Chủ tịch Quốc hội ký chứng thực 4 Luật được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5
Theo đó, Luật Giá (sửa đổi) gồm 8 chương và 75 Điều (tăng 3 chương và 27 Điều so với Luật hiện hành), tập trung vào 9 nhóm chính sách: Quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, người tiêu dùng; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước về giá, thẩm định giá; quy định Danh mục, nguyên tắc xác định hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá; cơ chế xử lý tình huống hàng hóa, dịch vụ cần bình ổn nhưng chưa có trong danh mục để áp dụng trong các trường hợp cấp bách; quy định Danh mục, tiêu chí xác định hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá; thẩm quyền và trách nhiệm định giá; phương pháp định giá; Quy định rõ phạm vi hiệp thương giá; trường hợp hiệp thương thành công và hiệp thương không thành công; quy định thời điểm kê khai; nguyên tắc xác định hàng hóa, dịch vụ phải kê khai; quy định về hoạt động, nguyên tắc, báo cáo, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, kinh phí bảo đảm trong công tác tổng hợp, phân tích, dự báo giá thị trường và cơ sở dữ liệu về giá; cụ thể hóa các quy định về thẩm định viên về giá, doanh nghiệp định giá; quy định chi tiết trường hợp cần thẩm định giá Nhà nước; trách nhiệm, quyền hạn của hội đồng thẩm định giá, thành viên hội đồng thẩm định giá để tạo cơ sở pháp lý, tránh khoảng trống pháp lý trong thẩm định giá của Nhà nước.
Luật Hợp tác xã (sửa đổi) gồm 12 chương và 115 Điều (tăng 3 chương, 51 Điều so với Luật hiện hành), trong đó tập trung thể chế hóa nội dung 8 chính sách tại Nghị quyết số 20-NQ/TW; bổ sung quy định về đăng ký tổ hợp tác nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ hợp tác phát triển; các quy định liên quan đến cá nhân là nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài trong việc thành lập, trở thành thành viên của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; các quy định về tổ chức quản trị, tài sản, tài chính, kiểm toán của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; quy định về nhiệm vụ của tổ chức đại diện, trách nhiệm quản lý nhà nước của UBND các cấp đối với tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã…
Luật Phòng thủ dân sự gồm 7 chương và 71 Điều với 6 nhóm chính sách, gồm: Đánh giá mức độ rủi ro của thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh trong hoạt động phòng thủ dân sự; phân công trong quản lý nhà nước và phân cấp trong tổ chức hoạt động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; quy định các biện pháp bảo vệ người dân trước thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh và hỗ trợ người dân bị thiệt hại; đổi mới tổ chức của Ban Chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia; ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn (big data) trong phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; hoạt động phòng thủ dân sự trong tình trạng khẩn cấp.
Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Công an nhân dân gồm 2 Điều tập trung 3 chính sách: Tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân công an để bảo đảm thống nhất, đồng bộ với các quy định của Đảng, Nhà nước và yêu cầu thực tiễn; thăng cấp bậc hàm cấp tướng trước thời hạn đối với sĩ quan Công an nhân dân có thành tích đặc biệt xuất sắc đạt được trong chiến đấu và công tác; bổ sung, điều chỉnh một số chức vụ, chức danh của sĩ quan Công an nhân dân có cấp bậc hàm cao nhất.
Tại Nghị quyết về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức quán triệt, triển khai các Luật, Nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 5; đồng thời, đánh giá tình hình thực hiện Luật, Nghị quyết được Quốc hội thông qua từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến nay. Với 9 dự án Luật được trình Quốc hội cho ý kiến (bao gồm dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cho ý kiến lần thứ hai), Quốc hội yêu cầu Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan hữu quan phối hợp chặt chẽ, nghiên cứu tiếp thu tối đa ý kiến các đại biểu Quốc hội, hoàn thiện các dự thảo luật, bảo đảm chất lượng, tiến độ, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV.
Về điều hành kinh tế - xã hội, Quốc hội đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; biểu dương tinh thần nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân. Quốc hội yêu cầu Chính phủ phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp tục triển khai đồng bộ, kịp thời, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra; theo dõi sát diễn biến, dự báo tình hình trong nước và thế giới, có giải pháp chính sách nhanh nhạy, phù hợp, giải pháp điều hành sát thực tiễn, cụ thể, khả thi và tổ chức thực hiện quyết liệt, tập trung vào 10 vấn đề lớn, trong đó, nhấn mạnh yêu cầu bảo đảm ổn định, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng cường năng lực thích ứng, sức chống chịu của nền kinh tế trước tác động tiêu cực từ bên ngoài.