Chủ tịch nước: Mặt trận là trung tâm của khối đại đoàn kết của dân tộc
Ngày 14/7, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045” chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Ban Chỉ đạo với Đảng Đoàn MTTQ Việt Nam.
Căn cứ Kế hoạch số 02-KH/BCĐ ngày 20/7/2021 của Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”, Đảng Đoàn MTTQ Việt Nam được phân công chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan nghiên cứu, xây dựng hai chuyên đề gồm Chuyên đề 26 với nội dung “Phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức xã hội đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và Chuyên đề 27 với nội dung “Bảo đảm thực hiện, phát huy quyền làm chủ và vai trò chủ thể của Nhân dân trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Hai chuyên đề của MTTQ Việt Nam đã được xây dựng công phu với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, các vị lãnh đạo, nguyên lãnh đạo của MTTQ Việt Nam, lãnh đạo của các tổ chức thành viên của Mặt trận, việc xây dựng chuyên đề đảm bảo tiến độ và chất lượng nội dung.
Các đại biểu dự cuộc làm việc đã cùng thảo luận vào 4 nội dung liên quan đến vai trò, trách nhiệm và hoạt động của MTTQ Việt Nam được đề cập trong đề án: Nội dung đổi mới pháp luật bầu cử; nội dung thành lập thiết chế bảo vệ Hiến pháp; nội dung hoàn thiện cơ chế thực hiện quyền trưng cầu ý dân và quyền phúc quyết Hiến pháp và nội dung về thành lập Ủy ban Quốc gia về quyền con người, từ đó nhằm góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.
Tại cuộc làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, MTTQ Việt Nam có vai trò nòng cốt trong việc xây dựng, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là nơi tập hợp, đoàn kết các giai cấp, các tầng lớp, các giai tầng xã hội, các giới, các tôn giáo, các cá nhân tiêu biểu ở trong và ngoài nước để góp phần thực hiện đồng thuận xã hội.
Mặt trận là nơi trực tiếp để nhân dân phản ánh tâm tư, nguyện vọng của mình tới Đảng và Nhà nước, là trung tâm của khối đại đoàn kết của dân tộc.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, vai trò đại đoàn kết toàn dân tộc của MTTQ Việt Nam có ý nghĩa chính trị lớn lao với đất nước và dân tộc qua nhiều thời kỳ cách mạng.
Thời gian qua, thực hiện chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, MTTQ Việt Nam phát huy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện dân chủ, giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước.
Chủ tịch nước đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm đổi mới nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của MTTQ Việt Nam thời gian qua, đặc biệt là trách nhiệm trong việc xây dựng 2 nội dung Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”.
Chủ tịch nước đề nghị Thường trực Ban Chỉ đạo tiếp thu các ý kiến đóng góp tại cuộc làm việc, từ đó tổng hợp để báo cáo Ban Chỉ đạo xem xét, chỉnh sửa trên tinh thần phát huy dân chủ, có cơ sở khoa học thực tiễn và lý luận, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, định hướng xã hội chủ nghĩa, phát huy vai trò nòng cốt của MTTQ Việt Nam trong đại diện tiếng nói của nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, đem lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân.
Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho rằng, MTTQ Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò, vị trí, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam trong thực hiện sứ mệnh cao cả là tập hợp; phát huy tinh thần đoàn kết trong nhân dân để thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tham gia ý kiến xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch vững mạnh; đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân.
Ông Đỗ Văn Chiến cho rằng, với cách làm bài bản, khoa học, dân chủ, khách quan và minh bạch, đề án sẽ thành công, được Bộ Chính trị thông qua và Ban Chấp hành Trung ương Đảng thông qua, ban hành nghị quyết để thực hiện trong thời gian tới.