1. Trang chủ /
  2. Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030: Xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại ngang tầm thế giới

Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030: Xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại ngang tầm thế giới

thứ năm, 22/6/2023 13:12 GMT+07
Sau những thành quả đạt được trong việc thực hiện Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020, lực lượng Hải quan Việt Nam đang tiếp tục xây dựng và phát triển lực lượng ngày một hiện đại. Con đường phát triển này được định hướng bằng Chiến lược phát triển hải quan đến năm 2030.
Lực lượng Hải quan Việt Nam ngày một hiện đại hóa để vươn tầm thế giới. Lực lượng Hải quan Việt Nam ngày một hiện đại hóa để vươn tầm thế giới.

Tiến ra thế giới bằng các đột phá chiến lược

Sau hơn 10 năm phát triển theo định hướng của Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2020, Hải quan Việt Nam đã có nhiều thành tựu và tiến bộ vượt bậc. Được Chính phủ và xã hội đánh giá cao trong sự đi đầu về cải cách và phát triển.

Với việc Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quyết định phê duyệt Chiến lược QD số 628/QĐ-TTg ngày 20/5/2022, Hải quan Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp nối thành công với định hướng xây dựng một lực lượng chính quy, hiện đại. Để từ đó sánh ngang tầm với lực lượng Hải quan các nước phát triển trên thế giới.   

Bên cạnh đó là việc phát triển mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh, dẫn đầu trong việc thực hiện Chính phủ số. Nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hải quan, quản lý hải quan. Quản lý thu thuế đối với hoạt động xuất nhập khẩu hiệu quả. Tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại, du lịch và vận tải hợp pháp qua biên giới, tạo môi trường xuất nhập khẩu minh bạch, công bằng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Ngoài ra, các hoạt động phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới vẫn được thúc đẩy, góp phần đảm bảo an ninh, an toàn xã hội và bảo vệ lợi ích, chủ quyền quốc gia.

Để thực hiện được các mục tiêu tổng quát nói trên, lực lượng Hải quan Việt Nam đã đưa ra các chiến lược đột phá, nhằm cải thiện những nền tảng sẵn có, được tích lũy sau 10 năm phát triển. Tuy nhiên vẫn bám sát các mục tiêu cụ thể được đề ra trong Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030.

Mục tiêu đầu tiên đó là xây dựng nền tảng pháp luật về Hải quan hiện đại, đảm bảo cơ sở pháp lý đầy đủ cho việc xây dựng, triển khai mô hình Hải quan số, Hải quan thông minh. Các quy định pháp luật về hải quan và pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu có sự gắn kết thống nhất. Quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chặt chẽ, đúng quy định của pháp luật, chống thất thu, gian lận thuế. Cải cách các thủ tục hành chính hải quan theo hướng minh bạch, đơn giản, thống nhất, phù hợp với các chuẩn mực và khuyến nghị của Tổ chức Hải quan thế giới (WCO) nhằm giảm thời gian, chi phí thực hiện thủ tục thông quan, giải phóng hàng.

Tiếp theo đó là tập trung hóa, hiện đại hóa, tự động hóa công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; đẩy mạnh kiểm tra trước và sau thông quan, giảm tỷ lệ kiểm tra trong quá trình làm thủ tục hải quan; triển khai mô hình biên giới thông minh, hải quan xanh theo khuyến nghị của WCO.

Bên cạnh đó là việc nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Kết hợp đồng bộ, hiệu quả giữa phương pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan hiện đại với phương pháp nghiệp vụ kiểm soát hải quan truyền thống nhằm chủ động, phòng ngừa từ xa, từ sớm.

Để đồng bộ với sự phát triển chung trong tương lai, Chiến lược cũng đề ra mục tiêu xây dựng hệ thống công nghệ thông tin hải quan tập trung, tích hợp thông minh và đảm bảo các yêu cầu về an toàn thông tin hệ thống. Với nền tảng số, phù hợp với kiến trúc Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chuẩn mực quốc tế, ứng dụng mạnh mẽ những thành tựu khoa học, công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, máy móc, trang thiết bị hiện đại đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về Hải quan trong tình hình mới. Thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN, kết nối với các đối tác thương mại của Việt Nam… nhằm tập trung hóa tối đa xử lý thủ tục hành chính. Kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin giữa cơ quan Hải quan với các bộ, ngành, các cơ quan chức năng thuộc và trực thuộc các bộ, ngành, các cơ quan quản lý nhà nước tại cửa khẩu và đơn vị có liên quan.

