1. Trang chủ /
  2. Chuyên gia pháp lý nói gì về việc nhiều giáo viên được cho vay tiền thay vì được trả lương?

Chuyên gia pháp lý nói gì về việc nhiều giáo viên được cho vay tiền thay vì được trả lương?

chủ nhật, 9/7/2023 22:41 GMT+07
Phân tích về tính pháp lý xung quanh sự việc nhiều giáo viên được một nhà trường ở Đắk Mil (Đắk Nông) cho vay tiền thay vì được trả lương, Luật sư Lê Văn Hoan - Công ty Luật TNHH MTV Lê Văn, Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, việc giáo viên từ người có quyền (nhận lương) trở thành người có nghĩa vụ trả nợ khoản tiền mượn là điều không hợp lý. Việc này cơ quan chức năng cần phải sớm can thiệp, trả lương cho giáo viên từ nguồn ngân sách.

Theo Luật sư Lê Văn Hoan: Thông thường giáo viên tham gia giảng dạy hay làm một công việc khác với nhà trường thông qua hợp đồng lao động được ký kết giữa các bên. Trong sự việc này tồn tại hai quan hệ pháp luật, một là quan hệ vay mượn tài sản và hai là quan hệ lao động.

Thứ nhất là quan hệ vay mượn tài sản, đây hoàn toàn là quan hệ pháp luật dân sự. Theo đó, quyền và nghĩa vụ của các bên được điều chỉnh theo quy định tại BLDS năm 2015. Bên mượn có nghĩa vụ trả lại những gì đã nhận cho bên cho mượn khi hết thời hạn mượn theo cam kết. Nếu quá thời hạn này thì ngoài việc bên mượn phải trả bên cho mượn số tiền gốc còn phải trả cho bên cho mượn khoản lãi tối đa là 10% theo quy định tại Điều 468 BLDS năm 2015 nếu các bên không thỏa thuận được và bên cho mượn có yêu cầu trả lãi.

Thứ hai là quan hệ lao động, người sử dụng lao động có nghĩa vụ trả lương cho người lao động theo quy định tại Chương 6 của Bộ luật Lao động (từ Điều 90 đến Điều 104). Đây là quan hệ pháp luật được điều chỉnh bởi Bộ luật Lao động, Luật Giáo dục, Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn liên quan.

“Như vậy, bản chất của quan hệ pháp luật lao động và vay mượn tài sản là hoàn toàn khác nhau. Do đó việc nhà trường thay vì trả lương cho giáo viên lại lập giấy mượn tiền với số tiền bằng đúng tiền lương của giáo viên là không đúng quy định của pháp luật”- Luật sư Hoan nêu quan điểm.

Liên quan đến chi tiết giáo viên chưa nhận lương mà nhà trường đã trừ các khoản đóng góp thể hiện trong giấy vay mượntheo vị Luật sư này: Nếu bản chất việc nợ lương giáo viên là do ngân sách nhà nước chưa được bố trí kịp thời, nhà trường linh động bằng cách đứng ra vay của bên thứ 3 để giải quyết khó khăn về cuộc sống hàng ngày cho giáo viên thì đây là việc chăm lo cho người lao động. Nhưng lương chưa được nhận mà lại trừ các khoản phải đóng góp là không đúng quy định, hơn nữa đây là khoản tiền vay, mượn để trang trải cuộc sống chứ không phải là thanh toán lương cho giáo viên mà đi trừ các khoản đóng góp.

lsu-le-van-hoan.-anh-2.jpg
Luật Sư Lê Văn Hoan, Công ty Luật TNHH MTV Lê Văn, Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh.

“Thực tế trong vụ việc này giáo viên từ người có quyền (nhận lương) trở thành người có nghĩa vụ trả nợ khoản tiền mượn là điều không hợp lý. Việc này cơ quan nhà nước cần phải sớm can thiệp trả lương cho giáo viên từ nguồn ngân sách. Còn nếu vì bất cứ lý do vụ lợi nào, biến tiền lương của giáo viên thành khoản mượn thì cần sớm chấm dứt và cần xử lý theo pháp luật trách nhiệm của những người liên quan”, Luật sư Hoan kiến nghị.

Như Báo Công lý trước đó đã thông tin, theo phản ánh của một số giáo viên trường PT DTNT THCS&THPT huyện Đắk Mil (Đắk Nông), thay vì được trả lương theo định kỳ, họ lại được nhà trường đứng ra cho vay một khoản tiền tương ứng với khoản lương đáng lý họ được hưởng từ Nhà nước.

Tại một số biên bản về việc thống nhất mượn tiền của Trường PT DTNT THCS và THPT huyện Đắk Mil thể hiện, bên mượn tiền (bên A) là giáo viên nhà trường (đoàn viên lao động của trường). Bên cho mượn (bên B): Trường PT DTNT THCS & THPT huyện Đắk Mil đại diện: Ông Hồ Tấn Đằng - Hiệu trưởng; ông Lê Văn Lam - Kế toán; bà Phạm Thị Kim Anh - Thủ quỹ. Bên chứng kiến (bên C): Ban chấp hành công đoàn trường PT DTNT THCS&THPT huyện Đắk Mil đại diện: Ông Mai Trung Tuyến - Chủ tịch Công đoàn.

Nội dung mượn tiền thể hiện theo đề nghị từ phía bên A, bên B cho vay một khoản tiền hơn 5,2 triệu đồng. Số tiền này đúng bằng số tiền lương tháng 12/2022, sau khi đã trừ các khoản đóng góp theo quy định của Nhà nước.

Liên quan việc nợ lương giáo viên, ông Nguyễn Văn Toàn - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Nông cho biết, việc này là có và đây là "tình hình chung" của các Trường nội trú trên toàn tỉnh Đắk Nông chứ không riêng gì huyện Đắk Mil. Nguyên nhân là do vướng Nghị quyết số 16/2021/NQ-HĐND ngày 15/12/2021 của HĐND tỉnh Đắk Nông về việc ban hành quy định về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách tỉnh Đắk Nông năm 2022.