Chờ lực đẩy thủ tục hành chính
Nhiều thủ tục vẫn kéo dài
Theo ông Phạm Phú Ngọc Trai – Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TPHCM, cải cách hành chính chưa làm hài lòng doanh nghiệp và người dân. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã ban hành nhưng vẫn chậm triển khai. Những điều này làm ảnh hưởng lớn đến quá trình phục hồi kinh tế thành phố.
Chưa bằng lòng với cải cách hành chính hiện nay, bà Hồ Uyên - Chi hội trưởng Chi hội Doanh nghiệp Khu công nghệ cao TPHCM (SBA), Giám đốc Đối ngoại Intel Việt Nam than phiền: “Thời gian qua, có tình trạng doanh nghiệp tiến hành phê duyệt điều chỉnh quy họach tổng thể, dù chỉ là điều chỉnh cục bộ nhưng mất khoảng 2 năm mới xong. Trong khi đó, nếu thực hiện đúng chỉ cần mất từ 3 – 6 tháng. Theo bà Hồ Uyên, thủ tục hành chính hiện đang đi ngược với cơ chế “một cửa” thành “nhiều cửa”. Vì nhiều quy định pháp luật thay đổi, gây khó khăn cho doanh nghiệp. Thủ tục chưa thông thoáng dễ phát sinh tiêu cực như: Tham nhũng, hối lộ.
Nói về cải cách thủ tục hành chính của TPHCM, ông Nguyễn Duy Hoàng – Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ cho rằng, một số việc liên quan đến thủ tục hành chính TPHCM giải quyết quá chậm. “Việc thanh toán nghĩa vụ đất đai và thuế các tỉnh giải quyết trong vòng 30 phút đến 1 tiếng đồng hồ. Nhưng tại TP HCM, để thực hiện xong nghĩa vụ này người dân, doanh nghiệp phải mất 28 ngày” - ông Hoàng dẫn chứng.
ThS. Đỗ Thanh Huyền - Chuyên gia phân tích chính sách công, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam cũng cho hay, kết quả thủ tục hành chính công của TPHCM năm 2021 đạt 4.32 điểm. Đây là mức điểm trung bình khá, thuộc 16 tỉnh đạt điểm thấp nhất toàn quốc.
Phải đơn giản nhất có thể
Mong muốn thành phố cải cách thủ tục hành chính tốt hơn, ThS. Đỗ Thanh Huyền hiến kế, TPHCM phải tăng cường và phát triển dịch vụ công trực tuyến nhằm đơn giản và rút ngắn thời gian thực hiện. Hiện nay, thành phố có 91% người dân dùng internet nhưng chỉ có khoảng 6% người dân tham gia dịch vụ hành chính công trực tuyến, thấp hơn so với trung bình của cả nước. Chỉ số này phải cải thiện trong thời gian tới.
Còn theo ông Đào Minh Chánh – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, trong các tháng cuối năm 2022, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn phục hồi sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho môi trường kinh doanh, đầu tư, Sở đã đề xuất UBND TPHCM chỉ đạo các sở, ban ngành cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí tuân thủ trên mọi lĩnh vực. Triển khai dịch vụ công trực tuyến. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid – 19. Trong đó bao gồm: đẩy mạnh chuyển đổi số đồng bộ với cải cách thủ tục hành chính; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Ứng dụng công nghệ thông tin để minh bạch hóa quy trình, thủ tục hành chính, tiếp cận chính sách hỗ trợ của nhà nước.
Trước những băn khoăn của doanh nghiệp về thủ tục hành chính, ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TPHCM chỉ đạo, thành phố phải nhanh chóng cải thiện những chỉ số liên quan đến cải cách thủ tục hành chính để tạo sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp. Tập trung vào những điểm mà doanh nghiệp không hài lòng để tìm giải pháp giải quyết. “Nếu chúng ta cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn chắc chắn nguồn vốn về nhiều hơn”, ông Mãi nhấn mạnh.