Chuyến công tác Trung Quốc của Thủ tướng mang nhiều ý nghĩa thiết thực
Nhận lời mời của Chính phủ Trung Quốc, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính có chuyến công tác 2 ngày từ 16-17/9 tại thành phố Nam Ninh, thủ phủ Khu tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây để dự Lễ khai mạc Hội chợ và Hội nghị Thượng đỉnh Thương mại-Đầu tư Trung Quốc-ASEAN (CAEXPO, CABIS) 2023.
Nhân dịp này, phóng viên TTXVN tại Trung Quốc đã có cuộc phỏng vấn ông Đỗ Nam Trung, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh, về mục đích, ý nghĩa chuyến công tác cũng như tình hình kinh tế Việt-Trung trong thời gian qua.
Nói về mục đích và ý nghĩa chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Nam Ninh dự Lễ khai mạc Hội chợ và Hội nghị Thượng đỉnh Thương mại-Đầu tư Trung Quốc-ASEAN (CAEXPO) 2023, Tổng Lãnh sự Đỗ Nam Trung cho biết chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính diễn ra trong bối cảnh đặc biệt và có nhiều ý nghĩa thiết thực:
Thứ nhất, kỳ hội chợ lần này đánh dấu mốc đặc biệt quan trọng, đó là chặng đường 20 năm hình thành và phát triển của Hội chợ CAEXPO, CABIS, thể hiện mô hình hợp tác hiệu quả giữa ASEAN và Trung Quốc, đem lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân ASEAN-Trung Quốc.
Đây cũng là kỳ hội chợ đầu tiên được tổ chức trực tiếp sau đại dịch COVID-19. Sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam thể hiện sự đặc biệt coi trọng của Việt Nam đối với cơ chế hội chợ nói chung và dịp kỷ niệm 20 năm CAEXPO - CABIS nói riêng, góp phần tăng cường hợp tác thực chất giữa ASEAN và Trung Quốc.
Thứ hai, quan hệ hai nước đang phát triển rất tốt đẹp; năm 2023 còn là dịp hai nước Việt Nam-Trung Quốc long trọng kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện, khuôn khổ quan hệ cao nhất của Việt Nam với các nước đối tác trên thế giới.
Sau chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (cuối tháng 10 đầu tháng 11/2022) và chuyến thăm chính thức Trung Quốc và dự Hội nghị Thường niên Các Nhà Tiên phong lần thứ 14 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Thiên Tân của Thủ tướng Chính phủ (25-8/6), sự có mặt của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại hội chợ lần này do đó còn là để thực hiện nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước về việc tăng cường giao lưu, tiếp xúc cấp cao, qua đó thúc đẩy tin cậy chính trị vững chắc hơn, hợp tác thực chất và hiệu quả hơn; tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ Đối tác Hợp tác Chiến lược Toàn diện giữa hai nước.
Thứ ba, kỳ hội chợ CAEXPO lần thứ 20 diễn ra trong bối cảnh ASEAN và Trung Quốc tiếp tục nâng cấp quan hệ hợp tác, đánh dấu kỷ niệm 20 năm quan hệ đối tác chiến lược giữa Trung Quốc và ASEAN.
Việc Thủ tướng Chính phủ dự CAEXPO thể hiện sự chủ động, tích cực của Việt Nam trong việc duy trì và tăng cường hợp tác khu vực, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế thế giới đang có những biến động bất lợi hiện nay.
Thứ tư, chuyến công tác cũng thể hiện sự coi trọng hợp tác địa phương giữa hai nước nói chung và các địa phương Việt Nam với Quảng Tây.
Lãnh đạo Cấp cao hai nước đã đạt nhận thức chung về việc khuyến khích các địa phương hai nước, đặc biệt là các tỉnh (khu) giáp biên giao lưu hữu nghị và hợp tác cùng có lợi.
Được định vị là cửa ngõ hướng ra ASEAN, nhất là Việt Nam trong hợp tác trên các lĩnh vực, đặc biệt là thương mại, Quảng Tây có vai trò quan trọng trong hợp tác giữa hai nước, có những đóng góp thiết thực thúc đẩy phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt-Trung.
