Chuyên gia đề xuất giải pháp khắc phục thiếu điện nghiêm trọng hiện nay
Không được phép để xảy ra thiếu điện
Chiều 7/6, Bộ Công Thương họp thông tin về tình hình cung ứng điện, trong bối cảnh nhiều địa phương tại miền Bắc, trong đó có Hà Nội, bị mất điện những ngày qua. Ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), cho biết công suất khả dụng của tất cả nguồn ở miền Bắc (gồm điện nhập khẩu) là 17.500-17.900 MW, tức khoảng 59,2% công suất lắp đặt. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng khoảng 20.000 MW và có thể lên tới 23.500-24.000 MW vào thời điểm nắng nóng. Như vậy, ước tính, mỗi ngày thiếu 30,9 triệu kWh và ngày cao nhất có thể tới 50,8 triệu kWh.
Trước khó khăn cung ứng điện, EVN đã phải cắt điện ở miền Bắc. Chẳng hạn, ngày 5/6, công suất tiêu thụ bị giảm 3.609 MW lúc 16h30, trong đó khu vực công nghiệp lớn giảm khoảng 1.423 MW, khu sinh hoạt là 1.264 MW.
Ngày 8/6, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo. Việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả là giải pháp cấp bách để ổn định an ninh năng lượng. Các hộ gia đình được khuyến khích dùng thiết bị điện có dán nhãn năng lượng; tắt thiết bị điện khi ra khỏi phòng; cắt hẳn nguồn điện nếu không dùng. Người dân nên ưu tiên mua sắm thiết bị điện hiệu suất cao hoặc dán nhãn năng lượng đạt mức hiệu suất cao; hạn chế dùng bóng đèn sợi đốt.
Mỗi hộ gia đình được khuyến khích lắp đặt và sử dụng hệ thống điện mặt trời trên mái nhà để phục vụ nhu cầu tại chỗ; dùng bình đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời. Mỗi năm toàn quốc phấn đấu tiết kiệm 2% tổng điện năng tiêu thụ; giảm tổn thất điện năng toàn hệ thống dưới 6% năm 2025; giảm công suất phụ tải của hệ thống điện quốc gia.
TS Ngô Đức Lâm, nguyên Cục trưởng Cục An toàn kỹ thuật và môi trường, Bộ Công Thương cho biết, hàng năm cứ vào từ tháng 4 đầu hè, tình trạng báo động an toàn điện lại được bàn đến. Năm nay có điểm đặc biệt là khí hậu cực đoan xuất hiện, chưa bao giờ đầu hè nắng nóng đến 43 độ C. Trong khi nguồn nước cấp cho nhà máy thủy điện đều xuống mức rất thấp, trong số 28 hồ thủy điện thì nhiều hồ ở mực nước chết. Tình trạng báo động về thiếu điện đã nghiêm trọng, nhiều nơi bị cắt điện gây xáo trộn rất lớn trong đời sống và thiệt hại kinh tế.
Vấn đề thiếu điện đươc bàn đến, thực tế chúng ta có thiếu không? Theo TS Ngô Đức Lâm, theo quy hoạch phát triển điện thì không bao giờ được phép để tình trạng thiếu điện xảy ra. Tức là nguyên tắc an ninh năng lượng phải đảm bảo nguyên tắc không được phép thiếu điện.
Nguyên nhân thiếu điện, nhiều ý kiến khác nhau bàn đến, có người cho rằng hàng chục năm nay không đầu tư phát triển nguồn điện, người khác cho rằng thiếu đầu tư, người lại bảo vận hành kém... Theo TS Lâm, khách quan là do thời tiết biến động, lượng nước về thấp, thủy điện không phát được đủ công suất. Cũng theo ông Lâm, có thực tế là có nguồn điện nhưng không cấp được vì thiếu nhiên liệu đầu vào. Nghĩa là có nhà máy để phát mà không phát điện được. 84 nhà máy năng lượng tái tạo hiện nay có điều kiện hòa lưới điện nhưng do cách thức trong cơ chế quản lý, thảo luận, không có tiếng nói chung nên không đưa được vào hệ thống.
"Như vậy thiếu điện một phần do khách quan, song cũng có cả lỗi chủ quan, trong cách quản lý có bất cập trong hệ thống ngành điện", TS Lâm cho biết.
