Chạm mây trên đỉnh Nhìu Cồ San
Băng rừng leo đỉnh 2.965m
Cách Hà Nội hơn 350km, đỉnh Nhìu Cồ San cao 2.965m nằm ở xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai. Trong tiếng dân tộc H’Mông, tên ngọn núi có nghĩa là Sừng Trâu. Người dân nơi đây gọi như vậy vì hình dáng đặc biệt của ngọn núi khi nhìn từ xa. Ngọn núi này cao ở hai bên, lõm xuống theo đường cong ở giữa giống một cặp sừng trâu.
Những dòng thác trên đường đi tạo cảnh sắc lý thú của thiên nhiên.
Nhìu Cồ San gợi cho chúng tôi nhiều sự tò mò. Hàng trăm câu hỏi cứ quẩn quanh trước giờ khởi hành: Đỉnh núi ấy có khó chinh phục lắm không? Thời tiết có thuận lợi không? Cảm giác cheo leo trên núi sẽ như thế nào?. Với những câu hỏi ấy, ai cũng trộm nghĩ, “phải thử thì mới biết được”. Cứ thể, đoàn 4 người chúng tôi quyết tâm lên đường.
Qua một đêm di chuyển từ Hà Nội, chúng tôi nhận ra Tây Bắc khi thấy những cánh đào rừng nở muộn long lanh trong những giọt sương thủy tinh. Đến Sàng Ma Sáo, chúng tôi phải vượt qua quãng đường 10km vào bản Dền Sáng. Đưa khách đi chủ yếu là xe ôm người bản địa bởi đoạn đường này lái xe rất khó với những con đường đất, đá lổm ngổm, cua gắt cùng độ dốc lớn.
Sắp xếp ba lô gồm nước uống, đồ ăn nhẹ và các vật dụng thiết yếu, chúng tôi bắt đầu hành trình leo núi tại điểm trường phân hiệu Chà Phà. Đường đi ban đầu là đoạn qua bản hoặc đường rừng có lối mòn. Tuy nhiên, càng lên cao địa hình càng trắc trở, có khi là rừng già, thác, suối, đường đá và cũng có khi là dốc đứng buộc phải bò lên… Nếu gặp trời mưa, đoạn đường sẽ khó đi, lầy lội hơn và việc té ngã là điều không thể tránh khỏi. Nhiều lúc đầu gối mỏi tới mức muốn rụng rời, thế nhưng chúng tôi phải tự xốc lại tinh thần bởi tự nhiên đã ban tặng cảnh đẹp mà không phải lúc nào cũng có thể thấy.
Một trong số ấy là thác Ong Chúa. Ngọn thác này được rừng già ưu ái với vẻ đẹp như tranh thủy mặc. Vách núi dựng đứng, những phiến đá nhô ra lởm chởm, phủ đầy rêu phong. Từ vách đá ấy, một cột nước tuôn đổ xuống rồi tách ra thành những dòng thác nhỏ hơn. Bọt nước trắng xóa, tung lên như mưa phùn. Dòng nước chảy về miền xuôi. Đá tảng ngăn dòng thành nhiều hồ nước trong veo.
Thảm thực vật ở Nhìu Cồ San cũng rất đa dạng, ở lưng chừng núi là một khu rừng nguyên sinh với những cây cổ thụ đủ hình thù, bám rêu phủ đầy từ thân lên tán cây. Rồi có rừng hoa đỗ quyên đỏ, tím rợp đường. Cũng có lúc là rừng trúc “chen chúc” bên suối cạn hay rừng thảo quả lá to bản và xanh mướt, thơm lừng.
Sau khoảng 7 tiếng leo liên tục đã thấm mệt, dừng ở lán nghỉ tại độ cao 2.400m khiến ai cũng vỡ òa hạnh phúc. Cả đoàn quây quần ăn uống, trò chuyện trong ánh sáng của đèn pin. Nơi đây không có sóng điện thoại, không có điện, chúng tôi được hòa mình trọn vẹn vào thiên nhiên. Đêm xuống nhiệt độ càng lạnh, gió rít bên vách lều, chúng tôi cuộn tròn trong túi ngủ quên hết muộn phiền của cuộc sống thường nhật.
Buổi sáng hôm sau, đúng 4h30 khi bốn bề còn tối đen như mực, chúng tôi đeo đèn pin trên đầu tiếp tục leo tới đỉnh núi. Đây là đoạn đường “khó nhằn” nhất bởi địa hình thay đổi từ đường dốc thoải sang vách đá với độ dốc lên tới 65 độ. Đi trong ánh sáng lập lòe, người sau bám theo người trước. Sương đêm làm đất trơn trượt, cách duy nhất để di chuyển lên là chúng tôi phải bám vào cây mọc ven đường, dùng hết lực của đôi chân đu lên.
