1. Trang chủ /
  2. Chủ tịch Quốc hội: Sửa Luật Kinh doanh bất động sản tránh tạo ra vướng mắc khác

Chủ tịch Quốc hội: Sửa Luật Kinh doanh bất động sản tránh tạo ra vướng mắc khác

thứ tư, 12/4/2023 15:28 GMT+07
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói giai đoạn này sửa Luật Kinh doanh bất động sản là cần thiết, nhưng rất khó, phải sâu sát để tránh trường hợp sửa xong rồi nhưng không tháo gỡ được vướng mắc mà lại tạo ra những vướng mắc khác.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Đ.X
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Đ.X

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: Đ.X

Sáng 12/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên chuyên đề pháp luật, cho ý kiến về nhiều nội dung quan trọng trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, dự kiến khai mạc vào tháng 5 tới.

Theo chương trình, tại phiên họp chuyên đề pháp luật này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến các dự án luật: Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Viễn thông (sửa đổi); Căn cước công dân (sửa đổi).

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề cập đến Dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Theo ông, thị trường bất động sản là một trong những thị trường cơ bản trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Ông đề nghị các cơ quan và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung cho ý kiến về phạm vi điều chỉnh; nghiên cứu kĩ lưỡng vấn đề tính thống nhất của hệ thống pháp luật bởi dự án luật này liên quan đến nhiều luật khác.

Cho hay, chuyên gia, doanh nghiệp có ý kiến rất gay gắt vì giữa một “rừng luật” không biết vận dụng thế nào, thực hiện luật này lại vướng luật kia, Chủ tịch Quốc hội nói giai đoạn này sửa Luật Kinh doanh bất động sản là cần thiết.

“Nhưng rất khó, đòi hỏi sâu sát để đáp ứng yêu cầu, tránh trường hợp sửa xong rồi nhưng không tháo gỡ được vướng mắc của thị trường mà lại tạo ra những vướng mắc khác”, ông Vương Đình Huệ lưu ý.

Hôm qua, Thường vụ Quốc hội quyết định đề nghị 4 chuyên đề, trong đó có chuyên đề về “thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội”, để Quốc hội định lựa chọn 2 chuyên đề giám sát tối cao trong năm 2024.

Chuyên đề nào Quốc hội không lựa chọn giám sát tối cao thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ giám sát. Như vậy, “việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội” chắc chắn sẽ được giám sát trong năm tới.

“Chúng ta cứ nói vướng mắc thì vương mắc ở đâu, vướng mắc thế nào. Động lực tăng trưởng phụ thuộc rất nhiều vào vấn đề này. Căn hộ chung cư đưa vào sử dụng liên quan đến hàng trăm, thậm chí hàng nghìn mặt hàng của nền kinh tế”, ông Vương Đình Huệ đề nghị, nghiên cứu kỹ dự luật này.

Tại phiên họp, trình bày báo cáo thẩm tra dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nói phạm vi điều chỉnh của 3 dự án: Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Đất đai (sửa đổi) là tương đối phù hợp.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, chi tiết, với từng nội dung cụ thể tại mỗi dự án luật, trường hợp thực hiện theo quy định của các luật khác thì không nhắc lại các quy định của các luật khác mà cần có dẫn chiếu rõ ràng, bảo đảm minh bạch trong quá trình thực hiện.

Dự án Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) vẫn chưa có hồ sơ để cho ý kiến

Khi phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội cũng lý giải lí do tại sao chương trình phiên họp diễn ra trong 2,5 ngày, trống 0,5 ngày làm việc.

Theo Vương Đình Huệ, Dự án Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) dù dự kiến trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến nhưng đến nay vẫn chưa có hồ sơ dự án luật.

Dù đã đôn đốc nhiều lần nhưng vẫn xảy ra tình trạng chậm gửi hồ sơ, tài liệu dự án luật - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Trước đó, tại phiên họp thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thứ 21 (tháng 3), Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, trình Quốc hội bổ sung Dự án Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) vào Chương trình Xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và thông qua tại kỳ họp thứ 6.

Theo tờ trình của Chính phủ, Luật Các tổ chức tín dụng có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2011 (được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2017) đã bộc lộ những hạn chế nhất định và chưa đảm bảo đồng bộ với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

Để bảo đảm an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, đổi mới hoạt động ngân hàng theo nội dung nhiệm vụ trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế theo định hướng, quan điểm, mục tiêu của Đảng, Quốc hội và Chính phủ; tạo hành lang pháp lý trong hoạt động xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được giao chủ trì xây dựng Luật Các Tổ chức tín dụng (sửa đổi). Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án luật này đã được Bộ Tư pháp thẩm định và được Chính phủ xem xét, thông qua tại phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 12/2022.