1. Trang chủ /
  2. Chưa đưa ra cơ chế phát triển điện mái nhà ở khu công nghiệp, trường học không thể nói là cấm

Chưa đưa ra cơ chế phát triển điện mái nhà ở khu công nghiệp, trường học không thể nói là cấm

thứ bảy, 5/8/2023 20:46 GMT+07
Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết: Việc chưa đưa ra cơ chế phát triển điện mái nhà ở khu công nghiệp, bệnh viện, trường học không thể nói là cấm, mà chỉ là chưa ưu tiên phát triển ngay.
Chưa phát triển điện mặt trời mái nhà khu công nghiệp không thế nói là cấm. (Ảnh: ĐT) Chưa phát triển điện mặt trời mái nhà khu công nghiệp không thế nói là cấm. (Ảnh: ĐT)

Mới đây, Bộ Công Thương cho biết Bộ này đang xây dựng Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp tại Việt Nam.

Chưa phát triển điện mặt trời mái nhà khu công nghiệp: Tại sao?

Sau khi Bộ Công Thương công bố dự thảo, một số quan điểm cho rằng, việc Bộ Công Thương “chỉ” khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở doanh nghiệp là chưa thực sự hợp lý.

Thậm chí, một số bộ, ngành đã có quan điểm mở rộng đối tượng đang hoạt động dịch vụ và sản xuất, có mức tiêu thụ năng lượng lớn như trường học, bệnh viện, khách sạn, khu công nghiệp, nhà xưởng… 

Đơn cử, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị khu vực nông thôn có các hộ dân phát triển kinh tế hộ cá thể, trong đó có trang trại, như chăn nuôi gia súc, gia cầm; khu nuôi trồng thủy sản…; nhà kho lưu giữ thức ăn chăn nuôi, trang thiết bị… gắn liền với nhà ở. 

Bộ Quốc phòng đề nghị mở rộng phạm vi lắp đặt của hệ thống điện mặt trời mái nhà không chỉ lắp đặt trên mái nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp mà cho các công trình khác như trường học, bệnh viện, công trình tăng gia sản xuất. Ủy ban Dân tộc đề nghị cần nghiên cứu, bổ sung đối tượng áp dụng là các khu nghỉ dưỡng, khách sạn.

Liên quan tới vấn đề này, một cán bộ của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết: Việc chưa đưa ra cơ chế phát triển điện mái nhà ở khu công nghiệp, bệnh viện, trường học không thể nói là cấm, mà chỉ là chưa ưu tiên phát triển ngay, cần được xem xét, tính toán trên cơ sở phát triển các nguồn điện khác trong tổng cơ cấu nguồn điện.

Điều này nhằm khai thác nguồn điện năng lượng tái tạo phân tán và không phải đầu tư nâng cấp lưới điện phân phối và đặc biệt là đảm bảo cho hệ thống điện vận hành an toàn. Trừ những hệ thống ĐMT độc lập (mini grid), có trang bị lưu điện và không đấu nối với lưới điện quốc gia thì không bị giới hạn phát triển.

Trong tương lai, khi hệ thống điện phát triển thêm nhiều nguồn điện chạy nền và nhất là nguồn điện linh hoạt thì sẽ tạo điều kiện để tích hợp nhiều hơn nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời (bao gồm cả ĐMTMN là nguồn điện có tính chất bất định, phụ thuộc vào thời tiết).

Bên cạnh đó, mái nhà ở khu công nghiệp, bệnh viện, trường học… đều là những nơi có diện tích lớn, có thể lắp đặt từ gần 1 MW đến cả chục MW. Việc đầu tư quy mô lớn như vậy cần nhiều điều kiện về vốn, an toàn kỹ thuật, phòng chống cháy nổ, trạm biến áp, đường dây truyền tải nội bộ, quản lý, nhân sự vận hành; chất lượng điện, lưu trữ điện, các điều kiện kết nối xoay chiều giữa điện tự dùng và điện lưới quốc gia khi không có nắng vào buổi tối, trời mưa hoặc thay đổi thời tiết trong ngày. Đó là chưa kể các yếu tố môi trường, chất thải từ tấm quang điện…

Trên thực tế, các nguồn điện năng lượng tái tạo (mặt trời farm, điện gió) quy mô được đầu tư bài bản thành hệ thống hiện nay vẫn đang gặp khó khăn trong việc huy động vì sản lượng không lớn phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, độ ổn định, an toàn của hệ thống truyền tải, chất lượng điện.

Mặt khác, các nhà máy, các khu công nghiệp sản xuất công nghiệp, nhất là các doanh nghiệp công nghệ cao như điện tử… cần nguồn điện chất lượng ổn định, liên tục. Chắc chắn họ không thể dùng ĐMTMN để sản xuất (trừ các doanh nghiệp đầu tư hệ thống lưu trữ hiện đại – được biết hệ thống lưu trữ quy mô lớn chưa có).

Việc phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có ĐMTMN đã được nghiên cứu, đúc kết kinh nghiệm từ thực hiện Quy hoạch VII điều chỉnh và cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời, điện gió giai đoạn vừa qua. Sự phát triển nóng của ĐMTMN nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung đã để lại một số tồn tại, trong đó có việc lợi dụng chính sách để bán điện với giá cao, trong thời gian dài mà nhiều người đang đổ lỗi cho cơ quan quản lý.

Do đó, việc mở rộng đối tượng như trường học, bệnh viện, khu công nghiệp, khách sạn, hộ nông dân có trang trại, nhà kho gắn liền với nhà ở, bến xe, cảng biển... được hưởng chính sách hỗ trợ sẽ được nghiên cứu trong các quy định sau này.

“Có thể khẳng định, việc phát triển ĐMTMN nói riêng, điện mặt trời và năng lượng tái tạo nói chung tại Việt Nam đều được khuyến khích nhưng cần phải tuân thủ theo quy hoạch và tuỳ vào tình hình thực tế từng giai đoạn để đảm bảo an ninh năng lượng, đảm bảo các yếu tố môi trường, xã hội và quan trọng hơn là vì lợi ích chung của đất nước”, vị này cho hay.

Điện mặt trời mái nhà tại trường học, bệnh viện không tạo áp lực lên lưới điện

Trước câu hỏi các dự án ĐMTMN các công trình như trường học, bệnh viện, khu công nghiệp, khách sạn… không phát điện lên lưới, không gây áp lực lên hệ thống truyền tải. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng không mua lại thì tại sao lại cấm cản?

Đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho hay quan điểm này có cả sai và đúng.

Cụ thể, sai là Nhà nước không cấm nhưng cần phải kiểm soát để bảo đảm an ninh, an toàn của hệ thống điện quốc gia.

Do ĐMTMN nếu có liên kết với lưới điện quốc gia (đấu nối sau công tơ) thì sẽ gây áp lực lên hệ thống điện quốc gia vì khi ban ngày có nắng thì nguồn điện mặt trời được sản xuất ra sẽ cấp cho phụ tải.

Nhưng khi không có nắng thì lưới điện quốc gia vẫn phải bảo đảm cấp đủ điện cho nhu cầu sử dụng.

Tuy nhiên sự ảnh hưởng lớn nhất ở đây là hoạt động của ĐMTMN phụ thuộc vào thời tiết, nắng mây mưa thất thường, dẫn đến sự tăng giảm việc tiêu thụ điện cũng thất thường, sự thất thường này làm cho hệ thống điện khó điều độ, khó bảo đảm vận hành an toàn và có thể gây sự cố lưới điện.

Theo đánh giá của các chuyên gia và kinh nghiệm các nước phát triển, tỉ lệ công suất nguồn điện mặt trời chiếm khoản 15% đến 20% công suất nguồn của hệ thống điện thì công tác điều độ, vận hành lưới điện được an toàn. Trong khi đó, tỉ lệ này ở Việt Nam hiện đang khoảng 20%. Bên cạnh đó, tỉ lệ này cũng được Chính phủ đặt ra tại Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đến năm 2030 nguồn điện mặt trời chiếm khoảng 14%.

Ý đúng ở đây là ĐMTMN sẽ không gây áp lực lên hệ thống điện quốc gia nếu nguồn này độc lập, không có sự liên kết với lưới điện, nghĩa là phụ tại và nguồn phát điện độc lập với lưới điện, hoạt động không phụ thuộc vào sự có hay không có điện trên lưới điện quốc gia.

“Trong trường hợp này nhà nước không cấm và cũng không cần phải kiểm soát”, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo khẳng định.