Chặn trục lợi chính sách
Dự thảo Thông tư quy định đối tượng áp dụng; quy định rõ trình tự, hồ sơ công nhận người có công với cách mạng; quản lý hồ sơ và thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng theo các quy định của Chính phủ. Dự thảo thông tư cũng nêu rõ nguyên tắc thực hiện.
Trước đó, Bộ Quốc phòng cũng đã công bố dự thảo Thông tư về quy trình công nhận và thực hiện chế độ với người có công thuộc trách nhiệm của Bộ Quốc phòng.
Thực hiện chính sách, chế độ với người có công với cách mạng là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta. Ngày 9/12/2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV ban hành Pháp lệnh số 02 về ưu đãi người có công với cách mạng (gọi tắt là Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7/2021. Pháp lệnh này có nhiều điểm mới hướng đến nâng cao chế độ ưu đãi và mở rộng đối tượng hưởng các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng. Pháp lệnh cũng quy định rõ, chặt chẽ hơn về đối tượng hưởng chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân của người có công với cách mạng. Người có công với cách mạng bao gồm: Người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945; Người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945; Liệt sĩ; Bà mẹ Việt Nam anh hùng; Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến; Thương binh, bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31/12/1993; Người hưởng chính sách như thương binh; Bệnh binh; Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học; Người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế bị địch bắt tù, đày; Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, làm nghĩa vụ quốc tế; Người có công giúp đỡ cách mạng.
Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng cũng quy định rõ những trường hợp là thân nhân người có công với cách mạng; những trường hợp không được xem xét công nhận người có công với cách mạng.
Trên cơ sở Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an ban hành dự thảo Thông tư lấy ý kiến nhân dân về quy trình công nhận và thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng là một bước cụ thể hóa cần thiết, để sớm công nhận những người thực sự có công trong phạm vi trách nhiệm của mình, đồng thời cũng ngăn chặn việc làm giả hồ sơ để được công nhận nhằm hưởng chế độ ưu đãi.
Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tính đến tháng 7/2021, cả nước đã xác nhận được trên 9,2 triệu người có công, trong đó có trên 1,3 triệu người có công được hưởng trợ cấp hằng tháng.
Việc công nhận và có chính sách ưu đãi người có công với cách mạng luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm. Đây là chính sách đặc biệt thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc. Việc tiếp tục hoàn thiện, bổ sung chính sách, pháp luật về ưu đãi người có công sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” của Đảng và Nhà nước ta. Chính vì thế, với những đối tượng khai gian khai dối, hợp thức hóa hồ sơ để trục lợi cần phải bị phát hiện, ngăn chặn và xử lý thích đáng. Một chính sách đặc biệt không thể bị lợi dụng, phá hỏng vì những cá nhân xấu. Đó là hành vi vi phạm pháp luật thì cũng cần phải được xử lý bằng pháp luật.
Cũng cần nhắc lại, theo quy định tại Điều 43 Thông tư số 05 ngày 15/5/2013 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, trường hợp kết luận đối tượng khai man, giả mạo hồ sơ người có công thì Sở LĐTBXH ra quyết định đình chỉ chế độ, thu hồi quyền lợi đã hưởng sai; đề nghị cơ quan, đơn vị xác lập hồ sơ người có công thu hồi giấy tờ đã cấp và chuyển các cơ quan có liên quan để xử lý theo quy định pháp luật hiện hành.