Chủ xe cần nộp khoản phí nào khi được miễn kiểm định lần đầu?
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã chính thức ban hành Thông tư số 02//2023/TT-BGTĐT sửa đổi, bổ sung Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT về kiểm định xe cơ giới.
Thông tư mới sửa đổi 7 điều và 5 phụ lục trên 18 điều và 19 phụ lục so với Thông tư cũ. Trong đó có 2 nội dung đáng chú ý là miễn kiểm định lần đầu đối với ô tô mới và điều chỉnh chu kỳ kiểm định đối với một số loại xe cơ giới.
Nhiều chủ xe quan tâm đến vấn đề khi miễn đăng kiểm lần đầu ô tô mới, chủ xe có cần nộp khoản phí nào để được cấp giấy chứng nhận đăng kiểm và tem kiểm định hay không?
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, với quy định miễn đăng kiểm ô tô mới, ngoài việc không phải đưa phương tiện đến kiểm tra, chủ xe hoặc người được ủy quyền cần mang các giấy tờ theo quy định và cung cấp bản cà số khung, số máy để trung tâm đăng kiểm dán vào hồ sơ phương tiện.
Sau khi lập hồ sơ phương tiện, chủ xe sẽ được cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường cùng tem kiểm định để tự dán theo hướng dẫn của nhân viên trung tâm đăng kiểm.
Với việc không cần đưa xe đến để kiểm tra, chủ phương tiện sẽ không mất giá dịch vụ kiểm định, hiện nay dao động từ 250 - 570 nghìn đồng/xe, tùy từng loại xe.
Tuy nhiên chủ xe vẫn cần nộp lệ phí cấp giấy chứng nhận kiểm định, 40 nghìn đồng đối với xe cơ giới, xe máy chuyên dùng, riêng xe ô tô dưới 10 chỗ ngồi (không bao gồm xe cứu thương) lệ phí này là 90.000 đồng/giấy.
Quy định mới sẽ giúp tiết kiệm chi phí cho người dân và doanh nghiệp là điều thấy rõ. Đồng thời giảm thời gian, công sức khi không cần đưa xe đến đơn vị đăng kiểm, chờ kiểm định rồi mới được cấp giấy chứng nhận và tem kiểm định.
Tính toán của Cục Đăng kiểm Việt Nam, miễn đăng kiểm lần đầu cho ô tô mới (khoảng 574.000 xe) trong năm 2023 sẽ tiết kiệm cho người dân gần 130 tỷ đồng.
Chuyên gia giao thông TS.Khương Kim Tạo cho rằng, với quy định miễn đăng kiểm lần đầu ôtô mới, trách nhiệm của người sử dụng (lái xe) và người quản lý phương tiện (chủ xe) phải được thể hiện rõ ràng và cao hơn so với trước đây.
Quá trình sử dụng, chủ xe, lái xe phải theo dõi phương tiện và đưa xe đi bảo dưỡng định kỳ thường xuyên.
Các đại lý bán xe cũng phải có trách nhiệm thông báo đến chủ xe thời hạn xe cần bảo dưỡng, thay dầu… định kỳ để các chủ xe lưu ý thời gian đưa xe đến thực hiện bảo dưỡng theo khuyến cáo từ nhà sản xuất. Qua đó bảo đảm xe đủ điều kiện tham gia giao thông.