Về tình hình kinh tế và thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc trong thời gian qua, Tổng Lãnh sự Đỗ Nam Trung cho biết về thương mại, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu Việt Nam-Trung Quốc đạt 175,56 tỷ USD (tăng 5,47%), trong đó xuất khẩu của Việt Nam đạt 57,7 tỷ USD (tăng 3,18%), nhập khẩu đạt 117,86 tỷ USD (tăng 6,63%), nhập siêu 60,17 tỷ USD (tăng 10,18%).
Theo số liệu của Trung Quốc, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 2022 đạt 234,9 tỷ USD, tăng 2,1% so với năm 2021. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 87,9 tỷ USD, giảm 4,7%; nhập khẩu từ Trung Quốc đạt 146,9 tỷ USD, tăng 6,8%. Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc 59 tỷ USD. Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc tính theo quốc gia đơn lẻ (sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc).
Trong 7 tháng năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 89,1 tỷ USD, giảm 12,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đi Trung Quốc đạt 30,8 tỷ USD, giảm 2,4% so với cùng kỳ năm 2022; xuất khẩu của Việt Nam đi Trung Quốc chiếm 15,8% trong tổng xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới. Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc đạt 58,3 tỷ USD, giảm 18,9% so với cùng kỳ năm 2022; nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc chiếm 32,7% trong tổng nhập khẩu của Việt Nam từ thế giới. Nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc có giá trị 27,4 tỷ USD, giảm 34,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Về đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2023, đầu tư của Trung Quốc đạt gần 1,3 tỷ USD với 233 dự án, là nhà đầu tư FDI lớn thứ 3 tại Việt Nam (sau Singapore, Nhật Bản). Luỹ kế đến 20/6/2023, Trung Quốc duy trì vị trí thứ 6/143 quốc gia/vùng lãnh thổ đầu tư FDI vào Việt Nam với 3.791 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt hơn 25 tỷ USD.
Về du lịch, Trung Quốc nhiều năm dẫn đầu về lượng du khách đến Việt Nam (năm 2019 đạt hơn 5,8 triệu lượt người, chiếm 1/3 tổng khách quốc tế đến Việt Nam).
Từ tháng 2/2020, do dịch COVID-19 bùng phát, hợp tác du lịch giữa hai nước tạm thời bị gián đoạn.
Từ ngày 15/3/2023, Trung Quốc chính thức khôi phục cho phép các đoàn khách du lịch đến một số nước, trong đó có Việt Nam, mở lại một số tuyến bay thương mại giữa các địa phương hai nước (Hà Nội-Bắc Kinh) và điều chỉnh chính sách thị thực, xuất nhập cảnh, kiểm dịch y tế.
Trong tháng 8/2023, Việt Nam đã đón hơn 212.000 lượt khách Trung Quốc, tăng 117% so với tháng 7/2023, đưa tổng số khách Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm lên gần 950.000 lượt khách.
Riêng với Quảng Tây, năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu của Quảng Tây với Việt Nam đạt 199 tỷ nhân dân tệ (khoảng 30,6 tỷ USD).
Theo thống kê của Hải quan Nam Ninh, 7 tháng năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Quảng Tây với Việt Nam đạt 138,3 tỷ nhân dân tệ (khoảng 18,9 tỷ USD), tăng 78,7% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, Quảng Tây xuất khẩu 100,68 tỷ nhân dân tệ (khoảng 14,4 tỷ USD), tăng 68,3%; nhập khẩu từ Việt Nam 37,61 tỷ nhân dân tệ (khoảng 5,4 tỷ USD), tăng 114,1%.
Nói về triển vọng triển vọng và cơ hội đối với các doanh nghiệp Việt Nam thông qua CAEXPO 2023, Tổng Lãnh sự Đỗ Nam Trung cho biết sau 3 năm tổ chức theo hình thức trực tuyến do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 cũng như các biện pháp phòng chống dịch của Chính phủ Trung Quốc và các nước ASEAN, CAEXPO 2023 dự kiến sẽ được tổ chức với quy mô 122.000 m2 (bao gồm 2.800 gian hàng trong nhà và 10.000m2 ngoài trời) gồm 6 khu vực chính: Khu vực triển lãm sản phẩm của các nước ASEAN và Trung Quốc; Khu vực triển lãm thành phố tiêu biểu của các nước ASEAN và Trung Quốc; Khu vực triển lãm Hợp tác đầu tư; Khu vực triển lãm Hợp tác nông nghiệp; Khu vực triển lãm công nghệ mới; Khu vực triển lãm Dịch vụ thương mại.
