượng xấu và gia đình phải xin về…
Chưa bao giờ tình trạng nhiều ca ngộ độc tại các trung tâm chống độc trên cả nước lại đa dạng như hiện nay ở mọi lứa tuổi, người thì may mắn được cứu chữa kịp thời để giữ lại mạng sống, nhưng cũng có không ít bệnh nhân kém may mắn do thiếu thuốc giải độc đặc thù (thuốc hiếm).
Bài 1:
Thiếu thuốc hiếm - “Phương trình” nhiều năm vẫn chưa có lời giải thỏa đáng
Trong thời gian gần đây, vấn đề thuốc hiếm là câu chuyện đang được quan tâm khi có các bệnh nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh bị ngộ độc Botulinum dẫn đến liệt cơ hoàn toàn, nguy cơ tử vong cao nhưng trong bối cảnh Việt Nam không có đầy đủ thuốc điều trị.
Thực tế cho thấy, với những quy định hiện nay, các bệnh viện lúc nào cũng trong tình trạng nơm nớp lo sợ vì không có thuốc điều trị cho bệnh nhân.
Những vụ ngộ độc khó chữa, chi phí điều trị cao
Trong cuộc sống, những thói quen ăn uống tưởng như rất đỗi bình thường như ăn giò chả, ăn pate, ăn cá ủ muối chua… thường ngày nhưng lại luôn ẩn chứa nguy cơ ngộ độc thực phẩm đáng lo ngại.
Thời gian qua, liên tiếp các ca nhiễm độc Botulinum xảy ra liên quan tới thực phẩm là tâm điểm chú ý của xã hội, khi có tới 15 ca bệnh được ghi nhận trong tháng 3 và tháng 5/2023 tại thành phố Quảng Nam và Thành phố Hồ Chí Minh.
Đáng lưu ý, việc tìm kiếm nguyên nhân rất khó khăn trong khi đã có bệnh nhân tử vong, nhiều trường hợp để lại di chứng nặng nề và chi phí điều trị cao.
Sự việc mới nhất là trong ngày 14 và 15/5/2023, tại Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Nhi đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh liên tục tiếp nhận 6 trường hợp, trong đó có 3 người lớn và 3 trẻ em, đến cấp cứu trong tình trạng nôn ói, đau bụng, liệt cơ, khó nuốt sau khi ăn… Các kết quả xét nghiệm cho thấy những người này ngộ độc với độc tố Botulinum.
Cách vài tháng trước đó, từ ngày 7-18/3, trên địa bàn huyện Phước Sơn, Quảng Nam có 10 nạn nhân bị ngộ độc Botulinum phải nhập viện, trong đó có 1 trường hợp đã tử vong. Nguyên nhân của vụ ngộ độc được xác định là do độc tố Botulinum trong món cá chép muối ủ chua - món ăn đặc sản của người dân nơi đây.
Còn điển hình cách đây gần 3 năm là vụ "pate Minh Chay" gây ngộ độc, xảy ra hồi tháng 7/2020. Kết quả xét nghiệm một số sản phẩm "Pate Minh Chay" ở các lô khác nhau đã phát hiện vi khuẩn Clostridium Botulinum type B. Đây cũng là lần đầu tiên các y bác sỹ tại Việt Nam phát hiện và xác định được ca ngộ độc liên quan tới Botulinum.
Tiến sỹ Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay đơn cử như tại Mỹ - nơi có tiêu chuẩn an toàn thực phẩm rất cao nhưng mỗi năm cũng ghi nhận khoảng 150 ca ngộ độc Botulinum. Ở Việt Nam, trước đây ít phát hiện ca bệnh vì khả năng chẩn đoán và hiểu biết về bệnh này còn rất hạn chế.