Theo TS Lâm, Việt Nam hiện nay gần như đã khai thác hết tài nguyên thủy điện. Đối với nhiệt điện than hiện chiếm khoảng 30% sản lượng điện toàn quốc. Loại nhiệt điện sản xuất từ than trong nước và loại than nhập từ nước ngoài, hiện than trong nước sử dụng không đủ, vẫn phải sử dụng than nhập khẩu. Với nhiệt điện khí và dầu, chúng ta có nguồn khí trong nước đã sử dụng tối đa, thiếu thì nhập khí từ nước ngoài, vận hành thuận lợi nhưng giá thành cao hơn.
Cuối cùng là năng lượng tái tạo gồm năng lượng gió, mặt trời, sinh học... Loại này được nhà nước ưu tiên phát triển. Năm nay là năm đầu tiên đưa vào tỉ lệ lớn nhất đến 28%, nhưng thời gian qua vướng cơ chế, nhiều nhà máy, dự án xây dựng xong chưa thể vận hành. Đó là chưa nói đến nguồn điện nhập khẩu, trong quy hoạch năm nào cũng phải nhập khẩu 4% điện.
Giải pháp cấp bách chống thiếu điện
TS Ngô Đức Lâm cho rằng, trước mắt chưa đến mức phải công bố tình trang khẩn cấp về thiếu điện, tuy nhiên vẫn phải cẩn trong vị bây giờ mới chỉ là giai đoan đầu của mùa hè và yếu tố cực đoan của biến đổi khi hâu có thể xảy ra. Để ứng phó với tình trạng thiếu điện, theo TS Ngô Đức Lâm, trước mắt phải khẩn trương thực hiên 2 biện pháp:
Cần phải huy động ngay các nhà máy năng lượng tái tạo gồm điện gió, điện mặt trời để chuyển tiếp đưa vào vận hành với giá tạm tính, trước khi thống nhất được giá bán điện giữa các bên. Cùng với đó phải ngay lập tức giải quyết những khó khăn vướng mắc về các quy chế, quy định kỹ thuật để hòa điện năng lượng tái tạo vào lưới điện quốc gia.
"Nguồn điện đang đối diện nguy cơ thiếu, nhưng đang tồn tại nghịch lý là nhiều dự án điện tái tạo khắp cả nước vẫn chưa thể bổ sung nguồn. Vấn đề này tồn tại khá lâu mà chưa giải quyết được, không phải lỗi của EVN hay Bộ Công thương mà chủ yếu do cơ chế giá và chính sách của chúng ta đang vướng. Hiện tại không ai dám tháo gỡ những chỗ vướng này vì nó đụng tới chính sách, cơ chế. Tôi cho rằng sắp tới Bộ Công thương sẽ phải tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội chính sách gỡ vướng cho các dự án này để "xóa treo" sớm. Mục đích phải đáp ứng đủ cung - cầu điện của xã hội", ông Lâm chia sẻ.
Hai là cần có những quy định chi tiết, thực hiện tiết kiệm điện triệt để với sản xuất và sinh hoạt, đặc biệt đối với đơn vị nhà nước, các dịch vụ ánh sáng trang trí...
Cùng quan điểm, chuyên gia năng lượng Nguyễn Mạnh Hiến, nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng, cũng cho rằng tiết kiệm điện là giải pháp quan trọng. Giải pháp nữa là điều chỉnh phụ tải (DR), quản lý nhu cầu điện (DSM). Tức là tập hợp các giải pháp kỹ thuật - công nghệ - kinh tế - xã hội nhằm quản lý thời điểm, thời gian sử dụng hoặc sản lượng tiêu thụ điện từ phía khách hàng. Bổ sung thêm, ông Hiến cho biết ở Đà Nẵng, TP.HCM, nhiều người dân đã sử dụng điện mặt trời mái nhà để tiêu thụ tại chỗ, không bán lên lưới. Nếu triển khai rộng được mô hình này sẽ giảm được áp lực lên hệ thống điện.
Mới đây, 23 nhà đầu tư (NĐT) dự án điện mặt trời, điện gió tiếp tục gửi văn bản kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương, EVN cho phép huy động tạm thời phát điện các dự án điện đã hoàn thành đầu tư xây dựng, đáp ứng yêu cầu trong lúc chờ đàm phán, thỏa thuận giá bán điện theo chỉ đạo của Chính phủ. Các NĐT đã đề xuất trong thời gian huy động tạm thời được áp dụng một trong các phương án: EVN thanh toán cho chủ đầu tư bằng 90% giá trần của khung giá theo Quyết định 21 của Bộ Công thương cho đến khi các bên mua bán thống nhất giá cuối cùng nếu không hồi tố.