Chuyện đám cưới Hà Nội xưa và nay
Tục lệ cưới đã được ghi trong Luật Hồng Đức
Theo nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến - một nhà sưu tập và đắm say với Hà Nội thì tục lệ cưới hỏi có từ xa xưa, nhưng đến đời Vua Lê Thánh Tông, nghi thức, nghi lễ chính thức được đưa vào Quốc triều Hình luật (còn gọi là Luật Hồng Đức), bộ luật đầu tiên của Việt Nam.
Xưa lễ cưới hỏi bao gồm: Lễ nghị hôn (là lễ chạm mặt hay nôm na là dạm hỏi), Lễ định thân (hỏi tên tuổi cô gái, đã kết hôn lần nào chưa), Lễ nạp trưng (dẫn đồ cưới) và Lễ thân nghinh (tức là lễ đón dâu). Nghi lễ là như vậy, nhưng tùy vào vùng miền, tùy theo gia cảnh, mối quan hệ mà các gia đình có thể tổ chức đám cưới to hay nhỏ. Dù là sống ở nội thành hay ngoại thành, giàu hay nghèo, lễ chạm ngõ ở Hà Nội xưa không thể thiếu được gói chè, chai rượu và quan trọng là cơi trầu vì “miếng trầu là đầu câu chuyện”.
Với người Hà Nội, lễ ăn hỏi nếu diễn ra vào mùa hồng chín (mùa Thu) thì không thể thiếu hồng đỏ. Với gia đình khá giả, lễ vật mang sang nhà gái ngoài cốm, hồng, còn có thêm lợn sữa quay.
Theo thời gian, đồ lễ ăn hỏi cũng có thay đổi, lễ vật là đặc sản của Hà Nội gồm: bánh cốm, mứt sen. Nhà giàu lễ to, nhà nghèo lễ nhỏ, nhưng không thể thiếu bánh phu thê, biểu tượng của đôi vợ chồng duyên phận vẹn toàn. Sau lễ ăn hỏi, tùy theo thỏa thuận giữa 2 gia đình sẽ ấn định ngày cưới. Lễ đón dâu có rất nhiều thủ tục, đi đầu đám rước là những người giàu hoặc có địa vị trong xã hội. Khi đón dâu còn có tục chăng dây ở đầu làng hoặc đầu phố, hai họ muốn đi qua phải đưa cho người chăng dây ít tiền (một dạng nộp cheo ở các vùng quê Bắc bộ). Tục chăng dây tồn tại đến tận đầu thế kỷ 20, sau đó mất hẳn.
Xưa hôn lễ thường diễn ra vào chiều muộn vì đó là khoảng thời gian dương qua, âm lại, âm dương giao hòa là thuận theo lẽ đất trời. Trong khi đón dâu, cô dâu, chú rể phải làm lễ gia tiên. Lễ này như một sự tưởng nhớ đến cội nguồn và trong lúc cô dâu, chú rể làm lễ thì hai họ ngồi uống nước chè, hút thuốc và đọc thơ ca ngợi người “nhà mình”.
Cỗ cưới, với nhà giàu, mâm cỗ bao giờ cũng phải đủ 4 bát, 6 đĩa. Theo quan niệm con số 10 tượng trưng cho đầy đặn và cũng là lời chúc hạnh phúc cho đôi vợ chồng mới. Sáu đĩa bao gồm: đĩa thịt gà úp lật quân cờ, đĩa thịt lợn quay xếp hình cánh hoa đều tăm tắp, đĩa giò lụa, đĩa chả quế, đĩa xôi gấc, đĩa nộm thập cẩm. Bốn góc mâm là 4 bát canh gồm: măng ninh chân giò, mọc thả nấm, chim bồ câu hầm hạt sen, mực nấu rối (gồm: su hào, cà rốt thái chỉ, trứng tráng thái chỉ, giò lụa thái chỉ, mực khô thái chỉ xào cháy cạnh). Nhà nào sang hơn thì có thêm hoa quả tráng miệng hay đĩa chè kho. Mỗi mâm đặt 1 chai rượu trắng và 5 chiếc chén hạt mít cho khách uống rượu.
Cuối thế kỷ 19, Pháp xâm chiếm Hà Nội, từ một đô thị theo kiểu truyền thống, Hà Nội chuyển sang đô thị hiện đại kiểu phương Tây nên nhiều quan niệm về văn hóa cũng thay đổi.
Đám cưới đầu tiên ở Hà Nội dùng thiếp mời và kèm theo gói chè nhỏ và hạt sen là đám cưới con trai thứ của nhà tư sản Bạch Thái Bưởi tổ chức tại Hotel de France (khách sạn Pháp quốc, nay là khu vực rạp Kim Đồng trên phố Hàng Bài) vào năm 1920. Đến năm 1930, lại chính ông Bạch Thái Bưởi lại tổ chức cưới theo kiểu Tây cho con trai tiếp theo du học ở Pháp về lấy con gái ông Cửu Nghi - một nhà tư sản ở phố Hàng Bồ. Chú rể không còn mặc áo lam, đeo thẻ ngà, đón dâu bằng xe song mã mà mặc comple, thắt cà vạt. Và lần đầu tiên ở Việt Nam, đám cưới này đón dâu bằng máy bay…
Năm 1930, nhà Quảng Tín (119 Hàng Bông) mua chiếc xe Citroen cho thuê ăn hỏi và đưa dâu trở thành nhà đầu tiên ở Hà Nội mở dịch vụ này. Tiếp đến là nhà Tự Vân ở phố Hàng Gai, nhà Hoa Tường ở phố Khâm Thiên mua xe Ford mui trần chở cô dâu, chú rể. Xe được trang trí hoa và kết dây băng lụa nổi bật trên phố. Họ hàng nhà trai đi đón dâu và nhà gái đi đưa dâu thì ngồi xe tay. Còn nhà bình dân thì đi bộ. Từ những năm 1920 - 1940, Hà Nội có tập tục mừng đám cưới bằng đôi câu đối. Câu đối thì thuê các nhà Nho viết rồi mang ra thêu tay. Nhưng thêu tay rất đắt nên người ta nghĩ ra cách cắt chữ bằng vải hoặc dạ màu rồi dán lên vải lụa đã trang trí, người có sáng kiến này là nhà Dịu Long ở phố Hàng Gà.
