1. Trang chủ /
  2. Chung sức triển khai dự án đường Vành đai 4

Chung sức triển khai dự án đường Vành đai 4

thứ hai, 3/4/2023 15:31 GMT+07
Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của Thủ đô và cả nước. Cũng bởi lẽ đó mà với tinh thần “làm sớm được ngày nào thì có lợi ngày đó, vừa đỡ lãng phí vừa mở ra cơ hội phát triển”, cả hệ thống chính trị Hà Nội cùng sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân các địa phương có tuyến đường đi qua hy vọng việc giải phóng mặt bằng sẽ nhanh để Lễ khởi công diễn ra đúng tiến độ vào tháng 6/2023.
Người dân huyện Hoài Đức nhận tiền đền bù. Người dân huyện Hoài Đức nhận tiền đền bù.

Nhân dân ủng hộ, đồng thuận

Căn nhà 2 tầng vừa xây dựng xong phần thô nhưng biết vào quy hoạch đường Vành đai 4, gia đình ông Hà Sĩ Hải (xã Hồng Vân, huyện Thường Tín) đã quyết định dừng thi công. “Gia đình cũng bàn, hay là tiếp tục làm để ở. Cũng có người gợi ý mua loại vật liệu rẻ tiền để tiếp tục thi công, chờ sau này đền bù có thêm tiền. Nhưng cuối cùng, tôi quyết định dừng lại. Chưa biết sau này sẽ đền bù được bao nhiêu. Cũng chưa ai yêu cầu gia đình phải dừng. Tuyến đường dài cả trăm km, không phải mỗi mình bị thu hồi đất. Nếu hoàn thiện ngôi nhà, sau này thu hồi cũng sẽ bị phá đi, tốn kém cho đất nước. Chỉ mong sau này gia đình tôi cũng như nhiều hộ bị thu hồi đất được bố trí tái định cư ở nơi rộng rãi, tương xứng với những gì đã góp sức cho thành công của dự án đường Vành đai 4”, ông Hải tâm sự.

Người dân huyện Hoài Đức nhận tiền đền bù.

Trong khi đó tại huyện Đan Phượng, thôn Bồng Lai của xã Hồng Hà nằm ngay dưới cầu Hồng Hà (theo quy hoạch) có 150 hộ dân có đất ở thuộc diện di dời để phục vụ Dự án đường Vành đai 4. Gia đình ông Nguyễn Văn Canh (80 tuổi) dù đã sinh sống 7 đời trên mảnh đất 814m2 tại ngách 9, cụm 1, thôn Bồng Lai, nhưng đã sẵn tinh thần về nơi ở mới để nhường đất cho dự án. “Không chỉ nhà tôi, bà con xung quanh cũng rất phấn khởi, đồng tình với chủ trương xây dựng đường Vành đai 4. Chỉ mong chính sách tái định cư, đền bù thỏa đáng để chúng tôi sớm ổn định cuộc sống”, ông Canh chia sẻ.

Tại huyện Hoài Đức, cách điểm mốc tim đường Vành đai 4 khu vực nút giao với Đại lộ Thăng Long vài trăm mét, gia đình ông Ngô Huy Tam cùng nhiều bà con ở thôn 6, xã Song Phương cũng rất khẩn trương đánh chuyển những gốc đào già, những cây ổi đương thì từ khu ruộng nằm trong diện giải phóng mặt bằng đi nơi khác để bàn giao đất cho Nhà nước. Ông Tam cho biết, ngoài phần đất nông nghiệp, anh em trong họ hàng cũng đã chủ động di dời ngôi mộ tổ từ trước Tết Nguyên đán Quý Mão, dù chưa nhận được tiền hỗ trợ ngay.

Đối với huyện Thanh Oai, một trong những địa phương có tuyến đường đi qua, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nguyễn Nguyên Hùng cho biết, ngoài những điểm chung, mỗi địa bàn đều có đặc thù, khó khăn, vướng mắc riêng. Sau khi thống nhất nội dung, mục đích, ý nghĩa, huyện Thanh Oai cử cán bộ hiểu chính sách để phổ biến cho người dân; đồng thời, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để kịp thời giải quyết.

“Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ trọng điểm, cả hệ thống chính trị vào cuộc với quyết tâm cao. Công tác tuyên truyền đi trước một bước, vận dụng nhiều hình thức đa dạng. Ví dụ như việc tuyên truyền di dời mộ, đã vận động các nhà chùa cùng vào cuộc, để xem ngày, giờ đẹp giúp đỡ nhân dân. Nhờ đó đã có những xã di dời được 100% mộ liên quan đến dự án, dù người dân chưa nhận được tiền đền bù”, ông Hùng chia sẻ.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Theo báo cáo của ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô tổ chức ngày 7/3, Hà Nội đã di chuyển 5.307/11.682 ngôi mộ (đạt 48,83%); đã phê duyệt và thu hồi đất được 276,08/796,766 ha (đạt 34,65%). Tổng số tiền đã phê duyệt trên địa bàn thành phố Hà Nội là 2.488,73 tỷ đồng. Tất cả các dự án xây dựng khu tái định cư phục vụ giải phóng mặt bằng tuyến đường Vành đai 4 cũng đều được phê duyệt tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 và phương án kiến trúc sơ bộ. Mục tiêu đặt ra từ nay đến ngày 30/6/2023, các địa phương phải bàn giao ít nhất 70% mặt bằng của Dự án.

Để làm được việc này, Hà Nội đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với phương châm không bàn lùi, chỉ bàn tiến. Đáng chú ý, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị số 16-CT/TU, ngày 13/9/2022, nêu rõ: “Phải thống nhất chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng, bảo đảm tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của người có đất bị thu hồi theo quy định và đặc thù của dự án”.

Từ ý chí, quyết tâm đến hành động quyết liệt. Trực tiếp Bí thư Thành ủy Hà Nội làm Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Dự án đường Vành đai 4 của 3 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên. Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội làm Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện Dự án trên địa bàn Hà Nội. Lãnh đạo thành phố Hà Nội cũng thường xuyên đi thị sát tại các địa phương để gặp gỡ, trao đổi, lắng nghe ý kiến của người dân thuộc diện có đất giải phóng mặt bằng... từ đó có giải pháp hữu hiệu thúc đẩy tiến độ triển khai thực hiện nhiệm vụ này.

Các ban Đảng Thành ủy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội cũng vào cuộc với khí thế chưa từng có. Ủy ban Kiểm tra Thành ủy tổ chức giao ban với các Bí thư cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra của 7 quận, huyện. Ban Tuyên giáo Thành ủy chỉ đạo đồng loạt tăng cường tuyên truyền về nhiệm vụ giải phóng mặt bằng Dự án đường Vành đai 4 nhằm xây dựng niềm tin, tinh thần đồng thuận vì sự phát triển chung. Ban Dân vận Thành ủy giao ban với các quận, huyện về vận động nhân dân, họp với Ban Dân vận Tỉnh ủy Bắc Ninh, Hưng Yên bàn công tác phối hợp thực hiện. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức giao ban, ban hành Thông tri “Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, Mặt trận Tổ quốc các cấp thành phố Hà Nội tích cực tham gia thực hiện hiệu quả Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Ở 7 quận, huyện, không khí ra quân triển khai công tác giải phóng mặt bằng cũng quyết liệt, khẩn trương nhưng cũng rất bài bản, khoa học, đảm bảo đúng quy định.

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô tổ chức ngày 7/3, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu, các cấp, các ngành tranh thủ tối đa sự đồng thuận, ủng hộ của người dân để thực hiện nhanh công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo đúng tiến độ bàn giao như dự kiến. Trong quá trình thực hiện, cần vận dụng chính sách để bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho người dân.

“Đối với dự án trọng điểm quốc gia như đường Vành đai 4 thì làm sớm được ngày nào thì có lợi ngày đó, vừa đỡ lãng phí vừa mở ra cơ hội phát triển. Công tác giải phóng mặt bằng dự án này cũng có ý nghĩa như vậy, làm sớm được ngày nào, thì người dân có điều kiện sớm ổn định cuộc sống ngày đó”. - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng