Chủ quán karaoke số 231 Quan Hoa có thể đối diện khung hình phạt nào?
Khởi tố chủ quán karaoke vi phạm quy định PCCC
Tại buổi họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội tháng 8/2022 của UBND TP Hà Nội tổ chức chiều 9/9, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an TP Hà Nội) đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can Phạm Duy Hùng - chủ cơ sở karaoke tại số 231 phố Quan Hoa (phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) do liên quan đến vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng xảy ra vào ngày 1/8/2022 khiến 3 cán bộ, chiến sĩ cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Cầu Giấy hy sinh.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng cho biết thêm, Cơ quan CSĐT sẽ xem xét trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động quản lý, xảy ra vụ việc cháy cơ sở karaoke này.
Về việc tăng cường quản lý Nhà nước trong công tác PCCC, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng cho biết, Công an thành phố luôn nhận được sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Thành ủy Hà Nội, UBND thành phố trong việc chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các Sở, ngành thực hiện nghiêm túc về công tác PCCC; Đồng thời tăng cường quản lý Nhà nước về PCCC với các cơ sở kinh doanh. Đặc biệt là những cơ sở kinh doanh có điều kiện.
Hàng năm, Công an thành phố đều có kế hoạch phối hợp với các Sở, ngành, chính quyền địa phương các quận, huyện, thị xã thực hiện nhưng thực tế, vẫn có rất nhiều trường hợp chưa chấp hành nghiêm chỉnh công tác PCCC. Các trường hợp này vẫn hoạt động lén lút, dẫn đến tình trạng cháy như vụ việc xảy ra tại quán karaoke số 231 phố Quan Hoa vừa qua.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng khẳng định: "Công an thành phố sẽ xử lý thật nghiêm và buộc các trường hợp không đủ điều kiện về công tác PCCC sẽ phải chấm dứt, dừng hoạt động. Trên thực tế, chúng tôi mất rất nhiều nhân lực để giám sát các cơ sở trên địa bàn. Do đó, tình trạng này phải được ngăn chặn".
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng nhấn mạnh: "Công an Thành phố sẽ xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm về PCCC; Đồng thời quy trách nhiệm cho cá nhân, tập thể để xảy ra tình trạng này. Những cơ sở kinh doanh có điều kiện mà không đảm bảo, quyết không cho hoạt động".
Hiện trường vụ cháy quán karaoke số 231 Quan Hoa, Cầu Giấy, xảy ra ngày 1/8/2022
Sau khi Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội khởi tổ chủ quán karaoke 231 Quan Hoa, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi: Nếu bị kết tội, chủ quán karaoke sẽ đối diện khung hình phạt nào?
Trao đổi với PV báo Tuổi trẻ Thủ đô về băn khoăn của bạn đọc, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết: Vụ cháy quán karaoke 231 Quan Hoa để lại hậu quả rất thương tâm. Vụ việc có dấu hiệu tội phạm, vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy. Bởi vậy việc cơ quan chức năng xác minh làm rõ sai phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật là cần thiết.
Sau quá trình xác minh làm rõ nguyên nhân vụ cháy, đến nay cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với người quản lý cơ sở kinh doanh này về tội vi phạm quy định về PCCC theo Điều 313 Bộ luật Hình sự.
Với hậu quả khiến 3 người tử vong và thiệt hại nghiêm trọng về tài sản, người vi phạm trong vụ án này có thể phải đối mặt với khung hình phạt cao nhất của tội danh là phạt tù từ 7 năm đến 12 năm theo quy định tại khoản 3, Điều 313 Bộ luật Hình sự.
Cần làm rõ trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan
Cũng theo luật sư Đặng Văn Cường, pháp luật quy định rất rõ ràng cụ thể về thiết kế hệ thống điện, hệ thống phòng cháy; Quy trình quy chuẩn kỹ thuật để đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC; Quy định về phê duyệt, thẩm định, cấp phép về PCCC đối với từng cơ sở kinh doanh có điều kiện như karaoke, vũ trường...
Tuy nhiên, qua công tác thanh tra, kiểm tra và các vụ việc đã xảy ra cho thấy nhiều cơ sở kinh doanh không đảm bảo điều kiện về PCCC; Không đủ điều kiện kinh doanh nhưng vẫn tiến hành hoạt động chui, bất chấp pháp luật, coi thường tính mạng của khách hàng. Nếu xảy ra cháy nổ thì nguy cơ thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của khách hàng rất cao...
Bởi vậy, cơ quan chức năng cần làm rõ việc cấp phép đủ điều kiện về PCCC được thực hiện như thế nào. Quá trình kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh của các cơ sở này ra sao? Trong trường hợp phát hiện có hành vi cấp phép không đúng quy định hoặc buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng thì cơ quan điều tra cũng sẽ xem xét xử lý kỷ luật và có thể áp dụng chế tài nghiêm khắc, trong đó không loại trừ chế tài hình sự.
Tiến sỹ luật học Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp
Đối với vụ án xảy ra tại Cầu Giấy thì cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ nguyên nhân sự việc, làm rõ diễn biến hành vi vi phạm về PCCC; Xác định cụ thể những thiệt hại về con người và thiệt hại về tài sản đã gây ra làm cơ sở để buộc tội đối với bị can; Xem xét trách nhiệm đồng phạm của những người khác để xử lý theo quy định của pháp luật và phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã gây ra cho gia đình nạn nhân.
Cơ quan điều tra cũng sẽ mở rộng điều tra làm rõ thủ tục cấp phép đối với cơ sở kinh doanh này được thực hiện như thế nào? Việc quản lý, thanh kiểm tra có phát hiện, xử lý các sai phạm về PCCC hay không? Nếu các tổ chức, cá nhân có liên quan buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng thì cũng phải chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật.
“Có thể thấy rằng các vụ hỏa hoạn quán karaoke xảy ra tại Cầu Giấy, Hà Nội và mới đây nhất là vụ xảy ra tại Bình Dương là những vụ hỏa hoạn nghiêm trọng, gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây lo lắng và bức xúc trong dư luận xã hội. Bởi vậy, ngoài việc làm rõ nguyên nhân vụ cháy, xác định trách nhiệm của các tổ chức cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định của pháp luật thì cơ quan chức năng cũng cần phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát... từ đó, kịp thời phát hiện những cơ sở kinh doanh không đủ điều kiện đảm bảo an toàn về PCCC, an ninh trật tự để xử lý theo quy định của pháp luật. Đối với những cơ sở kinh doanh vi phạm mà gây hậu quả nghiêm trọng thì phải kiên quyết xử lý bằng các chế tài nghiêm khắc của pháp luật, trong đó có chế tài hình sự.
Đối với các tổ chức, cá nhân liên quan việc quản lý, cấp phép, giám sát quá trình hoạt động của các cơ sở kinh doanh này mà thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thậm chí tiếp tay dung túng cho sai phạm thì phải xử lý nghiêm minh. Có như vậy mới đảm bảo tinh thần thượng tôn pháp luật, giảm thiểu những nguy cơ cháy nổ, đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân”, luật sư Cường kiến nghị.
Điều 313. Tội vi phạm quy định về PCCC
1. Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 2 năm đến 5 năm: a) Làm chết 1 người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng…
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 7 năm đến 12 năm: a) Làm chết 3 người trở lên; b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên; c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên; d) Gây thiệt hại về tài sản 1,5 tỷ đồng trở lên…