Chuyển dịch năng lượng bền vững thực hiện cam kết tại COP26: “Gặp khó” khi đánh giá tác động môi trường biển
Tiềm ẩn nhiều rủi ro với biển
Với vị trí địa lý và điều kiện khí hậu thuận lợi, có bờ biển dài, trong những năm qua, đã và đang có nhiều dự án điện từ các nguồn năng lượng mới được xây dựng và vận hành tại các vùng biển gần bờ và xa bờ. Chỉ nói riêng các dự án điện gió, công suất dự kiến đã lên tới hàng trăm GW, chưa nói tới các dự án điện mặt trời trên biển và ven biển, kho cảng và nhà máy điện khí tự nhiên hoá lỏng (LNG), dự án nhà máy điện sóng, .
TS. Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm bảo tồn thiên nhiên và phát triển (CCD) cho hay: “Các dự án ven biển như dự án điện gió, kho cảng và nhà máy điện LNG có thể gây ra các thay đổi lớn với hệ sinh thái trên bờ và ven biển, tác động tới các loài như cỏ biển, san hô, cá, thủy sinh… bởi nhiều nguyên nhân như nước thải, chất thải rắn, ô nhiễm không khí. Đặc biệt những hoạt động của con người và vận hành máy móc cũng khiến nhiệt độ khu vực dưới nước và vùng quanh các nhà máy tăng lên cũng có thể làm thay đổi các hệ sinh thái tự nhiên, khiến nhiều loài bị biến mất hoặc phải di chuyển di nơi khác. Riêng các dự án điện gió còn ảnh hưởng tới các nhóm động vật bay như chim, dơi. Tuy nhiên đến nay, vẫn chưa có nghiên cứu nào đánh giá toàn diện, kỹ lưỡng tác động môi trường của những dự án này, đặc biệt đối với môi trường biển”.
Hậu quả có thể chưa thể thấy ngay nhưng về lâu dài, việc thiếu vắng các khảo sát, nghiên cứu sâu về tác động môi trường của các dự án ven biển, trên biển đều tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với cộng đồng dân cư và hệ sinh thái ven biển. Bà Ngô Thị Tố Nhiên, Giám đốc điều hành Sáng kiến về Chuyển dịch năng lượng Việt Nam (VIETSE) khẳng định tác động tới môi trường và cộng đồng sẽ không chỉ gói gọn trong một giai đoạn mà kéo dài suốt vòng đời dự án.
Lấy ví dụ với việc phát triển các dự án điện khí LNG ven biển, bà Nhiên cho biết, một dự án điện khí sẽ gồm 5 giai đoạn là Xác định dự án – Phát triển dự án – Xây lắp – Vận hành, bảo dưỡng – Tháo dỡ. Ở giai đoạn phát triển dự án thì ảnh hưởng chủ yếu sẽ là môi trường nước, môi trường đất và trầm tích đáy biển, với những tác động chính như: Tăng độ đục do khảo sát, xây dựng, đổ thải nạo vét cảng, luồng tàu; Xả cả nước lạnh lẫn nước chứa clo ra môi trường biển, hút nước biển liên tục; Ô nhiễm dầu, mỡ do tràn và rò rỉ dầu, mỡ; Ô nhiễm chất thải hữu cơ từ người lao động, dịch vụ; Ô nhiễm hoá chất: kim loại nặng, chất thải nguy hại... Hoặc ở các giai đoạn sau môi trường biển có thể chịu các ảnh hưởng như ô nhiễm khí thải và ô nhiễm tiếng ồn, du nhập các loài xâm lấn (có thể có).