Nếu như trước đó chú rể đến đón dâu không cầm hoa trên tay thì thập niên 30 của thế kỷ 20 đã theo đám cưới Tây trao hoa cho cô dâu. Và từ đó có nghề kết hoa cưới ở làng Ngọc Hà và làng Hữu Tiệp. Theo ông Tiến, điều đặc biệt, hai người nổi tiếng về kết hoa đẹp lại không phải là đàn bà mà là các ông Lê Bá Phong và Tống Văn Ngữ.
Sau này, thời kỳ chiến tranh chống Mỹ người ta tổ chức cưới theo phong cách “đời sống mới”, khách đến chỉ uống nước chè, ăn kẹo bánh và liên hoan văn nghệ “cây nhà, lá vườn” là xong. Năm 1975, đất nước thống nhất, đám cưới Hà Nội lại quay lại như xưa dù thời tem phiếu vất vả…
Đám cưới nay, truyền thống và hiện đại
Ngày nay, đám cưới ở Hà Nội hiếm nhà nào tự nấu cỗ và ăn tại gia. Phần lớn là thuê khách sạn hay các phòng cưới chuyên nghiệp, nhưng tục lệ thì vẫn vậy. Đám cưới vẫn gồm các bước: dạm ngõ, an hỏi và lễ cưới như từ xa xưa…
Quan niệm về sự trọng đại, việc lớn của cá nhân, gia đình của một lễ cưới ngày nay vẫn giữ nguyên vẹn. Thế nhưng, việc dựng vợ, gả chồng không còn quá phụ thuộc vào cộng đồng. Nghĩa là đó là quyền quyết định của đôi trẻ, cho dù gia đình có “môn đăng, hộ đối” hay không. Việc này cũng cho phép cô dâu và chú rể được đặt tính cá nhân của mình vào một lễ cưới nhiều hơn.
Một số tục lễ cưới ngày xưa đã được lược bớt để phù hợp với đời sống hiện đại. Nhiều hủ tục đã bỏ như tảo hôn, đa thê, thách cưới để nhường chỗ cho cách thức tổ chức mời vừa mang tính dân tộc nhưng vẫn văn minh.
Lễ cưới được tổ chức tại nhà hàng hoặc khuôn viên của gia đình. Cô dâu và chú rể rót rượu sâm banh và cắt bánh cưới mời hai bên gia đình. Sau đó họ trao nhẫn cưới cho nhau. Sau ngày cưới, đôi tân hôn thường đem theo lễ vật về nhà gái làm lễ gia tiên và thăm lại bố mẹ, anh, chị, em cô dâu. Nhân dịp này nhà gái thường làm cơm để dâu, rể cùng ăn với gia đình.
Tục lệ này được duy trì với ý nghĩa nhắc nhở con cái về đạo hiếu, biết ơn sinh thành, dưỡng dục của bố mẹ, thắt chặt thêm mối quan hệ thông gia, ruột thịt từ ngày đầu của đôi vợ chồng, với sự nhân đôi tình cảm, khi con rể đã trở thành người nhà.
Và hàng ngàn năm đã qua đi, đám cưới hiện đại của người Việt Nam đã có nhiều cách tân song vẫn giữ được nét truyền thống. Biểu trưng trong đám cưới hiện đại vẫn là lá trầu, quả cau và màu đỏ vẫn là màu chủ đạo trong đám cưới hiện đại. Những nghi lễ gia tiên vẫn được lưu giữ, trầu cau, bánh phu thê, mâm ngũ quả,… vẫn là những vật phẩm, nghi thức chính của văn hóa truyền thống trong lễ cưới.
Dễ hiểu khi người nước ngoài luôn thích thú khi được tham gia một nghi thức cưới truyền thống của người Việt. Điều này thể hiện giá trị tinh thần của đám cưới truyền thống riêng biệt. Bởi thế, giữ một lễ cưới đúng nghĩa: vừa phù hợp với cuộc sống hiện đại, vừa giữ được những nét đẹp trong văn hóa truyền thống Việt Nam là một điều mà các tân lang, tân nương ngày nay vẫn tiếp tục gìn giữ…
Hà Nội với bề dày hơn 4.000 năm lịch sử, với truyền thống 1.022 năm Thăng Long - Hà Nội, những đám cưới xưa đã tạo nên truyền thống, văn hóa Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc, nhưng cùng với nền kinh tế đang chuyển đổi, chuyện cưới xin xa hoa, lãng phí, phô trương quá sức của một số gia đình cần phải tiếp tục chấn chỉnh. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng, phải cụ thể hóa Chỉ thị số 11 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội bằng văn bản quy phạm pháp luật để toàn dân thực thi. Khi đã có văn bản hướng dẫn thực hiện Chỉ thị thì phải phát huy vai trò nêu gương trong cán bộ, đảng viên về thực hiện nếp sống mới. Với phương châm văn minh hóa cưới xin, nên chăng đã đến lúc người Hà Nội phải tiên phong, gương mẫu triển khai hiệu quả việc cưới xin theo đời sống mới “văn minh, thanh lịch”.