Chất lượng và giá cả thiết bị, vật tư y tế
Nhiều khó khăn, vướng mắc
Trước nhu cầu cấp thiết về vật tư y tế, trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch cùng với việc tăng cường thực hiện triệt để, nghiêm ngặt, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố; chủ động, thích ứng linh hoạt theo từng thời điểm diễn biến dịch, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố đã tổ chức mua sắm một số gói thầu trang thiết bị, vật tư y tế. Đồng thời, để đáp ứng kịp thời nhu cầu phòng, chống dịch, bảo đảm thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh, Sở Y tế giao cho các đơn vị khám, chữa bệnh, các trung tâm y tế quận, huyện, các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 chủ động trực tiếp mua sắm trang thiết bị, vật tư tiêu hao theo quy định.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện quy định về quản lý, mua sắm thuốc vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Theo đó, việc công bố dữ liệu trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý dược chưa đồng bộ nên khó khăn cho các đơn vị trong việc lập dự toán và lựa chọn giá trúng thầu. Việc cung ứng thuốc bị động trong một số trường hợp như thuốc mới phát sinh do bệnh viện tuyến cuối triển khai các kỹ thuật mới, chuyên sâu như thuốc điều trị trong lĩnh vực ung bướu, huyết học… chưa có số đăng ký nên phải nhập.
Cùng với đó, các loại thuốc phải kiểm soát đặc biệt như thuốc gây nghiện, hướng thần như: Diazepam, Phenobarbital dạng tiêm, Midazolam, nhà sản xuất trong nước gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu. Nhiều thuốc có giấy phép lưu hành bị hết hạn, không kịp gia hạn số đăng ký, không chứng minh được tồn kho dẫn đến không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật. Chưa kể, số lượng bệnh nhân tăng nhanh sau thời gian giãn cách xã hội và vì các triệu chứng hậu Covid-19 dẫn đến nhu cầu sử dụng thuốc tăng đột biến. Trong khi đó, các bệnh viện của thành phố thực hiện tiếp nhận người bệnh từ các tỉnh, thành phố khác chuyển đến do bệnh nặng, kể cả trường hợp các bệnh viện tỉnh thiếu một số thuốc, vật tư y tế.
Những khó khăn, bất cập nêu trên dẫn đến chậm hoàn thành các thủ tục đấu thầu thuốc, vật tư y tế và khiến công tác khám, chữa bệnh của cơ sở y tế gặp khó khăn do thiếu thuốc, vật tư y tế trong danh mục bảo hiểm y tế thanh toán; còn người thực hiện nhiệm vụ liên quan mua sắm từ đơn vị y tế đến phía công ty cung ứng hàng hóa và tư vấn đấu thầu đều có tâm lý hoang mang, lo lắng.
Đánh giá cao những tác động tích cực của Nghị quyết số 30/2021/QH15 đối với công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố chia sẻ, trong chống dịch, ngành y tế gặp nhiều thách thức. Do dịch bệnh bùng phát dữ dội, cần triển khai một số giải pháp mang tính cấp bách, vướng những quy định hiện hành như mua sắm khẩn cấp, giá trị lớn bằng hình thức chỉ định thầu rút gọn… Nhưng sau khi dịch hết thì công tác thanh tra, kiểm toán rất khó khăn…
Tháo gỡ những vướng mắc về quy định
Về vấn đề mua sắm thuốc, tiếp nhận vật tư y tế phòng, chống dịch, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Đặng Thuần Phong cho rằng, theo Nghị quyết số 30/2021/QH15, cơ chế đặc biệt, đặc thù và phải làm nhanh, thậm chí là chỉ đạo miệng nhưng khi kiểm tra, thanh tra thì nói không đúng thủ tục, trình tự trong đấu thầu... Đồng quan điểm, theo Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hoài Nam, hiện nay một số nội dung mua sắm bị cơ quan kiểm tra “bắt giò”. Đơn cử, mua sắm là theo thời điểm. Thời điểm năm 2020, khẩu trang từ 25.000 đồng/hộp/50 cái, thương lái Trung Quốc mua hết, sau đó thị trường lên 400.000 - 500.000 đồng/hộp; khẩu trang y tế thì nguyên liệu chính nhập từ Trung Quốc…
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Nghị quyết số 30/2021/QH15 giúp rất nhiều trong mua sắm, được chỉ định thầu rút gọn phục vụ phòng, chống dịch. Thời điểm dịch bệnh, tình hình khẩn cấp, bệnh viện kêu chỗ nào có sử dụng ngay, quy định 15 ngày sẽ làm hợp đồng nhưng diễn biến giá vật tư biến động rất nhanh. Thậm chí có tình trạng, thời điểm bệnh viện lấy sử dụng cho người bệnh thì giá 100.000 đồng, nhưng một tuần sau giảm còn 80.000 đồng. Khi so sánh trong kết luận thì vướng và vi phạm quy định, gây thất thoát tài sản cho Nhà nước.
Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Anh Dũng cũng cho biết, đến nay Chính phủ chưa có nghị định hướng dẫn rõ về phương thức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, theo Điều 30 của Luật Bảo hiểm y tế. Hiện tại, các cơ sở y tế chủ yếu thanh toán theo giá dịch vụ, nên có nhiều bất cập như không tính đúng, tính đủ các thành tố trong cơ cấu giá, chậm thay đổi giá khám, đấu thầu mua thuốc, vật tư y tế gặp khó khăn...
Trong khi đó, theo ĐBQH Phạm Khánh Phong Lan, Thành phố Hồ Chí Minh đóng góp một tỷ lệ rất quan trọng trong sự phát triển của y tế cả nước. Tuy nhiên, có thực trạng rất buồn là cả ba chân kiềng dự phòng, điều trị, cung ứng của y tế Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay đều “tan nát”. Nếu không có thay đổi từ cách nhìn nhận, cơ chế và chủ trương thì sẽ không phục hồi được. Về tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế, ĐBQH nhận định đây là vấn đề tồn tại hằng năm, cộng với tác động khách quan của dịch bệnh khiến tình hình trầm trọng hơn, gây bức xúc rất lớn. Theo đó, Thành phố Hồ Chí Minh cần nhìn nhận thực tế thiếu thuốc, thậm chí khi chưa thiếu đã phải dự đoán trước thời điểm thiếu để có thể xử lý một cách quyết liệt nhất. Ngoài ra, việc cung ứng, mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế có rất nhiều vấn đề, cần có sự phân tích để mạnh dạn đề xuất tháo gỡ. Trong đó, các vấn đề có liên quan mật thiết đến cơ chế về bảo hiểm y tế.
Tại buổi giám sát của Ủy ban Xã hội của Quốc hội về tình hình thực hiện chính sách pháp luật về Bảo hiểm xã hội giai đoạn 2016-2021, Bảo hiểm y tế giai đoạn 2019-2021 và việc thực hiện các biện pháp cấp bách về y tế, xã hội trong phòng, chống dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 30/2021/QH15 với Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng cho rằng, muốn chất lượng thì phải thay đổi cơ chế, bởi nếu chỉ chăm chăm vào mua “giá thấp nhất” thì nguy cơ sẽ thành “nền y tế giá rẻ”, thay vì là nền y tế chất lượng. Do đó, cần có sự tháo gỡ những vướng mắc về quy định.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu cũng kiến nghị, việc thanh tra, kiểm tra công tác mua sắm, nhất là mua sắm phục vụ phòng, chống dịch cần được xem xét bối cảnh thực tế trong giai đoạn dịch bệnh và tinh thần Nghị quyết số 30. Đồng thời, Chính phủ cần sớm ban hành các nghị quyết hướng dẫn giải quyết khó khăn trong mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Quốc hội sớm hoàn thiện chính sách, khung pháp lý trong công tác mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế nhằm mua sắm được hàng hóa có chất lượng với giá hợp lý thay cho việc mua được hàng hóa giá rẻ.
Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng đề án thành lập Trung tâm mua sắm tập trung. Theo đó, Trung tâm phải bảo đảm mang tính chuyên nghiệp với quy mô đủ lớn, hoạt động độc lập, khách quan, không kiêm nhiệm để đáp ứng nhu cầu mua sắm của ngành y tế. Các mặt hàng cần mua sắm tập trung bao gồm: thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế. Trong đó, danh mục hàng hóa mua sắm tập trung thực hiện theo lộ trình thời gian để bảo đảm đơn vị luôn được cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh.