Chuyện ít biết về bà Ba Cẩn - vợ Hoàng Hoa Thám
Lễ hội Yên Thế.
Bà Ba Cẩn đã cùng Hoàng Hoa Thám nghĩ ra nhiều kế sách dẹp quân thù
Trong một cuộc gặp gỡ tình cờ, người con gái xinh đẹp đất Kinh Bắc đã lọt vào mắt tướng trẻ tài ba. Tác giả Thái Gia Thư kể cuộc tình duyên: “Một buổi chiều nọ, khi đi đến làng Vạn Vân lánh nạn, Đề Thám bỗng gặp một cô gái xinh đẹp và ông đã nói dối với cô rằng ông là người đi buôn, bị kẻ cướp lấy hết vốn liếng. Sẵn lòng thương người, cô gái đưa khách về nhà gặp cha. Tại nơi đây, Đề Thám gặp Thống Luận, là một cộng sự của mình. Thống Luận lại là con nuôi của cha cô gái. Nhờ mối quan hệ này, mà gia đình cô gái trở thành cơ sở của nghĩa quân và cô cũng trở thành người giúp việc đắc lực cho cuộc khởi nghĩa nơi núi rừng Yên Thế. Tâm đồng ý hợp, nên chẳng bao lâu sau, Đề Thám cưới cô gái làm vợ thứ ba”. Đặng Thị Nho là người nhan sắc, liễu yếu đào tơ nhưng đường kiếm cung lại không kém nam nhi, lại biết lo việc nước, buồn vui trước thăng trầm của thế cuộc, và có chí khí hơn người, được Đề Thám rất mến yêu, quân sĩ nể phục.
Lấy Đề Thám, bà Ba Cẩn sinh được hai người con là Hoàng Thị Thế và Hoàng Văn Vi: Bà Thế bị bắt, lúc ấy chừng 7, 8 tuổi, chính quyền thực dân đưa bà sang Pháp nuôi dưỡng. Năm 1965, bà Thế xin về nước, sống ở Hà Nội, và mất ngày 9 tháng 12 năm 1988, được an táng tại khu di tích Yên Thế. Năm 1908, bà sinh được một người con trai đặt tên là Hoàng Hoa Phồn (sau này đổi thành Hoàng Văn Vi để tránh sự truy nã gắt gao của thực dân Pháp), đánh dấu vùng đất Phồn Xương - nơi có đồn Phồn Xương mà Hoàng Hoa Thám đã xây dựng trước đó. Hoàng Hoa Phồn sinh tại đại bản doanh Phồn Xương, bị quân Pháp bắt khi lên 7 tuổi, khoảng năm (1915).
Bà Ba Cẩn. (ảnh tư liệu)
Cũng tại đồn Phồn Xương này, bà Ba Cẩn đã cùng Hoàng Hoa Thám và quân sư Hoàng Điển Ân nghĩ ra nhiều kế sách khiến quân viễn chinh Pháp nhiều phen khốn đốn. Thậm chí, đã có lần đích thân bà Ba Cẩn không biết bằng cách nào đã đột nhập được vào doanh trại quân Pháp tại ở Hà Nội nhằm đầu độc binh lính viễn chinh. Việc bất thành, nhưng quân Pháp chỉ nghe tiếng bà đã sợ mất vía. Mật thám Pháp sau nhiều lần dò la, đã xác định bà Ba Cẩn là mối lo lớn cần phải triệt tiêu ngay lập tức. Bà Ba Cẩn cùng với Cả Rinh, Cả Huỳnh và Cả Trọng, hợp thành ban tham mưu đắc lực, đồng thời cũng là những người chỉ huy giỏi của nghĩa quân. Bà Ba còn lo việc hậu cần, đảm bảo sinh hoạt, mua sắm đạn dược cho nghĩa quân, khi có chiến trận, bà ở bên Đề Thám cùng chiến đấu…: vào năm 1907, Đề Thám cùng bà Ba Cẩn đã tổ chức ra đảng Nghĩa Hưng, Trung Chân ứng nghĩa đạo ở Hà Nội và đề ra kế hoạch đầu độc lính Pháp (vụ Hà Thành đầu độc) ngày 27 tháng 6 năm 1908 tại Hà Nội nhưng không thành.
