Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Kazakhstan tham quan Làng nghề gốm Chu Đậu
Trong khuôn khổ Chương trình thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Cộng hòa Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev, sáng 22/8, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã cùng Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev và Đoàn đại biểu cấp cao Cộng hòa Kazakhstan đến thăm Làng nghề gốm Chu Đậu (Hải Dương).
Thăm làng gốm Chu Đậu, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev cũng tìm hiểu về làng nghề truyền thống cổ xưa vang danh đất Bắc thông qua việc trải nghiệm nặn gốm, bày tỏ mong muốn địa phương và các nghệ nhân sẽ tiếp tục gắn bó, gìn giữ và phát huy những giá trị mà làng nghề đang có bởi gốm Chu Đậu cũng là biểu tượng của nghệ thuật gốm mang tính thuần Việt, biểu trưng của nền văn minh đồng bằng châu thổ sông Hồng.
Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev bày tỏ ấn tượng với độ tinh xảo, sự độc đáo và giá trị truyền thống của gốm Chu Đậu. Sau khi cùng thử tạo hình một chiếc bình gốm, hai nhà lãnh đạo chúc mừng tỉnh Hải Dương cùng Công ty Cổ phần gốm Chu Đậu đã phục dựng thành công dòng sản phẩm gốm lịch sử truyền thống quý giá.
Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev chia sẻ, ông đã dành thời gian để tìm hiểu văn hóa Việt Nam và được biết những sản phẩm gốm này đã có từ hàng trăm năm trước, thể hiện những nét văn hóa đặc sắc, phản ánh đời sống sinh hoạt cũng như giá trị nhân văn của người Việt.
Gốm Chu Đậu thuộc dòng gốm cổ cao cấp của Việt Nam, là biểu tượng của “nền văn minh lúa nước” có từ thế kỷ XIII và được tôn vinh là “Sản phẩm mang biểu tượng hoàng gia” vào cuối thế kỷ XVII.
Hiện các tác phẩm gốm Chu Đậu đã được trân trọng bảo quản và trưng bày tại 46 viện bảo tàng nổi tiếng ở 32 quốc gia trên toàn thế giới. Mỗi tác phẩm gốm Chu Đậu đều chứa đựng nhiều ý nghĩa, có những nét đặc trưng riêng, thể hiện ở kiểu dáng, màu men tro trấu, các hoa văn họa tiết tinh xảo, giàu bản sắc văn hóa thuần Việt. Gốm Chu Đậu giữ vị trí quan trọng trong lịch sử thủ công mỹ nghệ của Việt Nam và là nghề truyền thống được truyền lại từ hàng trăm năm trước.