1. Trang chủ /
  2. Chống oan sai, bỏ lọt tội phạm là nhiệm vụ hàng đầu của ngành kiểm sát

Chống oan sai, bỏ lọt tội phạm là nhiệm vụ hàng đầu của ngành kiểm sát

thứ ba, 21/3/2023 05:58 GMT+07
Trả lời chất vấn, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cho biết việc chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm là chủ trương xuyên suốt, nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của ngành kiểm sát.
Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí trả lời chất vấn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)
Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí trả lời chất vấn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Chiều 20/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí.

Tại phiên họp, các đại biểu tập trung vào các chất vấn về giải pháp nâng cao chất lượng công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giải quyết vụ án hình sự; tăng cường chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên; kiểm sát thi hành án hình sự, dân sự, hành chính; tăng cường rà soát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền.

Đặt câu hỏi chất vấn tại phiên họp, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn Nam Định) cho biết Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần chỉ đạo phải tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế và phòng, chống tham nhũng; kịp thời khắc phục những bất cập để không thể tham nhũng. Qua giải quyết các vụ án tham nhũng lớn, đại biểu chất vấn Viện trưởng Lê Minh Trí có những chỉ đạo và biện pháp nào để thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư...

Cũng theo đại biểu Phương Hoa, vừa qua thực tế khi thực thi công vụ bên cạnh những việc làm được, đột phá, không có yếu tố vụ lợi nhưng cũng có những việc còn sai sót, thậm chí vi phạm pháp luật. Đại biểu chất vấn Viện trưởng về quan điểm và các giải pháp để vừa không bỏ lọt tội phạm, xử lý nghiêm tội phạm tham nhũng vừa đồng thời thực hiện đúng chủ trương của Đảng về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Trả lời chất vấn, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí cho biết việc chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm là chủ trương xuyên suốt, nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của ngành kiểm sát.

Kết quả công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự của ngành kiểm sát năm sau tốt hơn năm trước, hằng năm đều đạt và vượt các chỉ tiêu của Quốc hội. Tỷ lệ oan, sai cũng giảm dần theo từng năm, từng nhiệm kỳ Quốc hội và chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với số lượng bị can, bị cáo đã truy tố, xét xử. Viện Kiểm sát Nhân dân các cấp đã chủ động thực hiện nghiêm, đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của ngành nên đã hạn chế tối đa việc bỏ lọt tội phạm.

Ông Lê Minh Trí cũng chia sẻ vừa chống oan sai và vừa chống bỏ lọt tội phạm là thách thức rất lớn đối với cơ quan tố tụng khi thực hiện chức năng nhiệm vụ. Do đó, toàn ngành kiểm sát phải quán triệt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn. Trong những năm qua, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cũng ra những chỉ thị, chuyên đề riêng về chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm; đưa ra các giải pháp cụ thể.

Về nghiệp vụ, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao yêu cầu gắn chặt công tố với điều tra ngay từ đầu; tập trung làm tốt thụ lý tin báo tố giác tội phạm, hạn chế để lọt tội phạm. Kiểm sát viên phải thu thập chứng cứ, điều tra theo hai hướng buộc tội và gỡ tội; yêu cầu nắm chắc, áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội, đảm bảo quyền của người bị buộc tội; trọng chứng hơn trọng cung; không được suy diễn, chứng cứ đến đâu xử lý đến đó...

Về công tác phòng, chống tham nhũng, Viện trưởng Lê Minh Trí cho rằng trong phòng, chống tham nhũng cần xử lý nghiêm người cầm đầu, chủ mưu, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng. Tuy nhiên, thực tiễn các vụ án cho thấy có trường hợp thực hiện mệnh lệnh cấp trên, tham mưu không chính xác, đầy đủ và cấp trên không kiểm soát được công việc nên ra quyết định rủi ro. Các trường hợp này nếu chủ động khắc phục hoàn toàn hậu quả, thấy sai đã sửa, giúp cơ quan chức năng thì có thể xem xét miễn, giảm, tha nhưng luật hiện hành còn có vướng mắc.

Vừa qua như vụ Việt Á đã được nghiên cứu đề nghị cấp có thẩm quyền phân hóa các trường hợp cần xử lý; trong đó có vi phạm phải xử lý nghiêm, có vi phạm xử lý kỷ luật Đảng, có loại xử lý hành chính. Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao cho biết Đảng đã có Quy định số 69-QĐ/TW về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Viện trưởng đề nghị cụ thể hóa nội dung này bằng các quy định của pháp luật.

Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí trả lời chất vấn. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

"Đây là việc lớn, đề nghị cần có sự đồng bộ, có chỉ đạo, phân công để các cơ quan ngồi cùng với nhau, cùng rà soát, điều chỉnh về các điều luật, chính sách hình sự, ví dụ như quy định gây thiệt hại 100 triệu đồng bị xử lý hình sự...," Viện trưởng nhấn mạnh.

Để tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, Viện trưởng Lê Minh Trí cho rằng trước hết là hoàn thiện thể chế, chính sách; tăng cường công khai, minh bạch trong hệ thống quản lý xã hội, Nhà nước, nhất là những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tham nhũng; tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác cải cách hành chính, vì có công khai, có minh bạch thì mới kiểm soát được. Việc thứ hai là hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, chặt chẽ để áp dụng, không thể làm khác được.

Hiện nay trong những nguyên nhân tồn tại ở những cơ quan tư pháp thì có nguyên nhân về những văn bản hướng dẫn chưa đáp ứng kịp thời nên dẫn đến nhận thức, áp dụng quy định pháp luật còn khác nhau... Viện trưởng lấy ví dụ như vấn đề đấu giá đất, Luật Đất đai yêu cầu phải đấu giá nhưng Luật Nhà ở và Kinh doanh bất động sản thì không. Qua hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế vừa qua, ông Lê Minh Trí kiến nghị bịt các "lỗ hổng" trong quy định pháp luật; đồng thời có lộ trình hạn chế thanh toán bằng tiền mặt, bắt buộc các quan hệ kinh tế thanh toán qua ngân hàng để kiểm soát.

Cũng tại phiên chất vấn, Viện trưởng Lê Minh Trí thẳng thắn nêu ra hạn chế như còn xảy ra một số trường hợp Tòa án trả hồ sơ để yêu cầu khởi tố tội phạm mới và người phạm tội mới; bị can phải đình chỉ do không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm, có trường hợp Viện Kiểm sát phải rút quyết định truy tố.

Những khó khăn lớn của ngành Kiểm sát cũng được Viện trưởng Lê Minh Trí chia sẻ khi có đặc thù khối lượng công việc lớn nhưng ngành đang thực hiện cơ chế phân bổ kinh phí hành chính mà không theo chế độ chi theo hoạt động thực tế như Cơ quan điều tra trong Quân đội, Công an./.