Chậm nộp tiền phạt vi phạm hành chính: Sẽ bị tính thêm 0,05%/ngày
Bổ sung trường hợp không tính tiền chậm nộp phạt VPHC
Theo đó, đối tượng áp dụng Thông tư 18/2023/TT-BTC là tổ chức, cá nhân bị xử phạt VPHC; người có thẩm quyền xử phạt, Kho bạc Nhà nước, cơ quan thuế, cơ quan, đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ liên quan…
Về hình thức thu, nộp tiền phạt, Thông tư 18/2023/TT-BTC quy định, trường hợp nộp tiền phạt bằng tiền mặt trực tiếp, thì ngày xác định người nộp tiền phạt đã thực hiện nghĩa vụ nộp tiền phạt là ngày Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ bưu chính công ích hoặc người có thẩm quyền thu tiền phạt theo quy định xác nhận trên chứng từ thu, nộp tiền phạt. Trường hợp nộp tiền phạt bằng hình thức chuyển khoản, ngày xác định nộp tiền phạt là ngày người nộp tiền phạt nhận được thông báo giao dịch tiếp nhận khoản tiền nộp phạt thành công.
Về thu tiền chậm nộp phạt, Thông tư 18/2023/TT-BTC nêu rõ, quá thời hạn thi hành quyết định xử phạt VPHC thì cá nhân, tổ chức sẽ bị cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt và cứ mỗi ngày chậm nộp phải nộp thêm 0,05% trên tổng số tiền phạt chưa nộp. Số ngày chậm nộp bao gồm cả ngày lễ, ngày nghỉ theo chế độ và được tính từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp phạt đến trước ngày cá nhân, tổ chức VPHC nộp tiền phạt vào NSNN. Quy định này không thay đổi so với Thông tư 153/2013/TT-BTC hiện hành.
Đồng thời, Thông tư 18/2023/TT-BTC quy định cách xác định thời gian để tính tiền chậm nộp phạt như sau: trường hợp quyết định xử phạt được giao trực tiếp thì ngày tính tiền chậm nộp phạt là sau 10 ngày hoặc sau thời hạn thi hành ghi trong quyết định xử phạt VPHC kể từ ngày nhận quyết định xử phạt. Với quyết định xử phạt được gửi qua bưu điện bằng hình thức bảo đảm thì ngày tính tiền chậm nộp phạt là sau 10 ngày hoặc sau thời hạn thi hành ghi trong quyết định xử phạt VPHC kể từ ngày quyết định xử phạt được phát hợp lệ theo quy định.
Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt không có xác nhận ngày nhận quyết định xử phạt, không xuất trình được ngày quyết định xử phạt được phát hợp lệ, nhưng không thuộc trường hợp cố tình không nhận quyết định xử phạt thì ngày tính tiền nộp chậm được tính từ ngày ra quyết định xử phạt là sau 12 ngày đối với trường hợp quyết định xử phạt ghi thời hạn là 10 ngày kể từ ngày ra quyết định, hoặc từ ngày thứ sau thời hạn thi hành ghi trong quyết định xử phạt đối với trường hợp quyết định xử phạt ghi thời hạn nhiều hơn 10 ngày kể từ ngày ra quyết định.
Nếu người nộp phạt chứng minh được ngày nhận quyết định xử phạt và việc chứng minh là có cơ sở thì sẽ tính tiền nộp chậm sau 10 ngày hoặc sau thời hạn thi hành ghi trong quyết định xử phạt kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt mà người nộp phạt đã chứng minh.
Bên cạnh đó, Thông tư 18/2023/TT-BTC cũng quy định, trường hợp cố tình không nhận quyết định xử phạt thì thực hiện theo quy định tại Điều 70 Luật Xử lý vi phạm hành chính. Cơ quan của người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt, cơ quan có thẩm quyền cưỡng chế thông báo cho Kho bạc Nhà nước nơi thu tiền phạt về thời điểm được coi là giao quyết định xử phạt để Kho bạc Nhà nước tính tiền chậm nộp phạt. Đối với cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình không nộp tiền chậm nộp phạt, thì cơ quan có thẩm quyền thu tiền nộp phạt VPHC trên quyết định xử phạt; đồng thời, vẫn tính tiền chậm nộp phạt và ghi rõ trên chứng từ thu, nộp tiền phạt số tiền chậm nộp tính đến trước ngày cá nhân, tổ chức VPHC nộp tiền.
Ngoài ra, Thông tư 18/2023/TT-BTC bổ sung quy định mới về các trường hợp không tính tiền chậm nộp phạt VPHC gồm: trong thời hạn được hoãn thi hành quyết định xử phạt VPHC; trong thời gian xem xét, quyết định giảm, miễn phần còn lại hoặc cho phép nộp tiền phạt nhiều lần.
Cách tính và thực hiện bù trừ số tiền nộp phạt chênh lệch
Tại Thông tư 18/2023/TT-BTC, Bộ Tài chính đã quy định cách tính số tiền nộp phạt chênh lệch phát sinh trong trường hợp có quyết định đính chính, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hoặc ban hành quyết định mới trong xử phạt VPHC.
Cụ thể, số tiền nộp phạt chênh lệch = A – B. Trong đó, A là số tiền nộp phạt mà cá nhân, tổ chức vi phạm đã nộp vào NSNN theo quyết định xử phạt; B là số tiền nộp phạt mà cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp theo quyết định đính chính, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hoặc quyết định mới của cấp có thẩm quyền.
Về xử lý số tiền nộp phạt chênh lệch, trường hợp số tiền nộp phạt tại quyết định đính chính, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hoặc quyết định mới lớn hơn số tiền nộp phạt mà cá nhân, tổ chức vi phạm đã nộp vào NSNN (B>A) thì cá nhân, tổ chức vi phạm nộp số tiền phạt còn thiếu theo thủ tục nộp tiền vào NSNN quy định. Trường hợp số tiền nộp phạt tại quyết định đính chính, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hoặc quyết định mới nhỏ hơn số tiền nộp phạt mà cá nhân, tổ chức vi phạm đã nộp vào NSNN (B<A) thì sẽ được hoàn trả số tiền phạt nộp thừa.
Thông tư 18/2023/TT-BTC nêu rõ, cá nhân, tổ chức bị xử lý VPHC có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử lý theo quy định của pháp luật. Cá nhân có quyền tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc xử lý VPHC theo quy định của pháp luật. Cá nhân, tổ chức nêu trên được hoàn trả số tiền phạt thu không đúng trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày ra quyết định giải quyết khiếu nại hoặc từ ngày nhận được quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền. Quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền bao gồm: Quyết định của cơ quan quản lý hành chính nhà nước có thẩm quyền hoặc bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Thông tư 18/2023/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 5/5/2023.