Chiêu thức lừa đảo tinh vi khiến các nhà hàng "sập bẫy"
Hàng loạt nhà hàng bị "bỏ bom", chiếm đoạt tiền
Phản ánh đến Báo Công Thương, chị N.N (trú tại xã Hanh Cù, huyện Thanh Ba, Phú Thọ) cho biết, gia đình chị hiện đang kinh doanh nhà hàng ăn uống trên địa bàn xã Hanh Cù, huyện Thanh Ba. Ngày 29/4, chị nhận được nhiều cuộc gọi từ một người đàn ông có số điện thoại 0936168422 và đặt 2 triệu tiền thịt chó cho 20 người ăn. Vị khách hàng này yêu cầu chị ship hàng đến một địa chỉ tại khu vực UBND xã Mạn Lạn (cũ), cách nhà hàng khoảng 3km.
Khoảng 15 phút sau, người đàn ông này gọi lại và dặn chị một lát sau có người đến gửi 3 hộp sữa, thì nhận rồi trả tiền hộ. Sau đó, anh ta nhờ chị giao hàng cả thịt, sữa đến địa chỉ trên và hẹn sẽ thanh toán tổng số tiền. Chị N. không nghi ngờ gì việc đây là kẻ lừa đảo và vui vẻ nhận lời sẽ ship hàng cho khách.
Ít phút sau, có một người đàn ông đi xe máy (xe số) đến quán và giao 3 hộp sữa được bọc kín trong một túi đen. Lúc nhận hàng, chị cẩn thận quan sát và kiểm tra bên ngoài thì thấy bên trong đúng là 3 hộp sữa, nên đã thanh toán hộ vị khách 990 nghìn. “Em đang lên xe để đi ship hàng thì người đó gọi điện bảo “không phải ship nữa, tí anh qua quán lấy”. Cuối cùng, tôi đợi mãi, đợi mãi chẳng thấy anh ta đâu. Lúc đó tôi mới chợt tỉnh ra minh bị lừa, gọi điện lại thì thấy số điện thoại anh ta liên hệ đã mất tín hiệu”, chị N. kể lại.
Ngay lập tức, chị N. và chồng đã mở túi đen đựng 3 hộp sữa để kiểm tra, phát hiện bên trong hộp nhồi rẻ rách, bột mì. Theo chị N, trong khoảng ít ngày, trong khi vực xã Hanh Cù có một số trường hợp khác như người bán hoa quả, bán giò chả, cũng từng bị đối tượng giống như chị N. nhận dạng đến lừa đảo với chiêu thức tương tự. Thậm chí, đối tượng này còn đến tận nơi để đặt hàng và nhờ nhận hộ đồ ship đến. Tuy nhiên, những người này rất cảnh giác và rất may không bị đối tượng trên lừa đảo.
Ngoài trường hợp chị N. bị lừa đảo, trên địa bàn nhiều tỉnh thành cũng xảy ra những vụ việc tương tự. Trước đó, nhà hàng Vừng Ơi ở TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) cũng bị khách dỏm gọi điện lừa đặt tiệc và chiếm đoạt hơn 526 triệu đồng. Chủ nhà hàng Vừng Ơi cho biết, ngày 1/5, nhà hàng này nhận được điện thoại của một người xưng danh là Việt Thanh, đang công tác tại một đơn vị quân đội đóng trên địa bàn tỉnh. Người này cho biết, có nhu cầu đặt tiệc cho 20 khách với giá 350.000 đồng/suất.
Sau đó, vị khách sộp này đã gửi hình chai rượu và yêu cầu nhà hàng chuẩn bị loại rượu như mẫu để họ chiêu đãi khách. Nhà hàng báo với khách tìm mua không có loại rượu như hình mẫu. Ngay lập tức, người xưng tên Việt Thanh nói có quen đơn vị cung cấp loại rượu trên và gửi số điện thoại zalo có tên "cửa hàng xuất nhập khẩu…", để nhà hàng thuận tiện việc đặt mua.
Kẻ lừa đảo đã yêu cầu nhà hàng Vừng Ơi đã đặt mua tổng cộng 20 chai rượu, 40 hộp sâm thường, 10 hộp sâm loại VIP. Để chiếm lòng tin của chủ cửa hàng, kẻ lừa đảo còn xin số tài khoản nhà hàng, sau đó gửi hình sao chụp giao dịch chuyển khoản vào tài khoản nhà hàng Vừng Ơi.
Tuy nhiên, tại thời điểm đó chủ nhà hàng kiểm tra tài khoản, nhưng chưa thấy tiền vào. Nghĩ do ngày nghỉ lễ nên tiền chuyển khoản chậm, chủ cửa hàng vẫn thực hiện theo yêu cầu khách. Theo đó, trong chiều 1/5, nhà hàng Vừng Ơi đã 5 lần chuyển tiền để mua rượu và sâm giúp khách đặt tiệc từ "Cửa hàng xuất nhập khẩu…".
Tối cùng ngày, chủ nhà hàng không thấy bên nhận tiền giao rượu và sâm. Trong khi đó, vị khách đặt tiệc cũng không thấy bóng dáng, nên chủ nhà hàng mới biết đã bị lừa đảo. Vụ việc sau đó đã được nạn nhân trình báo đến Công an tỉnh Lâm Đồng.
Làm thế nào để không bị “mắc bẫy” kẻ lừa đảo?
Thời gian qua, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản có nhiều diễn biến phức tạp. Những đối tượng lừa đảo đã dùng các phương thức, thủ đoạn phạm tội tinh vi, có xu hướng đan xen, kết hợp giữa nhiều hình thức lừa đảo khác nhau, gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân, tổ chức.
Trong các vụ việc nêu trên, có thể thấy đây là thủ đoạn lừa đảo mới, rất tinh vi khi kẻ gian đã lựa chọn “con mồi” là các nhà hàng vẫn thường xuyên phải nhận khách qua online, đặt hàng hộ khách... Ngoài ra, kẻ lừa đảo còn dùng chiêu thức tinh vi khi sử dụng sim “rác” và các tài khoản zalo ảo với ảnh đại diện, tên tài khoản trùng khớp, khiến nạn nhân không nghi ngờ. Hậu quả là nhiều tổ chức, cá nhân dễ dàng bị “sập bẫy” kẻ lừa đảo.
Để không xảy ra các vụ lừa đảo tương tự, các cơ quan chức năng khuyến cáo, người dân cần chủ động nâng cao cảnh giác và tuyên truyền với người thân, gia đình, bạn bè, đồng nghiệp về các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng lừa đảo để phòng tránh.
Đồng thời, cơ quan chức năng cũng cảnh báo, người dân không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh thư (căn cước công dân), địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch.
Bên cạnh đó, cơ quan Công an cũng đề nghị, khi nhận các cuộc điện thoại có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thì người dân cần cảnh giác và kịp thời thông báo cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được hướng dẫn giải quyết.