Để thực hiện các mục tiêu đã đề ra, Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 cũng nhấn mạnh việc đổi mới, tinh gọn bộ máy và phát triển nguồn nhân lực chuyên nghiệp. Đồng thời phát triển hợp tác, hội nhập với hải quan thế giới và các bên liên quan.

Tiến nhanh trong 7 năm phía trước

Theo Chiến lược phát triển đã được thông qua, có 26 chỉ tiêu phấn đấu đã được đặt ra để định hướng rõ nét con đường phía trước. Trong đó, đến năm 2025 có 14 chỉ tiêu và đến năm 2030 có 12 chỉ tiêu.

Với những định hướng rõ ràng, Hải quan Việt Nam đã và đang khẩn trương từng bước chuẩn bị cho sự phát triển này. Đơn cử như việc chủ động xây dựng và trình Bộ Tài chính phê duyệt “Chương trình hành động của Bộ Tài chính thực hiện Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030” và “Kế hoạch cải cách phát triển hiện đại hóa ngành Hải quan đến năm 2025” để cụ thể hóa triển khai thực hiện Chiến lược phát triển Hải quan.

Trong đó, một số nội dung quan trọng được đẩy mạnh thực hiện ngay lập tức có thể kể đến như xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch đánh giá Luật Hải quan 2014, từ dó chuẩn bị cho Dự án xây dựng Luật Hải quan mới thay thế Luật Hải quan 2014; Tái thiết kế quy trình nghiệp vụ Hải quan theo chuẩn mực của Hải quan thế giới; Tái thiết kế hệ thống công nghệ thông tin, đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong ngành Hải quan, xây dựng Hải quan số, hướng tới Hải quan thông minh…

xay dung hai quan viet nam chinh quy hien dai ngang tam the gioi hinh 2
Các hoạt động phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại... là một trong những mục tiêu tổng quát của Chiến lược phát triển.

Lực lượng Hải quan cũng phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành để thực hiện “Kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa quốc gia”, “Cơ chế một cửa ASEAN” và tạo thuận lợi thương mại. Bên cạnh đó là việc triển khai xây dựng Nghị định của Chính phủ về việc kết nối và chia sẻ thông tin giữa các cơ quan Chính phủ với các bên liên quan thông qua Cơ chế một cửa quốc gia trong lĩnh vực xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa.

Ngay sau khi Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 được thông qua, Tổng cục Hải quan cũng cử đoàn công tác xuống làm việc với 11 cục hải quan địa phương trọng điểm là Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hà Nam Ninh, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Qua các buổi làm việc, đoàn công tác với các nhóm chuyên môn đã thúc đẩy các cơ quan địa phương trong việc xây dựng kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa lực lượng Hải quan.

Từ các buổi làm việc và thúc đẩy việc xây dựng các nội dung chuyên môn nói trên, Tổng cục Hải quan đã tiến hành chỉ đạo xây dựng và phê duyệt ban hành 35 kế hoạch cải cách, phát triển hiện đại hóa cục Hải quan tỉnh, thành phố giai đoạn đến năm 2025.

Nói về Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường cho rằng, để đạt được mục tiêu, chỉ tiêu phấn đấu đã đặt ra, ngoài sự nỗ lực của toàn ngành Hải quan, vai trò của các bộ, ngành, địa phương là rất quan trọng. Ngành Hải quan xác định, chiến lược phát triển hải quan chỉ có thể đạt được kết quả cao nhất khi nhận được sự giúp đỡ, hợp tác và đóng góp của các bộ, ngành, chính quyền địa phương trong toàn bộ quá trình triển khai thực hiện chiến lược.

Ngành Hải quan còn cả chặng đường 7 năm phía trước để đạt được những mục tiêu của Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030. Tuy nhiên, ngay từ những ngày đầu Chiến lược được phát triển này được thông qua, lực lượng Hải quan Việt Nam đã cho thấy sự chủ động, rốt ráo của toàn hệ thống. Từ đó thể hiện quyết tâm chính trị to lớn, đem lại những khởi đầu tích cực cho một giai đoạn cải cách, phát triển, hiện đại hóa hải quan mới.