1. Trang chủ /
  2. Chuyên gia lý giải hiện tượng trẻ bỗng dưng biết đọc

Chuyên gia lý giải hiện tượng trẻ bỗng dưng biết đọc

thứ tư, 22/3/2023 23:52 GMT+07
Theo chuyên gia, bỗng dưng biết đọc dù chưa học qua trường lớp nào có thể nói là khả năng thiên bẩm, nổi trội ở trẻ, cần được nuôi dưỡng đúng cách mới có thể phát huy.
Bé Kim Thiên Mỹ (3 tuổi, ngụ ấp 7, xã Tân Lộc, H.Thới Bình, Cà Mau) biết đọc khi chưa đầy 3 tuổi. Bé Kim Thiên Mỹ (3 tuổi, ngụ ấp 7, xã Tân Lộc, H.Thới Bình, Cà Mau) biết đọc khi chưa đầy 3 tuổi.

Biết đọc, biết cả ngoại ngữ khi mới hơn 2 tuổi

Trường hợp bé gái hơn 2 tuổi ở Cà Mau biết đọc chữ và số, được đăng tải trên báo chí thu hút khá đông sự hiếu kỳ của nhiều người. Đó là trường hợp của bé Kim Thiên Mỹ, 3 tuổi, ngụ ấp 7, xã Tân Lộc, H.Thới Bình, Cà Mau. Bé được cho là 'thần đồng' với khả năng kỳ diệu này. Mẹ bé cho biết, trong một lần gia đình mở bài hát karaoke thì phát hiện con có thể đọc được lời bài hát. Sau đó, gia đình đưa cho bé nhiều tài liệu khác nhau, bé đều đọc được.

Chuyên gia lý giải chuyện trẻ tự dưng biết đọc - Ảnh 2.
Bé Kim Thiên Mỹ (3 tuổi, ngụ ấp 7, xã Tân Lộc, H.Thới Bình, Cà Mau) biết đọc khi chưa đầy 3 tuổi.

Một trường hợp khác là bé trai Châu Hải Đăng, 30 tháng tuổi, ngụ phường Long Hòa, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ. Dù nói chưa rõ những bé đã đọc được gần hết gần mặt chữ tiếng Việt, thậm chí có thể đọc được tiếng Anh. Gia đình bé cho biết, khoảng 13 tháng tuổi thì bé biết nói. Đến 18 tháng có thể đọc rành tiếng Việt mà không cần đánh vần. Đến nay, khi con 2,5 tuổi tiếp tục phát triển khả năng ghi nhớ, ngôn ngữ và đọc được tiếng Việt lẫn tiếng Anh.

Chuyện trẻ biết đọc từ rất sớm không còn là chuyện hiếm. Trước đây, Nguyễn Bá Hoàng Việt là một trong những em bé biết đọc rất sớm, khi chưa đầy 2 tuổi. Việt không chỉ phát âm những dòng chữ quen thuộc trên ti vi mà đọc được hầu hết những gì được người lớn đưa cho. Trường hợp khác là em Trần Như Tùng, sinh năm 1999 (phố Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) cũng biết đọc khi 2 tuổi rưỡi, sau 6 tháng biết nói. Phải đến 1 năm sau khi biết đọc, Tùng mới biết nhận mặt các chữ cái cụ thể.

Tài năng thiên bẩm cũng phải nuôi dưỡng

Dân gian thường coi những đứa trẻ biết đọc khi mới 2-3 tuổi là 'thần đồng' và tin các cháu sẽ làm nên điều kỳ lạ khi lớn lên. ThS tâm lý Đinh Văn Thịnh, Giám đốc Công ty giáo dục kỹ năng Angel nhìn nhận, ngày nay, có nhiều thông tin về trẻ 'thần đồng' được xuất hiện rầm rộ trên các trang mạng, kênh truyền thông. Trẻ chỉ mới 2 – 3 tuổi nhưng có thể đọc chữ, thậm chí còn đọc được cả ngoại ngữ. Trong một số tài liệu nghiên cứu tâm lý thì 'thần đồng' được định nghĩa là một người dưới mười tuổi tạo ra kết quả có ý nghĩa trong một lĩnh vực nào đó ở cấp độ của một người chuyên nghiệp trong độ tuổi trưởng thành.

