Chỉnh trang đô thị cũng cần có lộ trình
Lồng ghép công tác chỉnh trang
Phố Phan Phù Tiên, phường Cát Linh, quận Đống Đa vốn là một chợ tạm đã tồn tại hàng chục năm. Giờ đây, bằng sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, sự đồng thuận của người dân, những hình ảnh nhếch nhác, lộn xộn vốn có đã không còn nữa. Thay vào đó là sự ngăn nắp, sạch sẽ, trật tự hơn rất nhiều, mà vẫn không ảnh hưởng đến việc kinh doanh, buôn bán của người dân trong khu vực.
Chị Phí Kim Yến, trú tại 30 Phan Phù Tiên cho biết, khoảng 3 tháng trước chúng tôi được tổ trưởng dân phố họp bàn tại khu dân cư lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết của Đảng ủy phường Cát Linh về trật tự văn minh đô thị và an toàn giao thông trên địa bàn, nhiều người dân đặc biệt là các nhà buôn bán, kinh doanh trong khu vực đã được mời dự họp và đóng góp ý kiến.
“Đa phần các hộ kinh doanh tại đây đều là những người dân trong khu vực, do đó, hơn ai hết chúng tôi cũng rất mong muốn khu phố mình được văn minh, sạch đẹp. Chính vì vậy, từ dự thảo của Đảng ủy phường, chúng tôi cũng đã thảo luận và đồng thuận động viên nhau thực hiện cho tốt, buôn bán được an toàn, tốt đẹp. Giờ đây, các hộ kinh doanh sẽ ngồi trong nhà, sát phía trong vỉa hè, kể cả các hàng cơm sách đi giờ cũng không đứng ở ngoài đường, mà đều gửi xe vào trong nhà để chờ lấy hàng. Hàng hoa quả, bánh trái cũng vậy, mọi người rất tuân thủ việc không để xe dưới lòng đường và lấn chiếm vỉa hè”, chị Phí Kim Yến cho biết.
Để đạt kết quả được cho là “tạm được” như hiện nay, là sự nỗ lực không ngừng nghỉ của chính quyền địa phương, từ tìm tòi, phân tích, căn cứ đặc thù địa bàn, từ đó khéo léo kết hợp công tác chỉnh trang đô thị với đảm bảo trật tự văn minh đô thị. Theo ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) phường Cát Linh, trước đây, chính quyền phường đều tuyên truyền và ký cam kết với các hộ kinh doanh và hộ cho thuê, tuy vậy hiệu quả vẫn chưa thực sự cao. Căn cứ vào Nghị quyết của Đảng ủy phường về công tác đảm bảo trật tự văn minh đô thị, trật tự an toàn giao thông, UBND phường đã lên kế hoạch cải tạo, chỉnh trang đô thị tuyến phố này nhằm phối kết hợp với công tác đảm bảo trật tự đô thị.
“Thời gian tới chúng tôi sẽ xin ý kiến quận để tiếp tục thực hiện lát lại vỉa hè, hạ ngầm, cũng như tìm tòi, xây dựng một phương án riêng như treo cờ, hoặc treo đèn để phân rõ khu vực được tạm kinh doanh và phần vỉa hè cho người đi bộ. Một số khu vực vỉa hè rộng cũng sẽ được nghiên cứu xén bớt để mở rộng đường giao thông, chống lấn chiếm kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo lối đi cho người đi bộ”, ông Nguyễn Ngọc Hưng cho hay.
Trên thực tế, việc kết hợp giữa công tác chỉnh trang đô thị và đảm bảo trật tự đô thị không phải là cá biệt, từ lâu ngõ Văn Chương, phường Khâm Thiên và phường Văn Chương vẫn luôn là “điểm nóng” về an ninh trật tự, mà nguyên nhân xuất phát từ khu chợ tự phát lâu đời tại đây. Qua thực tế tại địa bàn cho thấy, khu vực này có vỉa hè và đoạn vòng xuyến khá rộng nên các hộ kinh doanh đã tràn ra để buôn bán gây lấn chiếm. Nhằm chấn chỉnh tình trạng này, tận dụng công tác chỉnh trang đô thị, chính quyền sở tại đã có sáng kiến xén một phần vỉa hè để mở rộng đường giao thông. Việc làm này không những góp phần giảm ùn tắc giao thông trong khu vực bởi các “nút thắt” ngõ nhỏ, đường nhánh, mà còn hạn chế việc lấn chiếm vỉa hè để kinh doanh buôn bán.
