Chuyển đổi số trong du lịch: Bùng nổ “vũ trụ ảo” cho trải nghiệm
Chuyển đổi số trong du lịch là điều bắt buộc
Trước bối cảnh TP. HCM đang trên đà phục hồi kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực du lịch, bài toán chuyển đổi số luôn là vấn đề nóng mà các chuyên gia, doanh nghiệp quan tâm. Năm 2022, bước vào giai đoạn đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, toàn dân và toàn diện với Quyết định số 411/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Trong đó, kế hoạch hành động phát triển kinh tế số và xã hội số du lịch, tập trung vào một số nội dung như: Mỗi doanh nghiệp du lịch là một doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số; tạo làn sóng doanh nghiệp công nghệ đầu tư vào du lịch; phát triển các nền tảng số kết nối cung cầu du lịch. Đào tạo chuyên ngành về du lịch thông minh và chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch tại các cơ sở đào tạo đại học, sau đại học trong ngành du lịch.
Chuyển đổi số giúp cũng giúp doanh nghiệp du lịch thích ứng linh hoạt với sự thay đổi của thị trường. Dịch Covid-19 bùng phát năm 2020 khiến khách không thể đi du lịch, trên nền dữ liệu sẵn có, các nhân sự ngành du lịch vẫn tương tác với khách để hiểu tâm lý, hành vi, nhu cầu để giới thiệu sản phẩm phù hợp.
Không chỉ doanh nghiệp, tại các điểm đến cũng đang định hình chuyển đổi số mang tới những trải nghiệm thuận tiện và an toàn cho khách hàng như các hệ thống thuyết minh tự động, mã QR giới thiệu hiện vật... Điểm đáng chú ý là nhiều địa phương đã thực sự hoàn thiện hệ sinh thái về dịch vụ, mua sắm, ẩm thực… tại các điểm du lịch đồng thời du khách có thể gửi phản ánh đến chất lượng dịch vụ đến cơ quan quản lý.
Có thể thấy, ngành du lịch đang chủ động chuyển đổi số và tích cực tham gia vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, với mục tiêu tiến tới hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh gắn kết các chủ thể từ khách du lịch, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ và cơ quan quản lý Nhà nước.
Tại Hội thảo Chuyển đổi số trong du lịch (trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch Quốc tế TP. HCM lần thứ 16) do Sở Du lịch TP. HCM tổ chức, Phó Giám đốc Sở Du lịch Lê Trương Hiền Hòa nhấn mạnh, mô hình chuyển đổi số đang phát triển rất nhanh tại TP. HCM nói riêng và cả nước nói chung. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp, là điều bắt buộc đối với nền kinh tế, thời đại 4.0 hiện nay.
“Metaverse” – mô hình chuyển đổi số phổ biến
Ông Lê Đức Anh - Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số (CID) thuộc Bộ Công Thương, đóng vai mình là một du khách quốc tế, khẳng định ngành du lịch nên là một trong những ngành tiên phong trong chuyển đổi số.
“Nếu tôi là khách du lịch quốc tế, cá nhân tôi sẽ được tiếp cận nhiều công nghệ mới từ chính chiếc điện thoại của mình, chẳng hạn AI hay metaverse, và từ quốc gia của tôi. Khi đến Việt Nam, nếu chúng ta chưa có những công nghệ như vậy hay thậm chí là chưa sẵn sàng đón làn sóng công nghệ mới, thì ta đã lỡ mất rất nhiều cơ hội”.
Giám đốc Trung tâm CID thông tin, hiện các doanh nghiệp đang hướng tới 3 phương pháp chuyển đổi số. Thứ nhất, du lịch gắn với thiết bị di động, nghĩa là khi du khách vừa xuống sân bay đã được kết nối với sim điện thoại, có thể vào được internet, kết nối với bạn bè, các dịch vụ quốc tế,…
Thứ 2 chính là mạng xã hội. Ông Lê Đức Anh, cho biết, có thể sắp tới sẽ áp dụng du lịch trên mạng xã hội qua làn sóng thương mại điện tử. Nghĩa là, du khách có thể đánh giá, xếp hạng các trải nghiệm du lịch trên các nền tảng mà thành phố xây dựng.
Cuối cùng là mua sắm trực tuyến. Vì trong các tour du lịch, khách nước ngoài khó có thể mua hết những thứ họ muốn.
“Vậy nên, du lịch TP. HCM sẽ phát triển theo hướng bày bán các sản phẩm địa phương trên nền tảng số, du khách có quyền lựa chọn và sẽ được giao đến tận khách sạn, nơi cư trú chỉ trong 2-3 tiếng”, ông Đức Anh chia sẻ.
Ông Lê Trương Hiền Hòa chia sẻ: “Trong chuyến khảo sát sản phẩm du lịch thành phố sau dịch, tôi rất ngạc nhiên khi thấy các quận, huyện đều có trang web và app du lịch của riêng mình. Hỏi ra mới biết, họ chủ động tìm đến các doanh nghiệp công nghệ thông tin để được hỗ trợ về mặt kỹ thuật. Đó cũng là một ví dụ đơn giản về chuyển đổi số trong du lịch.”
Thực tế, trong những năm qua, Sở Du lịch TP. HCM đã và đang đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án Du lịch thông minh, gần đây nhất đang triển khai hàng loạt các nội dung về ứng dụng công nghệ số vào hoạt động quản lý như: xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu dịch vụ du lịch, triển khai ứng dụng công nghệ 3D trong thông tin, quảng bá du lịch, đưa sản phẩm du lịch lên sàn giao dịch thương mại điện tử…
Trước đó, đại diện Tổng cục Du lịch cho biết, thời gian tới, cơ quan này sẽ phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng một hệ thống thống nhất về nền tảng số du lịch trên toàn quốc ngay trên hệ thống quản lý nhà nước.
"Dự kiến, cuối năm 2022, ứng dụng này sẽ đưa vào vận hành, những đơn vị nào chưa xây dựng nền tảng sẽ được hỗ trợ, còn những đơn vị đã thực hiện và có nền tảng thì dữ liệu sẽ được liên kết về nền tảng chung", đại diện Tổng cục Du lịch thông tin.
Đồng thời, với vai trò là đơn vị chuyên trách về chuyển đổi số trong ngành du lịch, Trung tâm Thông tin du lịch (thuộc Tổng cục Du lịch) đã tập trung triển khai các giải pháp từng bước hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh kết nối các chủ thể khác nhau trong ngành du lịch như cơ quan quản lý, doanh nghiệp, khu/điểm đến, khách du lịch.