Nữ tướng tài ba của nghĩa quân Hoàng Hoa Thám
Năm 1909, sau gần một tháng trời lăn lộn vào ra sinh tử ở Vĩnh Yên - Vĩnh Phúc, Đề Thám mới thoát khỏi vòng vây trở về Yên Thế. Ngày 17 tháng 11 năm 1909, Hoàng Hoa Thám cùng nghĩa quân về đến Yên Thế, bị quân của Tiểu đoàn trưởng Bonifacy kéo đến bao vây ở Nhã Nam. Quân Pháp cùng các chỉ điểm người Việt tăng cường khủng bố, làm cho sự tiếp tế bị tê liệt... Ngày 1 tháng 12, bà Ba Cẩn và con gái tên Hoàng Thị Thế (1901-1988) bị trung đội Coucron đi tuần bắt được gần đồn chợ Cầu Gồ (Yên Thế). Ngày 24 tháng 2 năm 1910, 78 nghĩa quân, trong đó có bà Ba Cẩn bị địch đưa về giam ở nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) rồi bị án đày sang Guyane (Nam Mỹ). Dọc đường, thừa lúc quân lính sơ ý, bà nhảy xuống biển tự tử ngày 25 tháng 12 năm 1910. Nhắc lại những ngày chiến đấu cuối cùng của bà, Phạm Văn Sơn trích trong Cách mạng cận đại Việt Nam, trang 52: Ngày 17 tháng 11 năm 1909, Hoàng Hoa Thám cùng tàn quân về đến Yên Thế, thì quân của Tiểu đoàn trưởng Bonifacy cũng kéo đến bao vây Nhã Nam. Quân Pháp cùng các cộng sự người Việt tăng cường khủng bố, làm cho sự tiếp tế bị tê liệt... Ngày 1 tháng 12 cùng năm, thì bà Ba Cẩn bị trung đội Coucron đi tuần bắt được gần đồn chợ Gồ (Yên Thế). Hôm sau, ông Thám dẫn 5 nghĩa quân đi cứu bà, thì lọt vào ổ phục kích lúc 1 giờ 30 khuya. Một nghĩa quân hy sinh, nhưng ông Hoàng chạy thoát được”.
Bà Ba Cẩn và con gái Hoàng Thị Thế. (ảnh tư liệu)
Sách “Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam” có ghi: “Đặng Thị Nhu là người có trí dũng, từng xông pha trận mạc, giúp chồng đắc lực trong cuộc kháng Pháp. Khoảng đầu năm 1909 dù binh cùn thế kiệt, bà vẫn cùng chồng oanh liệt chỉ huy nghĩa quân chống địch trong trận đánh ở chợ Gồ, khiến các lực lượng do viên Đại tá Bataille đốc suất phải nể vì... Bà là một tấm gương sáng của phụ nữ nước Việt...”. Ngoài ra, bà Ba Cẩn cũng được ca tụng trong một bài vè dài với những lợi ngợi ca công lao đánh Pháp của bà, bà được ca tụng trong một bài vè trích:
“ ...Âu là sinh tử nhờ trời/Sợ mà ra thú ta thời không ra/ Cho nên nó mới đánh ta/ Bà Ba, hai Cả (Cả Trọng) định ra thế nào?/ Bà Ba quỳ gối tâu vào/ Tôi xin gánh đỡ ông chồng một phen/ Bà Ba loan báo binh quyền/ Cơ nào độ ấy vững bền cho ta/ Để ta sắp lấy binh qua? Dấn mình vào đám can qua phen này. Bà Ba khi ấy mới hay. Quần chân, áo chít mặc ngay vào mình/Nhẩy lên đứng giữa Tây thành/Gọi rằng khố đỏ, khố xanh kia là/Các anh hãy nghe lời ta,/Ta đây chính thực vợ ba Đề Hoàng”.
Trong cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế giai đoạn 2, Đặng Thị Nho trở thành một trong những tướng tài ba của nghĩa quân Hoàng Hoa Thám, tiếng tăm của bà không chỉ lừng lẫy khắp vùng núi rừng Yên Thế mà còn lan rộng ra cả nước, bà Ba là người có trí lực, đã có công rất nhiều trong việc giúp chồng đánh đuổi quân thù. Cũng trong cuộc khởi nghĩa Yên Thế, Đặng Thị Nhu đã chứng tỏ phẩm chất và sức mạnh của một nữ tướng, góp phần tạo nên những chiến công của nghĩa quân anh hùng. Người đời coi Bà như một vầng trăng đẹp của bầu trời Yên Thế hoang sơ và thiêng liêng, để tưởng nhớ công lao của bà, hiện nay UBND huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang đã đặt một tên đường, phố mang tên phố Bà Ba. Tại thành phố Bắc Giang cũng đã đặt một tuyến đường mang tên Đặng Thị Nho đoạn đầu từ Sở Nội vụ kéo dài đến Sở Tài nguyên và Môi trường.
