Chú trọng dạy nghề, nâng cao kỹ năng cho người khiếm thị Thủ đô
Là hội viên Hội người mù quận Thanh Xuân và đã tham gia nhiều lớp tập huấn, đào tạo nghề do Hội người mù quận tổ chức, anh Trương Quang Hải bày tỏ niềm vui mừng khi được tổ chức Hội quan tâm, tạo điều kiện để được học nghề, từ đó có thể phục vụ cho bản thân, gia đình và kiếm thêm thu nhập.
“Các lớp tập huấn, nhất là lớp tập huấn về nghề xoa bóp, đều do người khiếm thị có tay nghề trực tiếp giảng dạy nên chúng tôi luôn cảm thấy có sự gần gũi và thoải mái chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong khi thực hành. Nhờ đó, kỹ năng tay nghề của tôi không ngừng được nâng lên. Tôi cảm thấy những lớp tập huấn, nâng cao kỹ năng tay nghề do Hội tổ chức thực sự rất thiết thực và ý nghĩa”, anh Hải bày tỏ.
Hội viên Hội người mù quận Thanh Xuân tham gia lớp tập huấn, nâng cao kỹ năng tay nghề xoa bóp.
Anh Nguyễn Đình Chính - hội viên Hội người mù quận Thanh Xuân, là người đã tham gia nhiều lớp đào tạo, tập huấn kỹ năng nghề xoa bóp do Hội người mù quận tổ chức và từng được cử tham gia lớp đào tạo nghề do Hội người mù thành phố Hà Nội tổ chức. Qua các lớp tập huấn, đào tạo này, anh Chính đã học được nghề xoa bóp và hiện tại là chủ một cơ sở xoa bóp.
Theo lời anh Chính, năm 2017, anh bị ngộ độc rượu dẫn đến hỏng mắt. Tháng 7/2019, anh trở thành hội viên Hội người mù quận Thanh Xuân và được tham gia lớp đào tạo, tập huấn kỹ năng xoa bóp cũng như kỹ năng giao tiếp, cách ứng xử với khách hàng.
“Mới đầu khi tham gia lớp đào tạo, tập huấn, tôi cảm thấy rất bỡ ngỡ và không nghĩ mình sẽ làm được. Nhưng được sự động viên từ phía gia đình, lãnh đạo Hội người mù quận, đặc biệt là được sự hướng dẫn, chỉ dạy tận tình của các giáo viên và những người có nghề trong Hội, tôi đã học được nghề, sống bằng nghề và hiện tại tôi đã mở một cơ sở xoa bóp riêng”, anh Chính chia sẻ.
Trao đổi với phóng viên báo Lao động Thủ đô, Chủ tịch Hội người mù quận Thanh Xuân Nguyễn Tiến Thành cho biết, việc đào tạo, nâng cao kỹ năng cho hội viên luôn được Hội người mù quận quan tâm. Thời gian qua, Hội đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên quận Thanh Xuân, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp thuộc Hội người mù thành phố Hà Nội và các tổ chức, cá nhân triển khai nhiều lớp đào tạo, tập huấn cho hội viên như: Lớp nâng cao kiến thức về điện thoại thông minh; lớp học về xoa bóp, tẩm quất; lớp đào tạo tin học văn phòng; lớp học Tiếng anh…
Hội Người mù quận Thanh Xuân tổ chức Chung khảo cuộc thi tay nghề “Bàn tay vàng trong làng xoa bóp Thanh Xuân” lần thứ I.
Cạnh đó, Hội người mù quận cũng đã cử nhiều hội viên tham gia lớp tập huấn, đào tạo nghề do Hội người mù thành phố Hà Nội và Hội người mù Việt Nam tổ chức. Thông qua đó, giúp các hội viên có thể nâng cao kỹ năng, tay nghề và hoà nhập tốt hơn với cộng đồng, xã hội.
Ngoài ra, Hội người mù quận cũng chú trọng tổ chức các sân chơi để hội viên giao lưu, học hỏi. Tiêu biểu như vào năm 2022, Hội đã tổ chức thành công Chung khảo cuộc thi tay nghề “Bàn tay vàng trong làng xoa bóp Thanh Xuân” lần thứ I, qua đó, giúp các hội viên điều kiện để khẳng định kỹ năng, tay nghề và hoà nhập tốt hơn với cộng đồng, xã hội.
Ở cấp Thành phố, trao đổi với phóng viên báo Lao động Thủ đô, ông Nguyễn Trung Thái - Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp thuộc Hội người mù thành phố Hà Nội cho biết, bám sát sự chỉ đạo của Hội người mù Thành phố với phương châm dạy nghề, tạo việc làm và nâng cao kỹ năng cho người khiếm thị, hằng năm, Trung tâm đều xây dựng và triển khai tốt kế hoạch đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng cho người khiếm thị trên địa bàn Thành phố.
Riêng năm 2023, Trung tâm đã xây dựng kế hoạch đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng cho khoảng 200 người khiếm thị, trong đó, trọng tâm là các khoá đào tạo hướng nghiệp, khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên, các chủ cơ sở tẩm quất nhằm định hướng nghề, nâng cao kiến thức kinh doanh để học viên phát triển kinh tế.
Kết quả từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã và đang mở 2 lớp tẩm quất cơ bản và nâng cao; 1 lớp căng cơ kháng lực hỗ trợ nghề tẩm quất; 1 lớp bán hàng Online; đào tạo 10 giảng viên TOT hướng nghiệp; 1 lớp hướng nghiệp cho cán bộ các đơn vị và đang triển khai lớp tập huấn khởi sự doanh nghiệp.
Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp thuộc Hội người mù thành phố Hà Nội tổ chức lớp bán hàng Online cho người khiếm thị.
Ngoài ra, Trung tâm cũng đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo nghề cho hội viên thuộc Hội người mù các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thành phố. Trung tâm thường xuyên gửi thông báo tuyển sinh đến các đơn vị, trao đổi lựa chọn các học viên có đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia các khoá đào tạo. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng phối hợp cùng các đơn vị triển khai các dự án đào tạo nghề trực tiếp tại đơn vị, khảo sát nhu cầu học nghề, định hướng nghề cho hội viên.
“Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục triển khai các khoá đào tạo nghề theo đúng kế hoạch; phối hợp hỗ trợ các đơn vị triển khai tốt các dự án đào tạo tẩm quất cho người khiếm thị; xây dựng kế hoạch tổ chức hội thảo ứng dụng công nghệ thông tin trong dịch vụ tẩm quất và tìm hiểu, phát triển ngành nghề mới phù hợp với người khiếm thị…”, ông Nguyễn Trung Thái nhấn mạnh.
Theo báo cáo tổng kết 25 năm công tác phụ nữ và trẻ em của Hội người mù thành phố Hà Nội, trong những năm qua, rất nhiều lớp học nghề tại Thành hội và đơn vị đã được mở. Mỗi năm, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp thuộc Hội người mù Thành phố đều triển khai từ 3-5 lớp dạy tẩm quất cơ bản, tẩm quất nâng cao và dạy các nghề mới như bán hàng online, bồi dưỡng kiến thức khởi nghiệp… cho hội viên. Gần 1.000 hội viên nữ qua đào tạo đều đã có việc làm bằng các công việc: Xoa bóp tẩm quất, bán hàng online, làm nghề thủ công… mang lại thu nhập bình quân từ 500.000 đồng đến 5.000.000 đồng/người/tháng.