Chặt đứt những đường dây đưa người ra nước ngoài làm việc trái pháp luật
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh như trên tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực ngoại giao tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều nay, 18/3, khi trả lời câu hỏi của các đại biểu Quốc hội về công tác bảo hộ công dân.
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết giải pháp để thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân, hạn chế thấp nhất tình trạng công dân Việt Nam, nhất là thanh thiếu niên ở các vùng sâu, vùng xa bị lừa ra nước ngoài làm việc, cưỡng bức lao động.
Cũng nêu tình trạng tình trạng người Việt Nam, chủ yếu là giới trẻ đi lao động ở nước ngoài nhưng làm việc trong các sòng bạc lừa đảo hoặc các cơ sở mại dâm, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung (đoàn Hải Dương) đề nghị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết giải pháp để phát hiện, hỗ trợ người dân khi rơi vào hoàn cảnh này.
Trả lời đại biểu Nguyễn Tâm Hùng, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn xác nhận, thời gian gần đây, có nhiều người ra nước ngoài theo lời dụ dỗ của các nhóm khác nhau, trong đó chủ yếu là với khẩu hiệu “việc nhẹ lương cao”, tham gia vào những hoạt động bất hợp pháp ở nước ngoài.
Vừa qua, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với cơ quan trong nước để tổ chức đưa các nạn nhânvề nước an toàn, đồng thời phối hợp với các đối tác ngăn chặn những trường hợp di cư bất hợp pháp.
Cùng với đó, thông tin, tuyên truyền, phổ biến để người dân tránh bị dụ dỗ, lừa đảo. “Việc nhẹ lương cao là không có, chỉ có làm những việc vi phạm pháp luật”, Bộ trưởng nêu rõ.
Với câu hỏi của đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn cho hay, tình trạng thanh thiếu niên bị dụ dỗ, lừa đảo đi làm việc ở nước ngoài, trở thành nạn nhân của cưỡng bức lao động, bắt cóc, mua bán người tại các cơ sở cờ bạc, trò chơi trực tuyến diễn ra chủ yếu từ năm 2020 đến nay.
Đây là vấn đề hết sức phức tạp. Thời gian qua, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các tổ chức liên quan đã tổ chức giải cứu và đưa nhiều người về nước.
Tới đây, Bộ Ngoại giao tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành tăng cường tuyên truyền, cảnh báo người dân, hỗ trợ cung cấp thông tin để các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các đường dây đưa người ra nước ngoài làm việc trái pháp luật. “Phải chặt đứt những đường dây này, không để tiếp tục dụ dỗ thanh thiếu niên của chúng ta ra nước ngoài”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao cũng sẽ chủ động hợp tác với các nước trong khu vực để tìm giải pháp chung trong đấu tranh, ngăn chặn loại tội phạm này, thúc đẩy quá trình hợp tác lao động, di cư hợp pháp, có tổ chức, ngăn chặn di cư bất hợp pháp.
Đồng thời, tiếp tục triển khai công tác bảo hộ công dân, hỗ trợ đưa các nạn nhân về nước, hợp tác chặt chẽ với các nước sở tại để giải cứu hết số công dân bị cưỡng bức lao động, là nạn nhân của tội phạm buôn bán người.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) về bảo hộ công dân sau đại dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho biết, từ sau đại dịch COVID-19, giao lưu giữa Việt Nam và quốc tế được triển khai mạnh mẽ.
Năm 2022, có khoảng 3,8 triệu lượt công dân của Việt Nam ra nước ngoài nhưng năm 2023 lên đến hơn 10 triệu lượt người ra nước ngoài lao động và học tập. Số lao động, du học sinh của ta quay trở lại học ở các nước tăng lên nhanh. Trong bối cảnh đó, đã xảy ra một số vi phạm pháp luật các nước, không chỉ là du học sinh hay lao động ở lại, ảnh hưởng đến hợp tác của nước ta với các đối tác.
Trước tình trạng này, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo cho các bộ, ngành liên quan phải xây dựng một quy trình, quy chế để đào tạo đội ngũ lao động nước ta sang nước ngoài lao động để đảm bảo vừa chấp hành tốt nội quy, quy định của nước sở tại, cũng là đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của nước sở tại và của quan hệ giữa 2 nước.
Cũng quan tâm đến công tác bảo hộ công dân, đại biểu Tráng A Dương (đoàn Hà Giang) cho biết, Việt Nam đã thành lập Ban quản lý lao động ở một số quốc gia, vùng lãnh thổ có đông lao động Việt Nam làm việc. Cơ quan này đã phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm của mình đối với công dân Việt Nam ở nước ngoài, nhất là trong những trường hợp giải cứu, bảo vệ công dân Việt Nam khỏi nước sở tại.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay, công tác bảo hộ công dân đối với người lao động di trú còn gặp nhiều khó khăn nhưng cơ chế của Việt Nam với các quốc gia sở tại vẫn còn là một khâu yếu, nhất là địa bàn chưa có cơ quan đại diện ngoại giao.
Trả lời đại biểu về giải pháp khắc phục trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, thời gian qua, Bộ Ngoại giao, Bộ Lao động - Thương binh Xã hội đã phối hợp chặt chẽ trong việc đưa người lao động ra nước ngoài, đặc biệt là vai trò của các Cơ quan đại diện phối hợp với Ban Quản lý lao động.
Tuy nhiên, không phải nước nào chúng ta cũng có Cơ quan đại diện. Do đó, Bộ Ngoại giao đề nghị các Đại sứ kiêm nhiệm phát huy vai trò, cùng phối hợp với Ban quản lý lao động để quản lý tốt lao động, đặc biệt là những địa bàn chúng ta mới đưa lao động sang lần đầu. Cùng với đó, tiếp tục phối hợp để có các biện pháp rất cụ thể, từ đào tạo, tuyển dụng, đưa người đi làm sao đảm bảo với yêu cầu và phù hợp với luật pháp của cả 2 bên.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Lã Thanh Tân (đoàn Hải Phòng) về các biện pháp đảm bảo an ninh cho công dân ta tại các nước xảy ra xung đột, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, thời gian qua, xung đột xảy ra nhiều nơi trên thế giới, không lường trước, không dự đoán được.
“Ví dụ, khi xung đột xảy ra ở Dải Gaza, chúng ta có khoảng 700 công dân ở đây, trong đó có 500 người là định cư lâu dài, 200 người sang học tập nông nghiệp. Khi xảy ra xung đột, Bộ Ngoại giao đã phối hợp để sơ tán ngay các công dân về nơi an toàn. Đến nay mọi việc được triển khai tốt”, Bộ trưởng thông tin.
Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ tập trung vào công tác dự báo tình hình, dự đoán nguy cơ xảy ra xung đột để kịp thời sơ tán công dân; đồng thời tiếp tục thông tin, cảnh báo cho các địa phương về việc công dân của ta ra nước ngoài, nhất là các thủ đoạn lừa đảo “việc nhẹ lương cao”...