1. Trang chủ /
  2. Chữ ký số chuyên dùng công vụ: Phải quản lý, cung cấp một cách chặt chẽ

Chữ ký số chuyên dùng công vụ: Phải quản lý, cung cấp một cách chặt chẽ

thứ sáu, 7/4/2023 13:00 GMT+07
Tiếp tục chương trình, ngày 6/4, Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã nghe trình bày Báo cáo tóm tắt về một số vấn đề lớn của Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật này. Vấn đề mở rộng phạm vi điều chỉnh, giá trị pháp lý của hình thức giao dịch điện tử, chữ ký số chuyên dùng công vụ... được nhiều đại biểu quan tâm, thảo luận.
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân cho rằng, cần có lộ trình để mở rộng đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Luật. Ảnh: Quốc hội Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân cho rằng, cần có lộ trình để mở rộng đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Luật. Ảnh: Quốc hội

Cần lộ trình để mở rộng đối tượng, phạm vi điều chỉnh

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Đoàn Bình Dương) cho rằng, cần có lộ trình để mở rộng đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Luật Giao dịch điện tử, cần phải thí điểm một số lĩnh vực trước khi đưa vào luật chuyên ngành. Trường hợp luật chuyên ngành không quy định giao dịch bằng phương thức điện tử như quy định tại Điều 1 thì trong Điều 2 cần giao cho Chính phủ quy định cụ thể các trường hợp áp dụng và các trường hợp loại trừ, nhằm đảm bảo tính khả thi, bao quát, thực tiễn của luật.

Về chữ ký số chuyên dùng công vụ, theo đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân, đây là vấn đề quan trọng liên quan đến an ninh, an toàn, bảo vệ bí mật nhà nước và nhiều nội dung quan trọng khác đối với quá trình thực thi công vụ. Vì vậy, cần thiết phải phân tích, làm rõ hơn nữa về mặt tổ chức thực hiện, trách nhiệm pháp lý, an toàn, an ninh quốc gia đối với đơn vị cung cấp, quản lý chữ ký số chuyên dùng công vụ, bổ sung rõ trong Dự thảo Luật nhiệm vụ của Ban cơ yếu Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân cho rằng, cần có lộ trình để mở rộng đối tượng, phạm vi điều chỉnh của Luật. Ảnh: Quốc hội

“Chữ ký chuyên dùng công vụ là chữ ký của những người có thẩm quyền. Mỗi văn bản, mỗi giao dịch công vụ đều tác động, ảnh hưởng lớn đến nhân dân, đến quốc gia, dân tộc. Vì vậy, cần phải được quản lý, cung cấp một cách chặt chẽ, bảo mật, không nên giao cho các tổ chức bên ngoài, nếu không sẽ rất nguy hiểm, nguy cơ mất an ninh, an toàn cho hệ thống chính trị. Vấn đề này cần được lưu ý đặc biệt và cần được rà soát, đánh giá tác động kỹ lưỡng và quy định thật rõ trong Dự thảo Luật”, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân nói.

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) cho biết ông đồng tình với rất nhiều nội dung đã được chỉnh lý, tiếp thu, sửa đổi, bổ sung của Dự thảo Luật và cho rằng, đây là đạo luật khó, nhiều vấn đề liên quan đến chuyên môn kỹ thuật.

“Quan trọng nhất là chúng ta xác định được giá trị pháp lý của hình thức giao dịch điện tử này để đi vào thực tiễn, đặc biệt phải thuận tiện, không phát sinh các thủ tục, không phát sinh các chi phí. Bởi vì nếu chúng ta đặt ra nhiều tiêu chuẩn, nhiều quy định thì sẽ phát sinh ra cả chi phí về bộ máy, chi phí về con người, chi phí về hệ thống thiết bị”, đại biểu góp ý.

Đại biểu Trịnh Xuân An cho rằng, quan trọng nhất là xác định được giá trị pháp lý của giao dịch điện tử. Ảnh: Quốc hội

Thực tiễn thời gian qua, theo đại biểu, có rất nhiều các hoạt động lừa đảo, thậm chí là các tội phạm trên môi trường mạng và người dân, người tiêu dùng không thể có đủ điều kiện để phân biệt được. Cho nên, phải tiếp tục rà soát để bảo đảm tính an toàn, đặc biệt là vấn đề quốc phòng, an ninh trật tự, an toàn xã hội phải được rà soát rất kỹ lưỡng.

Rà soát các quy định liên quan đến các cơ sở dữ liệu quốc gia

Đại biểu Đồng Ngọc Ba (Đoàn Bình Định) lại đề nghị tiếp tục nghiên cứu, rà soát kỹ về ngôn ngữ, kỹ thuật lập pháp, đặc biệt là diễn đạt khái niệm từ ngữ trong luật này để mọi người dân đọc hiểu và thực hiện thuận lợi.

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật quy định “dữ liệu trong cơ sở dữ liệu quốc gia thì có giá trị tương đương các văn bản giấy chứa thông tin được cơ quan có thẩm quyền cung cấp”. Vấn đề này, theo đại biểu, nếu thực hiện được sẽ rất tốt, tuy nhiên, cần rà soát các quy định liên quan đến các cơ sở dữ liệu quốc gia để đảm bảo tính thống nhất.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Quốc hội

Thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ Thông tin và Truyền thông thống nhất với các nội dung giải trình, tiếp thu và báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lí dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) của cơ quan chủ trì thẩm tra.

Về phạm vi điều chỉnh, Bộ trưởng cho biết, khá nhiều lĩnh vực loại trừ áp dụng trong phạm vi điều chỉnh của Luật Giao dịch điện tử năm 2005 thực tế đã được triển khai giao dịch điện tử một phần hoặc toàn bộ như đăng ký khai sinh, đăng ký kết hôn. Theo Bộ trưởng, điều này phù hợp với xu thế chuyển đổi số trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, bởi vậy xin phép được mở rộng như trong Dự thảo, mở ra công cuộc chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam được toàn dân và toàn diện.

Liên quan đến chữ ký số chuyên dùng Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, đây không phải là một lĩnh vực, một hoạt động quản lý nhà nước độc lập riêng rẽ trong lĩnh vực giao dịch điện tử mà chỉ là một dạng chữ ký điện tử, là một bộ phận cấu thành của giao dịch điện tử. Chữ ký điện tử cũng không phải một nhánh của giao dịch điện tử, chữ ký điện tử ở tầm rất sâu bên dưới của giao dịch điện tử. Bởi vậy không nên coi là một lĩnh vực hay một nhánh về quản lý nhà nước trong giao dịch điện tử...