Mất chừng 2 tiếng, chúng tôi đặt chân tới vị trí cao nhất của đỉnh núi Nhìu Cồ San, nơi đặt chóp 2.965m.Trước mặt chúng tôi lúc đó là bầu trời rộng hơn bao giờ hết, ánh bìnhmình thoắt ẩn thoắt hiện sau những lớp mây dày tạo nên một bức tranh tuyệt đẹp mà chỉ có trải qua những vất vả, khó khăn mới được “trả công”. Khoảnh khắc vượt qua cảm giác rã rời của đôi chân và thân thể, chúng tôi đứng trên đỉnh, tay chạm vào mây, phóng tầm mắt ngắm dãy núi kỳ vĩ để tâm hồn cảm nhận sự tự do.
Những người H’Mông mang cả “thế giới” trên vai
Trekking Nhìu Cồ San không quá khó với dân chuyên nhưng cũng là thử thách với người mới. Muốn hoàn thành chuyến đi một cách trọn vẹn thì cần sự giúp sức của những người gùi đồ kiêm dẫn đường (porter). Họ là những người H’Mông chăm chỉ, thạo việc, có sức khỏe và thuộc đường trong lòng bàn tay. Porter sẽ nhận nhiệm vụ vác đồ giúp khách trong suốt hành trình, đồng hành trên các cung đường hiểm trở, nấu ăn và kiêm luôn nhiệm vụ dẫn đường.
Chuyến đi của chúng tôi có sự giúp sức của A Lừ, porter ngoài 30 tuổi có gương mặt hiền lành. A Lừ ít nói, rành tiếng Kinh ở mức khá, đủ để giao tiếp và sẽ cười hiền khi có ai đó trêu đùa. Người đàn ông H’Mông này vẫn giữ được sự chân chất, thật thà, cần cù làm việc và lao động. Ấn tượng của chúng tôi với A Lừ là porter rất có trách nhiệm, anh luôn đi cuối cùng để hỗ trợ và đảm bảo không khách nào bị lạc. Những câu động viên “cố lên” rất kịp lúc của A Lừ chính là “điểm tựa” khi chúng tôi mệt và có ý định bỏ cuộc.
Địa hình Nhìu Cồ San đa dạng và thường phải di chuyển trong rừng.
A Lừ kể, chẳng biết từ bao giờ, nghề porter lại phổ biến và trở thành sinh kế của người dân ở mảnh đất này. Vào thời điểm các cung đường leo núi phía Bắc đẹp nhất, đông đúc nhất cũng là lúc các porter trở nên bận rộn. Hầu hết thanh niên, trung niên trong bản cứ ngày cuối tuần là đứng dưới chân núi, cùng với xe Win, gùi đeo sẵn trên lưng đợi khách.
A Lừ bắt đầu làm porter kể từ sau khi anh bỏ công việc ở biên giới về gần vợ con. Học thanh niên bản, A Lừ gắn bó với công việc này đến nay được 6 năm. A Lừ bảo, nghề này với anh không quá khó lại còn có thu nhập cao hơn làm nương. Người đàn ông 3 con này đã hàng trăm lần lên xuống những ngọn đồi, đỉnh núi chót vót khiến anh trở nên thạo đường, thuộc từng ngọn cây, bãi cỏ, hòn đá chắn ngang cung đường mù mây.
“Đồng bào người H’Mông ở đây quen làm bạn với nương rẫy, vào rừng. Vì thế, ngày trong tuần họ vẫn làm nương, vào mùa leo núi, chỉ cuối tuần hoặc khi nào có khách gọi mọi người mới bắt đầu làm porter. Thời gian cao điểm thì các thanh niên, phụ nữ hay thậm chí là người già cũng trở thành porter để có thêm thu nhập”, A Lừ nói.
Mỗi ngày, porter sẽ được trả công từ 300.000 - 400.000 đồng, tuỳ theo độ khó dễ của đường đi. Nhiệm vụ của porter không chỉ dừng lại ở việc khuân vác đồ, khi tới các điểm dừng, khách bắt đầu nghỉ ngơi cũng là lúc các porter sắp xếp chỗ ở và nấu ăn cho khách. Chính vì thế, khi A Lừ mở gùi trên lưng, chúng tôi vô cùng bất ngờ bởi “cả thế giới” đã được anh cõng lên núi. Từ túi ngủ, lều, cốc, bát… đến đồ ăn tươm tất gồm thịt, rau, cơm canh…
Chuyến đi Nhìu Cồ San kéo dài 2 ngày 1 đêm, chinh phục đỉnh núi đã mang đến cho chúng tôi cảm giác tự hào, sung sướng, khó tả vô cùng. Cảm xúc ấy nguyên vẹn đến mãi sau này, để chúng tôi luôn tự nhủ bản thân rằng dù có khó khăn, vất vả, nếu nỗ lực không bỏ cuộc sẽ nhận được thành quả ngọt ngào như leo qua một đỉnh núi.