Tại kỳ hội chợ lần này, Ban Tổ chức CAEXPO đang triển khai nhiều nội dung nhằm nâng cấp phiên bản hội chợ toàn diện hơn.
Ngoài việc trưng bày hàng hóa, tại kỳ hội chợ năm nay còn diễn ra hơn 100 sự kiện xúc tiến đầu tư thương mại, hội nghị hội thảo của 10 nước thành viên ASEAN và các nước khác.
CAEXPO 2023 sẽ hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt nhiều cơ hội đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy hợp tác kinh tế-thương mại giữa hai nước, cũng như Trung Quốc và ASEAN và các đối tác ngoài khu vực.
Trong gần 20 năm qua, CAEXPO đã trở thành một nền tảng hợp tác kinh tế, thương mại đa phương lớn của ASEAN và Trung Quốc, quy tụ đông đảo các nhà kinh doanh và đầu tư Trung Quốc và các nước ASEAN, tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam trực tiếp tìm hiểu xu thế thị trường, giao lưu, trao đổi, xúc tiến kinh doanh và thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực với doanh nghiệp Trung Quốc và các nước ASEAN.
Trung bình mỗi kỳ hội chợ, các doanh nghiệp của Việt Nam có cơ hội tiếp cận tới khoảng 50.000 thương nhân Trung Quốc và các nước ASEAN.
Những số liệu thống kê của cả phía Trung Quốc và Việt Nam đã cho thấy từ chỗ chỉ đạt vài chục triệu USD trị giá các hợp đồng, thỏa thuận giao địch trong những năm đầu tiên tham gia CAEXPO, những năm gần đây, tổng giá trị giao dịch thương mại và đầu tư của các doanh nghiệp Việt Nam tại hội chợ đã lên tới trên dưới 50 triệu USD.
Khu gian hàng doanh nghiệp của Việt Nam năm nay dự kiến trưng bày trên tổng diện tích 3.500 m2 với các chủng loại hàng hóa, dịch vụ chất lượng, đáp ứng tốt nhu cầu, thị hiếu của thị trường Trung Quốc và các đối tác ASEAN.
Việt Nam luôn là một đối tác tích cực ở các kỳ hội chợ CAEXPO trước đây, có đóng góp rất quan trọng để các kỳ hội chợ CAEXPO được tổ chức thành công.
Mặc dù vừa trải qua thời gian chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nhưng Việt Nam cũng là một trong những quốc gia thông báo đăng ký tham dự CAEXPO 2023 sớm nhất.
Với vai trò là cửa ngõ Khu vực Thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc, cầu nối giữa Cộng đồng kinh tế ASEAN và Trung Quốc, đối với Việt Nam, Hội chợ CAEXPO là sự kiện xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch quan trọng giúp tăng cường liên kết với các nước trong khu vực, khai thác tối đa lợi ích do Khu vực Thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc đem lại, đồng thời tăng cường xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam sang Trung Quốc và các nước ASEAN.
CAEXPO luôn là “sân chơi” được các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm, thể hiện qua việc Việt Nam tham gia tích cực và đầy đủ các hoạt động trong khuôn khổ của Hội chợ nhiều năm liên tiếp, là quốc gia có số lượng doanh nghiệp tham gia và số gian trưng bày hàng hoá đông đảo nhất trong khối ASEAN.
Có thể khẳng định sự phát triển hợp tác thương mại giữa hai nước được sự tạo điều kiện thuận lợi từ chính phủ hai nước và sự tham gia tích cực của doanh nghiệp hai bên, cũng như sự hỗ trợ hiệu quả từ nền tảng Hội chợ CAEXPO./.