CHƯƠNG TRÌNH BÌNH CHỌN, TÔN VINH “GƯƠNG SÁNG PHÁP LUẬT”: Nhân tố đặc biệt ở địa phương có 19 xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
“Con ong chăm chỉ” ở đơn vị chỉ có 3 nhân sự
Đam mê đọc sách, đặc biệt là sách báo liên quan đến lĩnh vực pháp luật ngay từ khi còn là sinh viên Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội; niềm vui như nhân đôi khi cử nhân trẻ Bùi Thị Hạnh về nhận công tác tại Phòng Tư pháp huyện Nam Trực; càng đam mê hơn khi mà những kiến thức đã được đào tạo, rèn giũa trong trường đại học nay được áp dụng vào thực tế cuộc sống ngay trên mảnh đất quê hương.
Học luật và công tác trong lĩnh vực thi hành pháp luật tưởng chừng như khô khan, cứng nhắc; nhưng trái lại chị Hạnh rất sôi nổi, hài hước và chân thành. Hễ có ai nhờ, chị đều sẵn lòng trợ giúp những vấn đề liên quan đến giải đáp pháp luật, tư vấn cặn kẽ từng bước để mọi người hiểu. Làm công tác quản lý nhưng với chị không quản ngại những “công việc không tên” như một nhân viên văn phòng, từ tiếp dân đến dự những buổi họp bất thường, tham mưu, làm báo cáo trình lãnh đạo...
Dường như với chị, không có khái niệm hết việc, lý do khối lượng công việc thì nhiều nhưng cả phòng chỉ có 3 người, mà trong đó một người lại kiêm nhiệm, nên mọi thứ có thể chị đều sẵn sàng gánh vác. Chị cứ lặng lẽ hoàn thành hết việc này đến việc khác một cách thầm lặng.
Không nề hà, không ngại khó, ngại khổ, vị Trưởng phòng Tư pháp này rất sôi nổi trong mọi lĩnh vực, xuống tận địa bàn để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tới tận thôn, xóm. Chị cũng là một trong những lá cờ đầu trong đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, trợ giúp pháp lý và hòa giải ở cơ sở của huyện; tận tình tổ chức các lớp hướng dẫn cán bộ xã thực hiện các bước hòa giải trên địa bàn...
Những năm gần đây, công tác tuyên truyền, PBGDPL được Đảng bộ, các cấp chính quyền, phòng ban chuyên môn huyện Nam Trực đặc biệt quan tâm, chú trọng; từng bước nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Để kịp thời đưa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào cuộc sống, hàng năm, Phòng Tư pháp huyện và các cơ quan liên quan tham mưu UBND huyện chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương trong huyện chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền, PBGDPL có trọng tâm, trọng điểm; kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên pháp luật cấp huyện.
Nội dung tuyên truyền, PBGDPL tập trung vào các quy định pháp luật mới của Trung ương và địa phương, nhất là các quy định về đầu tư, kinh doanh, đất đai, xây dựng, môi trường, cải cách hành chính, khiếu nại, tố cáo… và các quy định liên quan trực tiếp tới quyền, nghĩa vụ của người dân, DN.
Tận tâm với công việc
Đặc biệt, việc triển khai các hoạt động PBGDPL đã bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, nhất là nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Các phòng, ban, xã, thị trấn đã triển khai nhiều hình thức PBGDPL, từ đó tạo điều kiện cho người dân dễ dàng tiếp cận các thông tin pháp luật.
Mặt khác, việc mở rộng đối tượng tuyên truyền, PBGDPL cũng thường xuyên được các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm và chú trọng thực hiện thông qua các Đề án như “Nâng cao chất lượng công tác PBGDPL trong nhà trường”; “Tuyên truyền, PBGDPL cho người lao động và người sử dụng lao động”; “Đề án tiếp tục tăng cường công tác PBGDPL về tiếp dân, khiếu nại, tố cáo ở xã, phường, thị trấn”; “Tiếp tục xây dựng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong cộng đồng dân cư”…
Kết quả, năm 2021 toàn huyện có 19 xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, duy nhất 01 đơn vị là thị trấn Nam Giang không xem xét đánh giá do có công chức vi phạm pháp luật, kỷ luật.
Điểm sáng trong hàng loạt những hoạt động tuyên truyền, PBGDPL, phải kể đến khi triển khai Quyết định số 25/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; Nghị quyết 118/2021/NĐ-CP ngày 23/12/2021 của Chính phủ, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Tiếp nhận văn bản mới, bản thân chị Hạnh nghiên cứu, tìm hiểu và đưa ra các bước triển khai cụ thể tới từng xã. Chị còn hướng dẫn cẩn thận, tỉ mỉ lập sẵn các biểu mẫu gửi tới các cán bộ tư pháp xã nhằm cụ thể hóa các thể chế, quy phạm pháp luật giúp cho các cán bộ tư pháp dễ dàng triển khai, ứng dụng vào thực tiễn cho từng vụ việc cụ thể.
Chị Hạnh còn được đánh giá cao khi kham mưu cho các lãnh đạo UBND huyện ban hành một loạt kế hoạch giúp thực hiện công tác quản lý thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn, vận dụng vào thực tiễn một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất. Đồng thời ban hành quy trình hướng dẫn xử phạt hành chính trên một số lĩnh vực theo các văn bản pháp luật mới có hiệu lực 2022. Chị còn thường xuyên trao đổi, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cấp xã liên quan đến công tác đăng ký, quản lý hộ tịch và chứng thực.
Còn có thể kể đến đóng góp của chị Hạnh khi đưa ra giải pháp xây dựng đội ngũ báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật để PBGDPL; tổ chức tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao năng lực, kiến thức pháp luật cho cán bộ tư pháp và đội ngũ báo cáo viên pháp luật, thành viên các tổ hoà giải ở cơ sở; từng bước nâng cao phẩm chất, năng lực đội ngũ cán bộ ngành đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
(Nguồn: Báo in Pháp luật Việt Nam số 239 ra ngày 27/8/2022)