Chuyên gia lý giải chuyện trẻ tự dưng biết đọc - Ảnh 3.
Bé Châu Hải Đăng (30 tháng tuổi, ngụ P. Long Hòa, Q. Bình Thủy, TP. Cần Thơ) biết đọc khi hơn 2 tuổi.

Theo ThS Đinh Văn Thịnh, trẻ em 'thần đồng' sẽ rất vượt trội ở một số lĩnh vực như nghệ thuật hoặc khoa học ngay từ khi còn nhỏ. Âm nhạc, cờ vua và toán học là một số môn học có thể đề cập. Ví dụ, như Jorge Luis Borges (người đã viết câu chuyện đầu tiên của mình ở tuổi lên 7) và Wolfgang Amadeus Mozart (có thể đọc và sáng tác nhạc, chơi nhiều loại nhạc cụ khi 6 tuổi).

Theo ThS Thịnh, để duy trì và phát triển điều này, trẻ em 'thần đồng' cần có những môi trường để học tập phù hợp và nuôi dưỡng, tránh việc chủ quan xem là trời phú và không thể mất đi, điều này dẫn đến việc lơ là luyện tập và sa sút tài năng thiên bẩm vốn có.

Loại 'thần đồng' khác là bỗng dưng biết đọc chữ sớm dù chưa biết mặt chữ cái hoặc chưa đến trường. Trẻ em ngày nay thường được tiếp cận với những kênh học tập thông qua truyền thông sớm, tuy chưa đến trường nhưng các em được cha mẹ chỉ dạy thông qua cho xem youtube, những bộ phim hoạt hình song ngữ, được nghe nhạc tiếng Anh… Điều này thúc đẩy sự phát triển nơi các em sớm hơn các bạn cùng trang lứa không có cơ hội được tiếp cận sớm.

'Thần đồng' cũng có thể là biểu hiện của hội chứng Asperger (hội chứng rối loạn phổ tự kỷ). Theo các chuyên gia, việc trẻ biết đọc sớm là biểu hiện của sự bất thường và có thể liên quan đến hội chứng Asperger, theo thống kê tỷ lệ số trẻ thường gặp là khoảng 10%. Hội chứng rối loạn phổ tự kỷ thường xuất hiện khi trẻ bước sang tuổi thứ 2 – 3 và có thể tồn tại suốt đời. Hội chứng này có nhiều hành vi giống trẻ tự kỷ nhưng ở mức độ nhẹ vì kỹ năng nhận thức và mức độ tương tác xã hội tốt hơn. Trẻ sẽ có những rối loạn phát triển trong các lĩnh vực như xã hội, cảm xúc, hành vi, kỹ năng giao tiếp.

Bù lại trẻ lại có trí nhớ phi thường, có khả năng học hỏi và tìm tòi về những điều mà trẻ thích, trước khi đến tuổi đi học. Trẻ có biểu hiện sở thích đặc biệt trong các lĩnh vực ngôn ngữ, toán học, lịch sử, khả năng thuộc lòng… và có sự khác biệt vượt trội so với trẻ cùng trang lứa.

"Nếu trẻ có những biểu hiện bất thường thì gia đình cần đưa trẻ đến các cơ sở uy tín về Nhi Khoa và lâm sàng để thăm khám và sàng lọc được kỹ càng và để hỗ trợ can thiệp kịp thời", ThS Đinh Văn Thịnh khuyên.

Theo nghiên cứu của GS. Terman từ năm 1921 đến 1947, khi nghiên cứu trên 1.000 trẻ có chỉ số thông minh rất cao (khoảng từ 120 - 200), ông nhận thấy chỉ số này dường như không đổi khi trẻ lớn lên, nếu như trẻ không bị kìm nén khả năng cũng như không bị ép học quá sức. Ngay tại Mỹ, các nhà khoa học cũng nhận thấy tỷ lệ trẻ biết đọc trên 5 tuổi là 20%, trên 4 tuổi là 6%, trên 2 tuổi là 1,6%.

Tuy nhiên chỉ số IQ chỉ là một trong 10 tiêu chí phát triển nhận thức của con người, đó là: chỉ số thông minh (IQ), chỉ số phát triển trí tuệ, chỉ số phát triển tâm thần vận động, sự phát triển sớm về từ vựng, khả năng xử trí thông tin, khả năng hấp thu và diễn đạt, sự hình thành tính cách, sự nhạy bén về thị giác, khả năng ghi nhớ hình ảnh, và điện đồ võng mạc.