1. Trang chủ /
  2. Chuyện về khẩu súng kíp được gìn giữ qua ba thế hệ

Chuyện về khẩu súng kíp được gìn giữ qua ba thế hệ

thứ năm, 2/5/2024 23:01 GMT+07
Trong nhiều năm, Đại tá Hoàng Mạnh Quân - nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thái Nguyên luôn giữ gìn cẩn thận khẩu súng kíp được gia đình truyền qua nhiều thế hệ. Đây là kỷ vật quý giá, từng giúp ông và cha của Đại tá Quân lập thành tích khi tham gia phong trào cách mạng trước và sau Cách mạng Tháng Tám.

Tự chế súng kíp đánh giặc

Tìm tới nhà Đại tá Hoàng Mạnh Quân tại xã Cổ Lũng, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên. Bên ấm trà mới pha, ông Hoàng Mạnh Quân chậm rãi kể về những ký ức, hoài niệm những câu chuyện được ông, cha truyền lại.

Theo lời kể, khẩu súng kíp do ông Hoàng Thanh Quang (SN 1890) chế tạo. Trước Cách mạng tháng Tám, chứng kiến cảnh thực

dân Pháp cùng bè lũ tay sai khinh rẻ, bóc lột, hành hạ Nhân dân, lòng yêu nước, căm thù giặc trong ông Hoàng Thanh Quang sôi sục, thôi thúc ông bí mật tham gia phong trào Việt Minh tại địa phương. Để phục vụ công việc, ông đã nghiên cứu, chế tạo khẩu súng kíp. Khẩu súng có chiều dài 98cm, nòng súng làm bằng sắt, báng súng làm bằng gỗ.

Học sinh Trường Mầm non Hoa Trạng Nguyên, phường Túc Duyên, TP Thái Nguyên tới thăm quan, nghe thuyết minh tại bảo tàng.

Trong quá trình hoạt động, ông Quang từng được giao nhiệm vụ đưa đón, bảo vệ các đồng chí Chu Văn Tấn (Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đầu tiên), Lê Quảng Ba (Tư lệnh Quân khu 1) về hoạt động cách mạng tại địa phương. Khi thực dân Pháp giao cho chức Trưởng trại (phụ trách 4 - 5 xóm),

ông đã âm thầm hoạt động trong lòng địch. Trong một lần chứng kiến cảnh quân Pháp cùng bè lũ tay sai đi càn quét, cướp bóc của cải của Nhân dân, ông đã dùng khẩu súng kíp hạ một tên Pháp. Sau này, ông trao lại khẩu súng cho người con trai tên Hoàng Quế Lan (SN 1924).

Sinh ra và lớn lên trong gia đình giàu truyền thống yêu nước, ông Hoàng Quế Lan sớm theo cha tham gia cách mạng. Trước Cách mạng tháng Tám, ông xung phong làm giao liên để nắm tình hình địch; tham gia phong trào Việt Minh và vinh dự được bầu làm Đội trưởng đội Việt Minh xã Cổ Lũng. Trong quá trình công tác, ông đã chỉ huy đội du kích địa phương làm tốt nhiệm vụ canh phòng, cảnh giới, dẫn đường, bí mật đưa đón cán bộ Việt Minh về họp tại gia đình an toàn.

Ông còn cùng Nhân dân địa phương tổ chức mai phục, tiêu diệt nhiều tên lính Pháp. Trong lần tham gia tuần tra, mật phục, tiêu diệt tên mật thám là người địa phương làm tay sai cho thực dân, ông đã dùng khẩu súng kíp bắn bị thương tên mật thám. Ngay sau đó, chỉ huy của ông đã dùng súng pặc-khọoc tiêu diệt. Sau

Cách mạng tháng Tám, ông về nhận công tác tại Ban Tổ chức Huyện uỷ Phú Lương. Năm 1983, ông về nghỉ hưu tại địa phương và được hưởng chế độ người có công với cách mạng.

Mong muốn giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về ông cha

Khẩu súng kíp được ông Hoàng Quế Lan nâng niu, quý trọng, bảo quản cẩn thận. Ông Hoàng Mạnh Quân nhớ lại: “Lúc cha tôi còn minh mẫn, khoẻ mạnh, tôi thấy ông thường mang khẩu súng ra ngắm nghía và trầm ngâm hồi tưởng, sau đó lau chùi, vệ sinh cẩn thận, rồi cất vào hòm gỗ và khoá lại. Nhiều lần tôi ngỏ ý muốn giúp cha nhưng ông đều từ chối vì muốn tự tay làm. Sau này, khi tuổi cao, sức yếu, cha mới trao lại cho tôi và căn dặn phải giữ gìn cẩn thận”.

Học sinh tiểu học trên địa bàn TP Thái Nguyên tới thăm quan, nghe thuyết minh tại bảo tàng.
Học sinh tiểu học trên địa bàn TP Thái Nguyên tới thăm quan, nghe thuyết minh tại bảo tàng.

Ngọn lửa và truyền thống cách mạng của gia đình vẫn luôn rực cháy, thôi thúc ông Hoàng Mạnh Quân trở thành người lính, để tiếp tục cống hiến và bảo vệ Tổ quốc. Ông Hoàng Mạnh Quân tham gia quân đội và sau thời gian dài phấn đấu, trưởng thành, cống hiến, ông đảm nhiệm vị trí Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thái Nguyên (Quân khu 1) trước khi nghỉ hưu. Đại tá Hoàng Mạnh Quân đã quyết định hiến tặng khẩu súng kíp cho Bảo tàng Lực lượng vũ trang Việt Bắc Quân khu 1 để trở thành hiện vật trưng bày giúp các thế hệ hậu sinh hiểu rõ hơn về ông cha và công cuộc giữ nước, bảo vệ Tổ quốc, thay vì chỉ giữ riêng trong gia đình như một kỷ vật dòng họ.

Trước khi bàn giao hiện vật, đôi mắt người Đại tá già rớm lệ, ông xúc động nói: “Khẩu súng này đã gắn bó với ông nội và cha tôi trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, là kỷ vật vô giá của gia đình tôi. Tôi hy vọng sau khi tiếp nhận hiện vật, bảo tàng sẽ tiếp tục thay gia đình tôi giữ gìn, bảo quản và phát huy giá trị”. Ông chậm rãi thắp một nén hương trước bàn thờ gia tiên, đưa tay lau giọt nước mắt khấn ông, cha.

Thấu hiểu tâm tư của Đại tá Hoàng Mạnh Quân, Đại tá Đinh Văn Giám, Giám đốc Bảo tàng Lực lượng vũ trang Việt Bắc Quân khu 1 chia sẻ: “Bảo tàng đưa hiện vật về sẽ lập hồ sơ quản lý, kiểm kê, bảo quản, đưa ra trưng bày, triển lãm và tuyên truyền câu chuyện ý nghĩa của khẩu súng để giáo dục truyền thống tốt đẹp cho các thế hệ”.

Được biết, sau khi tiếp nhận hiện vật, đến nay Bảo tàng đã tiến hành thẩm định thông qua Hội đồng xét duyệt hiện vật, đánh mã số lưu trữ, bảo quản và đang xây dựng kế hoạch trưng bày vào giai đoạn kháng chiến chống thực dân Pháp tại Bảo tàng và mang đi trưng bày, tuyên truyền tại các cuộc triển lãm lưu động hằng năm.