Chuyên gia AI Viettel giành giải Nhất với giải pháp phát hiện ung thư tuyến vú
Giải pháp AI do Nguyễn Hồng Đăng phát triển có thể tự động nhận diện các dấu hiệu bệnh ung thư tuyến vú từ một vùng rất nhỏ trong nhũ ảnh. Giải pháp này có thể tích hợp vào hệ thống hỗ trợ phân tích (Computer-aided diagnosis - CADx systems) nhằm cải thiện tính chính xác trong việc chẩn đoán và khám chữa bệnh.
Theo đánh giá của Ban giám khảo, giải pháp của Nguyễn Hồng Đăng đã giải quyết được tình trạng mất cân bằng dữ liệu trong huấn luyện mô hình AI. Trong tệp dữ liệu mà cuộc thi đưa ra, tỷ lệ mẫu ung thư ác tính được gán nhãn chỉ chiếm khoảng 2% tổng số lượng mẫu, trong khi số lượng mẫu còn lại được gán nhãn lành tính hoặc bình thường chiếm 98%. Tình trạng mất cân bằng dữ liệu này có thể khiến cho trí tuệ nhân tạo dự đoán sai.
Ông Nguyễn Mạnh Quý - Giám đốc Viettel Cyberspace chia sẻ: “Chúng tôi đang hoàn thiện giải pháp thành một dịch vụ trên nền tảng Viettel AI Platform. Các bệnh viện, tổ chức y tế, cá nhân hoàn toàn có thể tiếp cận và sử dụng vào công việc. Giải pháp này sẽ tối ưu được thời gian và chi phí so với việc tự nghiên cứu mô hình AI”.
Để có thể chiến thắng tại cuộc thi, Nguyễn Hồng Đăng đã có sự hỗ trợ lớn từ Viettel Cyberspace khi kế thừa các tri thức nghiên cứu AI của Trung tâm và được sử dụng hạ tầng siêu máy tính nằm trong top 500 máy tính mạnh nhất thế giới, có hiệu năng tính toán đạt 20 Petaflops (20 triệu tỷ phép tính/giây) để tìm ra giải pháp, tối ưu thuật toán.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất trên toàn cầu. Sàng lọc ung thư vú đã được chứng minh giảm tỷ lệ tử vong do ung thư lên đến 40%, trong đó công cụ trí tuệ nhân tạo có tiềm năng làm cho quá trình sàng lọc trở nên có giá trị và hiệu quả hơn.
Nền tảng Viettel AI Platform:
Trung tâm Không gian mạng Viettel (Viettel Cyberspace) phát triển cung cấp các dịch vụ AI trên nền tảng điện toán đám mây (Cloud) cho tất cả các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực như Xử lý tiếng nói và ngôn ngữ tự nhiên hay Thị giác máy tính. Người dùng có thể trực tiếp sử dụng dịch vụ trên website viettelai.vn hoặc tích hợp vào hệ thống, ứng dụng hiện có của doanh nghiệp, tổ chức. Các dịch vụ AI mới sẽ liên tục được hoàn thiện và tích hợp trên nền tảng, tăng mức độ tiếp cận của công chúng đối với các giải pháp ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất thế giới.
Viettel Cyberspace đã nhiều lần chiến thắng và lọt top tại các cuộc thi về công nghệ AI quốc tế và trong nước như AI City Challenge, Kaggle, Evolutionary Multitask Optimization, VLSP… Đội ngũ nhân sự tại đây luôn được nâng cao kiến thức và kỹ năng thông qua thực tế công việc phát triển các sản phẩm trong hệ sinh thái Viettel AI, được hướng dẫn bởi các chuyên gia đầu ngành về AI và trực tiếp thử nghiệm, huấn luyện trên một trong những hệ thống hạ tầng siêu máy tính mạnh nhất tại Việt Nam. Thời gian tới, trung tâm được định hướng trở thành đơn vị dẫn đầu về nghiên cứu phát triển công nghệ AI, sở hữu đội ngũ nhân sự nghiên cứu phát triển có trình độ hàng đầu về AI tại Việt Nam cùng hệ thống siêu máy tính huấn luyện máy học với năng lực tính toán lên đến 20 triệu tỷ phép tính/giây.
Về Kaggle và Cuộc thi:
Kaggle, một công ty con thuộc Google LLC, là một trong những cộng đồng chuyên gia AI và khoa học dữ liệu lớn nhất thế giới. Không chỉ là nơi chia sẻ tri thức, Kaggle còn là nền tảng kết nối các doanh nghiệp, tổ chức và các nhà khoa học nhằm tìm kiếm, phát triển các giải pháp ứng dụng AI để giải quyết những bài toán thực tiễn trong cuộc sống. Được thành lập năm 2010, Kaggle hiện thu hút hàng triệu thành viên từ khắp nơi trên thế giới.
Bộ dữ liệu được sử dụng trong cuộc thi đã được các chương trình sàng lọc chụp X quang vú tại Úc và Hoa Kỳ đóng góp, được gán nhãn chi tiết với đánh giá của các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh và kết quả bệnh lý theo dõi cho các khối u nghi ngờ. Bộ dữ liệu sẽ tiếp tục được sử dụng trong các nghiên cứu tiếp theo.
Tiến sĩ Y khoa Linda Moy - Trường Y khoa NYU Grossman ở New York cho biết: “Mặc dù thiếu hụt bác sĩ chẩn đoán hình ảnh ung thư vú trên toàn thế giới nhưng giới y tế lĩnh vực này vẫn còn nhiều lo ngại về tính hiệu quả của các hệ thống ứng dụng trí tuệ nhân tạo đối với nhóm bệnh nhân của họ. Bộ dữ liệu đa dạng và đã được xử lý này có thể được sử dụng để đánh giá khả năng tổng quát hóa trên các nhóm bệnh nhân khác nhau. Cuộc thi do RSNA tổ chức sẽ thúc đẩy sự hợp tác để cải thiện độ chính xác trong chẩn đoán ảnh chụp tuyến vú và cứu sống bệnh nhân”.
Cuộc thi đã được tổ chức trên nền tảng Kaggle, thu hút gần 1.700 đội tham gia từ khắp nơi trên thế giới. Cuộc thi bắt đầu vào ngày 28 tháng 11 năm 2022 và kéo dài đến tháng 2 năm 2023. Các giải pháp giành giải thưởng sau đó đã được xem xét bởi một nhóm các chuyên gia AI tình nguyện để xác nhận kết quả. Tám đội nộp các thuật toán đạt điểm cao nhất nhận được tổng số tiền thưởng 50.000 USD.
Kỹ sư của Viettel giành giải nhất với giá trị giải thưởng là 10.000 USD.