Bà Ba Cẩn và con gái Hoàng Thị Thế.
Hiện nay, trong đồn lũy Phồn Xương, ngay chính gian nhà mà Đề Thám và bà Ba Cẩn từng ở trước đây là đền thờ bà Ba. Đền thờ được nhân dân xây dựng năm 1995, bên cạnh đó là ngôi mộ của con gái bà Ba Cẩn- Hoàng Thị Thế cùng bị lưu đày ở Nam Mỹ. Trong tâm trí của người dân huyện Yên Thế nói riêng, của nhân dân Bắc Giang nói chung, bà Ba Cẩn mãi là tấm gương sáng trong như ngọc. Một tấm gương vì chồng vì con và cao hơn tất thảy là vì Tổ quốc. Đền thờ bà Ba Cẩn không chỉ là chốn tâm linh thiêng liêng mà còn là nơi để nhân dân địa phương tưởng nhớ đến bà. Đặng Thị Nhu là một tấm gương điển hình của phụ nữ Việt Nam.
Tại đồn Phồn Xương cũ (thuộc thị trấn Cầu Gồ, Yên Thế, Bắc Giang), nơi diễn ra những nghi lễ chính của lễ hội Yên Thế (Lễ hội Phồn Xương) hiện nay có các di tích Đền Thề, tượng đài Hoàng Hoa Thám và nhà trưng bày Cuộc khởi nghĩa Yên Thế.
Lễ hội Yên Thế được tổ chức lần đầu tiên vào ngày 16 tháng 3 năm 1984 nhân dịp kỷ niệm 100 năm cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Từ đó đến nay cứ đến ngày 16/3 dương lịch, lễ hội lại được tổ chức tại trung tâm thị trấn Cầu Gồ, đại bản doanh Phồn Xương năm xưa.
Vào ngày 16 tháng 3 dương lịch. Từ tờ mờ sáng, khắp các ngả đường trong vùng Yên Thế, Tân Yên, người người kéo nhau đi hội. Từng đoàn, từng tốp... tưng bừng phấn khởi, chật cả đường đi. Tại khu tập kết, các đoàn tham gia lễ hội quần áo chỉnh tề, hoá trang... sẵn sàng chờ giờ xuất phát hành lễ.
Lễ diễu hành qua kỳ đài được cử hành để bắt đầu cho Lễ hội Yên Thế. Đây là cuộc biểu dương sức mạnh, biểu dương sự uy nghi, đẹp đẽ và cũng là lúc làm cho không khí ngày hội trở lên sôi động nhất. Các đoàn quân lần lượt tiến qua lễ đài với biểu tượng và trang phục riêng của mình trong tiếng trống, tiếng chiêng ngân vàng trong núi rừng Yên Thế. lễ hội còn có những hình khác mới được bổ như: tổ chức diễu ngựa từ đình Hả - Tân Trung (Tân Yên) lên Phồn Xương, rước từ Nhã Nam vào tham dự. Tổ chức tiết mục “Trai Cầu Vồng Yên Thế gặp gái Nội Duệ, Cầu Lim”, tiết mục lễ tế cờ của Hoàng Hoa Thám... các tiết mục này đã làm cho nội dung của lễ hội mỗi ngày một phong phú và có bản sắc văn hóa riêng.
Vào chính hội cả khu vực thị trấn Cầu Gồ ngập tràn người trảy hội, ban tổ chức hàng trăm người, gồm cán bộ của huyện kết hợp với bộ đội, công an làm việc hết sức mình mà cũng không xuể. Mỗi lần lễ hội là cán bộ trong ban tổ chức có người sọp đi vài cân. Vất vả là vậy nhưng ai cũng cảm thấy tự hào, hạnh phúc, cảm nhận được lòng mến mộ, tri ân của người dân đối với nghĩa quân Yên Thế, với thủ lĩnh Hoàng Hoa Thám.