1. Trang chủ /
  2. Chính sách hỗ trợ xây nhà tránh bão lũ ở Quảng Nam: Nguyên nhân một số hộ dân chưa “mặn mà”

Chính sách hỗ trợ xây nhà tránh bão lũ ở Quảng Nam: Nguyên nhân một số hộ dân chưa “mặn mà”

thứ sáu, 24/11/2023 13:37 GMT+07
Hỗ trợ kinh phí xây nhà tránh trú bão, lũ là một chính sách hay, cấp thiết của tỉnh Quảng Nam; nhưng khi áp dụng vào thực tế vẫn có một số điểm chưa phù hợp, người dân không mặn mà.
Căn nhà của bà Phương đã xây xong phần thô với số tiền gần 200 triệu đồng, nay còn nợ hơn 100 triệu đồng. Căn nhà của bà Phương đã xây xong phần thô với số tiền gần 200 triệu đồng, nay còn nợ hơn 100 triệu đồng.

“Trợ lực” chưa đủ mạnh

Quảng Nam là một trong những tỉnh, thành ở miền Trung thường xuyên hứng chịu những cơn bão lũ lớn hàng năm, gây thiệt hại về người và tài sản. Hàng loạt địa phương như Đại Lộc, Thăng Bình, Tam Kỳ, Duy Xuyên… từ nhiều năm nay liên tục được nhắc đến là “rốn lũ”, “rốn bão”. Trong khi đó, nhiều căn nhà ở các địa phương này tương đối tạm bợ, có khả năng cao sẽ đổ sập khi gặp bão lớn. Mỗi mùa bão lũ, chính quyền Quảng Nam phải huy động lực lượng, vận động bà con di chuyển đến nơi kiên cố hơn để bảo đảm an toàn; đồng thời phải bảo đảm cung cấp lương thực, thực phẩm trong thời gian tránh trú.

Trước thực tế trên, tháng 9/2021, HĐND tỉnh Quảng Nam ban hành Nghị quyết 32/2021/NQ-HĐND (NQ 32) về việc hỗ trợ người dân xây dựng chòi, phòng trú bão, lũ giai đoạn 2021 - 2025 với quy mô 10.000 hộ, kinh phí 100 tỷ đồng. Mục tiêu nhằm giảm bớt áp lực cho các lực lượng phòng, chống thiên tai cũng như hỗ trợ cho người dân có nơi tránh trú bão lũ an toàn.

Đối tượng ưu tiên gồm hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ gia đình do phụ nữ làm chủ hộ với số tiền hỗ trợ 10 triệu đồng (chòi hoặc phòng). Ngoài mức hỗ trợ này, địa phương kết hợp từ các nguồn xã hội hóa và từ các nguồn hợp pháp khác.

Sau hai năm triển khai NQ 32, tại tỉnh Quảng Nam ghi nhận nhiều kết quả tích cực, nhiều người dân an tâm sống trong căn phòng, chòi, gác bằng bê tông cốt thép kiên cố.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, NQ 32 khi áp dụng vào thực tế vẫn có những bất cập, nhiều hộ nghèo không mặn mà, hay nói chính xác không dám nhận tiền hỗ trợ xây nhà tránh bão lũ. Lý do, họ không đủ khả năng xây dựng chòi, gác lửng hay nhà theo đúng thiết kế mẫu. Trong khi đó giá vật liệu, nhân công ngày càng tăng cao. Một số hộ dân thuộc vùng thấp trũng, thì kinh phí làm nền móng là rất cao.

Nằm cuối con đường của xóm, phía trước ruộng đồng, phía sau là vách núi, ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Phương (73 tuổi, thôn Phú Phong, xã Đại Tân, huyện Đại Lộc) thường xuyên nằm trong vùng ảnh hưởng của bão lũ. Năm 2022, bà Phương có tên trong danh sách của xã trình lên UBND huyện Đại Lộc để được hỗ trợ xây công trình trú bão lũ theo NQ 32. Tiếp đó, bà được hỗ trợ thêm 40 triệu đồng theo diện xóa nhà tạm nên mạnh dạn vay mượn người thân cất ngôi nhà mới có gác lửng để tránh bão lũ. Ngôi nhà hoàn thành với số tiền gần 200 triệu đồng, bà còn đang nợ hơn 100 triệu đồng.

