Chậm giải ngân vốn đầu tư công: Lãng phí thấy rõ, trách nhiệm ra sao?
Để giải ngân lượng vốn đầu tư công rất lớn năm 2022 với số vốn gấp hơn 2,5 lần so với năm 2016 và nhiều hơn khoảng 110.000 tỷ đồng so với năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 9 Nghị quyết, 3 công điện, 7 văn bản; tổ chức 1 hội nghị trực tuyến với các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương. Đặc biệt, 6 Tổ công tác đã được Thủ tướng Chính phủ giao tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại 41 bộ, cơ quan trung ương và 18 địa phương có kết quả giải ngân dưới mức trung bình của cả nước (34,47%).
Thủ tướng yêu cầu 6 Tổ công tác phải đi trực tiếp kiểm tra tại một số bộ, cơ quan, địa phương để sớm giải quyết những vướng mắc, điểm nghẽn, thúc đẩy tiến độ giải ngân. Việc đôn đốc giải ngân đã được các Phó Thủ tướng làm việc cụ thể với từng bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ nhưng tiến độ vẫn là vấn đề còn lo lắng.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến cuối tháng 8/2022 là 212.227,28 tỷ đồng, tỷ lệ 35,49% kế hoạch. Hiện có rất ít bộ ngành, địa phương đạt tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tốt, gồm 7 bộ và 12 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 45%. Một số bộ, cơ quan Trung ương, địa phương có tiến độ giải ngân cao như: UBTƯ MTTQ Việt Nam (hơn 73%), Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam (gần 52%), Tiền Giang (gần 64%), Thái Bình (58%), Phú Thọ (57%), Long An (55%). Còn lại có 35/51 bộ và 20/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 35%. Các địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn 8 tháng ước đạt dưới 35% gồm: TP Hồ Chí Minh (17,1%), Cao Bằng (17,4%), Hà Giang (19,12%), Phú Yên (20,8%), Đắk Lắk (23,3%), Gia Lai (24,4%), Cần Thơ (26%), Hà Nội (29%), Điện Biên (29,4%). Chưa kể, còn có một số bộ, cơ quan trung ương trong 8 tháng đầu năm giải ngân chỉ đạt con số dưới 10%. Cụ thể, Bộ Y tế đạt 4,17%, Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam 4,57%, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam 5,26%, Thanh tra Chính phủ 6,79%.
Là địa phương giải ngân được 27,1% kế hoạch, thấp hơn mức trung bình của cả nước, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, ông Hà Minh Hải cho biết, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng là vấn đề không mới nhưng vẫn nan giải trong việc thực hiện các dự án. Trọng tâm là khó khăn trong việc xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất, quỹ nhà tái định cư. Giá nguyên nhiên vật liệu tăng cũng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án. Có tâm lý thi công cầm chừng để chờ hướng dẫn điều chỉnh, chính sách bù giá vật liệu xây dựng.
Từ thực tế của Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu phân loại, làm rõ các nhóm dự án đã ghi vốn đầu tư nhưng chưa khởi công được; nhóm dự án, công trình đã có nhà thầu, có mặt bằng nhưng chậm tiến độ cũng như làm rõ các nguyên nhân, vướng mắc trong các khâu, từ thủ tục đầu tư đến giải phóng mặt bằng, triển khai xây dựng. Từ thực tiễn địa phương, nhận diện các vấn đề để đưa ra giải pháp đẩy mạnh giải ngân từ nay đến cuối năm 2022, vừa bảo đảm chặt chẽ, hiệu quả, vừa bảo đảm đưa các công trình vào hoạt động sớm, phát huy hiệu quả. Phải quyết tâm thật cao để phấn đấu đến 31/12, giải ngân đạt trên 90%.
Mới đây, làm việc với 8 bộ, ngành và 4 địa phương, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu, phải tăng cường công tác chỉ đạo điều hành, gắn với kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật, tránh thất thoát, lãng phí, lợi ích nhóm trong quá trình giải ngân. Đối với các dự án không thể giải ngân hết thì đề xuất điều chuyển vốn.
Về phía Bộ Tài chính, đề nghị các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đặc biệt, xử lý ngay những tồn tại, hạn chế, đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Đồng thời, rà soát đề xuất kịp thời điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho rằng, người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan và chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư. Đồng thời, cần nâng cao năng lực, trách nhiệm thực thi công vụ, gắn trách nhiệm, đánh giá mức độ hoàn thành công việc với tiến độ thực hiện giải ngân của dự án, nhất là ban quản lý dự án các cấp; luân chuyển, điều động, kỷ luật cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ.
Về việc này, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, cần quy trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong giải ngân vốn đầu tư công. Bởi nếu người đứng đầu chủ động, linh hoạt khi thấy không phân bổ được thì cần kiến nghị với Chính phủ để tháo gỡ. “Còn Trung ương đã phân bổ rồi mà không phân bổ được cho các địa phương, dự án đó là cái sai của ông”- ông Thịnh nói và nhấn mạnh quy trách nhiệm cho các người đứng đầu bộ, ngành địa phương là hoàn toàn chính xác, vì “có thể có lý do khách quan nhưng không thể năm nào cũng đổ quanh cho khách quan”.