Đặc biệt trong quá trình vận hành cơ sở LNG có khả năng tăng tỉ lệ tử vong cho sinh vật biển do liên quan đến vấn đề hút nước liên tục; xả cả nước lạnh lẫn nước chứa Clo ra môi trường biển; suy giảm chất lượng không khí; du nhập các loài xâm lấn, kể cả những loại trong nước dằn tàu, môi trường sống của sinh vật tầng đấy bị xáo trộn trong việc lắp đặt hệ thống neo đậu và đường ống truyền tải khí và ô nhiễm ánh sáng. Giai đoạn tháo dỡ có thể ảnh hưởng tới cộng đồng dân cư ven biển và người lao động ở các khía cạnh như: Thay đổi thu nhập khi chuyển dịch đánh bắt/ nuôi trồng thủy hải sản; Thay đổi cơ cấu lao động khi gia tăng nhu cầu lao động kỹ thuật vận hành bảo dưỡng điện khí; Văn hoá cộng đồng ven biển do thay đổi nghề nghiệp, nguồn thu nhập và nhập cư.
Ít số liệu, nhiều khó khăn
Để đánh giá các tác động của dự án năng lượng ven biển cần phải tiến hành những đánh giá nghiêm ngặt cả về lợi ích văn hóa, an sinh xã hội, môi trường lẫn kinh tế. Tuy nhiên, trên thực tế, mối quan tâm nghiên cứu về vấn đề này còn mới và ít số liệu tham khảo nên các chuyên gia, nhà nghiên cứu phải đối mặt với nhiều khó khăn.
TS. Nguyễn Mạnh Hà chỉ ra, theo quy định pháp luật hiện hành, các dự án điện năng lượng mới này đều phải thực hiện Đánh giá tác động môi trường (ĐTM) nhưng việc đánh giá theo ĐTM chủ yếu mang tính hình thức, sơ sài và không phản ánh đúng bản chất của các tác động. Ví dụ, việc san lấp, hay thay đổi hiện trạng mặt đất mặt biển cần phải có đánh giá một cách đầy đủ bởi có thể các khu vực đó là nơi làm tổ của các loài động vật. Hơn thế, việc điều tra về môi trường, đa dạng sinh học cũng cần thực hiện thành nhiều đợt, theo mùa chứ không đơn giản chỉ làm một lần là xong. Do đó, ông Hà chỉ ra, phần lớn các ĐTM của các dự án năng lượng mới vẫn chưa phản ánh chính xác các tác động tiềm ẩn. Nhưng do chưa có quy định pháp luật ràng buộc nhà đầu tư phải đánh giá cụ thể và đưa ra các biện pháp giảm thiểu tác động phù hợp nên hầu hết những vấn đề nêu trên đều bị bỏ qua.
Đồng tình, bà Ngô Thị Tố Nhiên cũng chỉ ra, trong những khó khăn để đánh giá đúng tác động của các dự án điện khí, năng lượng tái tạo với môi trường biển, khó khăn đầu tiên là “Việt Nam hiện chưa có quy định rõ ràng và cụ thể”. Chính vì thế, các nhà khoa học, chuyên gia thiếu một nguồn tham chiếu quan trọng. Ngay cả các nhà đầu tư, dù muốn thực hiện nghiên cứu trước khi bắt đầu dự án, cũng không khỏi lúng túng. Bên cạnh đó, việc sử dụng dữ liệu làm cơ sở đánh giá vẫn là lĩnh vực tương đối mới, nên chưa hình thành được bộ dữ liệu hiện trạng kỹ thuật ở khu vực ven biển để có thể sử dụng làm cơ sở đánh giá tác động môi trường (dự kiến & thực tế) của các dự án nêu trên.
Cuối cùng là khó khăn về nguồn nhân lực, bà Nhiên nhận định: “Sẽ không thể có được những nghiên cứu tốt nếu thiếu chuyên gia mà nước ta hiện nay chưa có nhiều chuyên gia nghiên cứu sâu về vấn đề này. Tất nhiên chúng ta có thể có giải pháp khác như mời chuyên gia nước ngoài nhưng không phải lúc nào biện pháp này cũng khả thi”.
Ngày 14/7, tại Phiên họp lần thứ 3 của Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu rõ, đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 là mục tiêu phát triển tất yếu của thế giới, thực hiện chủ yếu thông qua chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ, phát triển phát thải thấp. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, Việt Nam có cơ hội xây dựng nền công nghiệp chuyển đổi năng lượng, thích ứng biến đổi khí hậu.