“Thật sự lúc đầu tui không dám xây nhà đâu. Bản thân bệnh tật, con trai làm phụ hồ, công việc bấp bênh, nhưng tiền hỗ trợ thấp, lấy gì mà xây nhà. Nhờ con trai quen biết mấy anh thợ nên làm giúp căn nhà để hai mẹ con tránh mưa, tránh bão. Tiền công họ cho hai mẹ con nợ, trả dần dần nên tui mới dám làm. Hết lo lũ, giờ lại lo trả nợ”, bà Phương nói.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Đen (58 tuổi, ngụ thôn Phú Phong) cũng cho hay lâm cảnh nợ nần sau khi xây nhà tránh bão lũ. Bà Đen cho biết, gia đình thuộc diện khó khăn, bà có tiền sử bệnh tim, ở một mình lo cho cha già 94 tuổi cũng thường xuyên đau ốm. Hai cha con nương tựa nhau sống qua ngày bằng số tiền Nhà nước hỗ trợ gần 1,3 triệu đồng/tháng (bà Đen 540 ngàn và cha 720 ngàn đồng).

Năm 2022, cán bộ xã có thông tin hỗ trợ 10 triệu đồng xây nhà chống bão lũ nhưng bà không dám làm. Sau đó, xã huy động được nguồn từ MTTQ huyện Đại Lộc hỗ trợ được tổng 30 triệu đồng, bà mới dám làm. Ngôi nhà xây hết 130 triệu đồng, nay bà còn nợ 70 triệu đồng.

HĐND tỉnh sẽ rà soát kiểm tra

Ông Phạm Văn Vinh, công chức văn hóa xã hội phụ trách mảng lao động - thương binh xã Đại Tân cho biết, trên địa bàn xã có 34 hộ dân đăng ký được hỗ trợ theo NQ 32, nhưng sau đó chỉ còn 15 hộ muốn nhận. Trong năm 2022, có 11 hộ dân đã triển khai làm nhà, trong đó 8 hộ đã được giải ngân. Năm 2023, có 5/6 hộ đã được giải ngân.

Theo ông Vinh, cái khó của địa phương khi triển khai NQ 32 là người dân “chê” tiền hỗ trợ ít và chỉ giải ngân trong năm. Chẳng hạn như người dân đăng kí xây nhà năm 2022 nhưng vì thời tiết không thuận lợi, sang năm 2023 mới hoàn thành thì nguồn phê duyệt trước đó phải trả lại. Còn nhiều người già không có con cái, thường hay đau ốm, nguồn hỗ trợ 10 triệu quá thấp nên không muốn làm.

Tiền hỗ trợ chỉ 10 triệu đồng theo Nghị quyết 32, nên một số người dân nghèo không “mặn mà” xây nhà.
Tiền hỗ trợ chỉ 10 triệu đồng theo Nghị quyết 32, nên một số người dân nghèo không “mặn mà” xây nhà.

Để NQ 32 thật sự trọn vẹn với mục đích giúp dân có nơi tránh trú bão an toàn, ông Vinh kiến nghị các ngành chức năng cần linh hoạt chính sách để hỗ trợ người dân thực hiện. Nguồn vốn từ việc xóa nhà tạm bợ nên đồng nhất đi theo với nguồn NQ 32 kết hợp với nguồn từ thiện tài trợ, may ra những hộ nghèo mới đủ khả năng làm được nhà.

Còn tại xã Đại Lãnh (huyện Đại Lộc), địa phương đăng ký 4 nhà theo NQ 32 nhưng chỉ làm được 1 nhà, 3 nhà đang làm tờ trình gửi lên huyện xin trả. Thay vào đó, người dân lại đăng ký chính sách thiết thực hơn từ chương trình nhà chống lũ thuộc quỹ Hỗ trợ phát triển cộng đồng sống bền vững với số tiền 40 - 50 triệu đồng/hộ dân để xây nhà có gác tránh lũ. Từ năm 2016 đến nay, Đại Lãnh đã được hỗ trợ xây dựng 115 ngôi nhà.

Ông Đặng Văn Kỳ, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho hay, đến nay huyện đã duyệt 261 hộ nhưng 138 hộ không thực hiện.

Không chỉ xã Đại Tân, rất nhiều xã khác trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cũng đang gặp khó và thậm chí muốn trả lại vì nguồn hỗ trợ quá thấp, người dân không thể làm nổi. Đơn cử tại huyện Thăng Bình, kinh phí năm 2023 phân bổ theo NQ 32 cho 1.699 hộ nhưng hiện chỉ có 235 hộ thực hiện.

Trước thông tin trên, ông Nguyễn Công Thanh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam nói, mục tiêu ban đầu của Nghị quyết là hỗ trợ người dân 10 triệu đồng từ ngân sách tỉnh và địa phương phải cân đối nguồn ngân sách và các nguồn khác để làm. Trong thời gian tới, các ban ngành sẽ đi kiểm tra lại kết quả triển khai ở địa phương như thế nào, vướng mắc những gì để báo cáo Thường trực HĐND và xin ý kiến chỉ đạo.