Tuy nhiên, chỉ cho tới năm 2020, khi các điều kiện đạt đủ, các ca ngộ độc Botulinum đầu tiên mới được chẩn đoán trong vụ pate Minh Chay, các bác sỹ đã biết đến loại vi khuẩn này nhiều hơn, cùng với đó, các kỹ thuật xét nghiệm cận lâm sàng đã hiện đại hơn nên việc chẩn đoán trở nên dễ dàng và phát hiện nhiều ca ngộ độc Botulinum trong cộng đồng. Kể từ đây, các bác sỹ Việt Nam đã có kinh nghiệm thực tế, nghiên cứu, chia sẻ phác đồ chẩn đoán, tiến tới phát hiện ra các ca khác không những tại các trung tâm như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh mà còn ở các vùng sâu vùng xa.
Tiến sỹ Nguyên cho biết Việt Nam ước tính tất cả các loại (Botulinum ở trẻ nhũ nhi, ở người có vết thương hở, ngộ độc thực phẩm) thì một năm có khoảng 50 ca.
Theo các chuyên gia, vi khuẩn Clostridium Botulinum là vi khuẩn kị khí tuyệt đối, sinh bào tử, có độc lực rất mạnh, ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe, kéo dài và dễ tử vong.
Tiến sỹ Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) dùng giải ngộ độc tố Clostridium Botulinum là thuốc cực hiếm không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. Mỗi lọ thuốc có giá 8.000 USD tương đương với khoảng 190 triệu đồng. Các bác sỹ tham gia hỗ trợ cứu chữa đều nhận định điều trị bệnh nhân ngộ độc Botulinum rất khó khăn, tỷ lệ tử vong rất cao nếu không có thuốc giải. Được biết, đây là dạng thuốc hiếm có chi phí rất cao và chưa được bảo hiểm y tế chi trả.
Theo Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, trước hoàn cảnh của các bệnh nhân bị ngộ độc Botulinum ở Quảng Nam, để chia sẻ khó khăn trong lúc hoạn nạn với người bệnh, Bệnh viện Chợ Rẫy hoàn toàn miễn phí 3 lọ thuốc giải độc đã sử dụng cho 3 bệnh nhân nặng.
Thách thức về nguồn thuốc điều trị
Trong công tác điều trị các trường hợp ngộ độc Botulinum hiện nay tại Việt Nam gặp một khó khăn lớn là việc khan hiếm nguồn thuốc. Đến thời điểm trước khi xảy ra vụ ngộ độc tại Quảng Nam (tháng 3/2023), Bệnh viện Chợ Rẫy còn 5 lọ thuốc thuốc giải độc đặc hiệu BAT để điều trị khi có người ngộ độc Botulinum. Sau đó có 3 lọ đã sử dụng cho những người ngộ độc Botulinum sau khi ăn cá chép ủ muối chua ở Quảng Nam, nên khi xảy ra vụ việc 6 trường hợp ngộ độc Botulinum do ăn chả lụa bán dạo ở Thành phố Hồ Chí Minh, các bác sỹ của Bệnh viện Chợ Rẫy lập tức liên hệ với Bệnh viện Đa khoa Khu vực Miền núi phía Bắc Quảng Nam để điều chuyển 2 lọ thuốc giải độc BAT còn lại về Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là số thuốc còn lại sau đợt điều trị cho chùm ca ngộ độc sau ăn cá ủ muối chua vào tháng 3/2023, tại Quảng Nam.
Ngày 16/5, hai lọ thuốc giải độc BAT đã về đến Thành phố Hồ Chí Minh và ngay lập tức được ưu tiên sử dụng cho 3 trẻ ngộ độc Botulinum, còn 3 trường hợp bệnh nhân là người lớn thì không may mắn vì không có thuốc để dùng kịp thời. Với trường hợp không có thuốc giải độc, các bác sỹ chỉ còn cách điều trị bằng hỗ trợ dinh dưỡng và thở máy.
Tiến sỹ, Bác sỹ Lê Quốc Hùng - Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Chợ Rẫy) phân tích, việc hết thuốc BAT là vấn đề rất đáng tiếc cho bệnh nhân bởi nếu sử dụng thuốc BAT sớm, chỉ trong vòng 48-72 giờ, bệnh nhân có khả năng thoát ra khỏi tình trạng bị liệt và cũng không phải đưa tới tình trạng phải thở máy. Hoặc nếu bắt đầu thở máy 1-2 ngày, khoảng từ 5-7 ngày là bệnh nhân có thể hồi phục và có thể bỏ được máy thở, tập vật lý trị liệu để trở về với cuộc sống bình thường. Không có thuốc, thời gian thở máy của người bệnh sẽ kéo dài từ 3-6 tháng và đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm. Đây thật sự là thách thức trong quá trình theo dõi điều trị cho bệnh nhân ngộ độc Botulinum.
Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan - đoàn đại biểu quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng rủi ro trong các trường hợp ngộ độc hoặc các tình huống hiếm gặp khác có thể xảy ra nên phải có thuốc để cấp cứu kịp thời.
Bà Lan phân tích, với vụ ngộ độc Botulinum xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh: “Đây không phải lần đầu thiếu thuốc và không chỉ riêng thuốc này. Từ trước đến nay các bệnh viện thường hay đón nhận cấp cứu thì dự trù hàng năm về các loại thuốc, nhưng mua về thì đối diện nguy cơ chậm có do thủ tục rất phức tạp. Các doanh nghiệp đứng ra nhập thuốc này cũng không phải vì lợi nhuận, do nhập có bao nhiêu đâu, chủ yếu là quan hệ với bệnh viện. Khi mua về rồi, may mắn không có bệnh nhân nào dùng thì thuốc có hạn phải hủy, nhưng những loại này rất đắt tiền. Nên giải pháp là phải dự trữ quốc gia về thuốc phòng ngừa ngộ độc Botulium và một số sản phẩm khác.”
Đề cập đến thuốc điều trị, theo Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), thuốc giải độc tố Botulinum là loại thuốc rất hiếm, do mỗi năm cả nước chỉ có vài ca bệnh nên các bệnh viện thường không dự trù đủ.
BAT là loại thuốc quý hiếm trên toàn cầu, có giá hơn 8.000 USD/lọ. Hiện trên thế giới chỉ có một công ty tại Canada sản xuất. Trước đây, Việt Nam không có thuốc giải Botulinum, tuy nhiên năm 2020 xảy ra vụ ngộ độc pate Minh Chay khiến nhiều người nguy kịch nên Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã hỗ trợ thuốc cho Việt Nam.
Trước những ca ngộ độc Botulinum vừa xảy ra tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cục Quản lý Dược đã liên hệ với WHO trong tình huống không mua được thuốc sẽ nhờ hỗ trợ từ WHO. Ngay sau đó, WHO đã quyết định viện trợ khẩn cấp thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent cho các bệnh nhân bị ngộ độc Botulinum đang được điều trị tại các bệnh viện ở Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, khi có thuốc giải về thì các bệnh nhân kia đã qua “thời gian vàng” để sử dụng thuốc.
Việc thiếu thuốc giải độc như Botulinum chỉ là ví dụ điển hình về vấn đề ngộ độc và thiếu thuốc giải độc đã tồn tại và đang diễn ra trong nhiều năm nay như như huyết thanh kháng nọc rắn cạp nia, thuốc giải độc cho người bị ngộ độc Clostridium Botulinum, giải độc cho bệnh nhân ngộ độc Asen, thủy ngân…
Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, quy định hàng năm, các bệnh viện đều phải thống kê danh mục thuốc hiếm cần nhập để gửi lên Sở Y tế duyệt và trình Bộ Y tế để duyệt nhập thuốc hiếm về. Dù vậy năm nào cũng rơi vào tình trạng thiếu thuốc hiếm nên cần tính toán nhu cầu của cả nước rồi tính toán số lượng thuốc để nhập về dự trữ trước, tránh tình trạng khi có việc xảy ra lại thiếu thuốc./.
Đón đọc toàn bộ chùm bài:
Bài 1: Thiếu thuốc hiếm - “Phương trình” nhiều năm vẫn chưa có lời giải thỏa đáng
Bài 2: Bức tranh về ngộ độc ở Việt Nam: Quá nhiều mối nguy đang rình rập
Bài 3: Chiến lược dự trữ quốc gia ứng phó với những thảm kịch ngộ độc