Tăng giám sát thi công, quản lý sử dụng
Để đạt được mục tiêu chỉnh trang đô thị, Hà Nội đã xây dựng Chương trình số 03-CTr/TU với nhiều nội dung mới, khó, phức tạp với các yêu cầu về kết quả, sản phẩm cụ thể. Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh công tác phát triển đô thị, phải đi đôi với việc chỉnh trang, tái thiết đô thị, đồng thời quan tâm phát triển kinh tế đô thị. Cần phải nói rõ, dư luận rất quan tâm và ủng hộ công tác chỉnh trang, tái thiết đô thị của Thành phố, tuy nhiên cũng có một vài ý kiến cho rằng: “Tại sao cứ đến cuối năm mới lát vỉa hè? Tại sao mới lát xong lại đào lên lát lại…”.
Không phải bây giờ mới có ý kiến về việc cải tạo, chỉnh trang đô thị, đặc biệt là công tác lát đá vỉa hè. Chỉ mới năm ngoái, câu chuyện về lát đá vỉa hè cũng trở thành chủ đề nóng được đem ra mổ xẻ. Trên thực tế, từ năm 2012, thành phố Hà Nội thực hiện đề án “Cải tạo, chỉnh trang hè phố Hà Nội đến năm 2020”, mục tiêu đến năm 2020 sẽ tiến hành cải tạo, chỉnh trang hè phố tại 900 tuyến đường của 12 quận nội thành. Năm 2016, Thành phố tiếp tục ban hành một số quy định mới về cải tạo hè phố, trên cơ sở đó các đơn vị chuyên môn do UBND Thành phố giao nhiệm vụ đã tham mưu và được Thành phố chấp thuận phương án sử dụng đá tự nhiên thay thế gạch xi măng truyền thống làm vật liệu lát vỉa hè.
Từ đầu năm 2018, khi thấy những hiện tượng xuống cấp của nhiều tuyến vỉa hè lát đá tự nhiên, các cơ quan chức năng của Thành phố đã thành lập các đoàn kiểm tra, hướng dẫn chủ đầu tư, nhà thầu. Riêng Sở Xây dựng, mỗi năm tổ chức hàng chục đoàn kiểm tra đối với việc đảm bảo thiết kế, chất lượng vật liệu. Có thể nói, từ khi có sự vào cuộc nghiêm túc của các sở, ngành, công tác chỉnh trang, thiết kế lại đô thị hay còn được ví von là “lát đá vỉa hè” đã có nhiều chuyển biến rõ rệt.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay ở Hà Nội vẫn còn xuất hiện tình trạng vỉa hè bị chiếm dụng làm nơi kinh doanh các loại hàng hoá, để xe… dẫn đến hạ tầng đô thị càng thêm quá tải, xuống cấp; từ đó dẫn tới yêu cầu phải liên tục được cải tạo, bảo trì, chỉnh trang. Để làm được điều này, đòi hỏi một quy trình đầy đủ từ khảo sát, xây dựng kế hoạch chi tiết, xin ý kiến, xin bổ sung kinh phí… và cả những lý do khách quan như dịch bệnh, thời tiết cũng như một phần “tâm lý” giải ngân vốn đầu tư công, nên công tác này thường được tiến hành vào cuối năm.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc đáng bàn ở đây không phải câu hỏi vì sao cuối năm lại đào đường, mà là công tác đó được triển khai như thế nào, có đảm bảo yêu cầu thiết kế thi công hay không, đảm bảo vệ sinh môi trường trong khu vực hay không, thậm trí có đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong lúc thi công hay không…? Đặc biệt, đó là sau khi được cải tạo xong, sự văn minh sạch đẹp ấy có tiếp tục được duy trì hay không?