1. Trang chủ /
  2. Có giải pháp kịp thời, để hết năm 2022 hoàn thành tốt các chỉ tiêu phát triển BHXH

Có giải pháp kịp thời, để hết năm 2022 hoàn thành tốt các chỉ tiêu phát triển BHXH

thứ sáu, 19/8/2022 14:10 GMT+07
(PLM) - Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu BHXH các tỉnh, TP cần có giải pháp kịp thời, để đến cuối năm 2022 phải đạt được chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH.

Phát triển người tham gia có dấu hiệu chững lại

Theo ông Dương Văn Hào, Trưởng Ban Quản lý thu - Sổ, thẻ (BHXH Việt Nam), 6 tháng đầu năm 2022, BHXH nhiều địa phương phát triển người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) khá tốt. Tuy nhiên, đến tháng 7 và tháng 8, việc phát triển người tham gia có dấu hiệu chững lại, nhất là tại một số tỉnh trọng điểm kinh tế vùng Đông Nam Bộ.

“Điều này ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ chung của cả nước, nên cần phải có đánh giá, phân tích cụ thể để tìm ra giải pháp khắc phục ngay tình trạng này”, từ đó ông Hào đề nghị BHXH các tỉnh, TP triển khai đồng bộ các giải pháp, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT.

BHXH tự nguyện còn nhiều dư địa để phát triển. Ảnh minh hoạ
BHXH tự nguyện còn nhiều dư địa để phát triển. Ảnh minh hoạ

Báo cáo về tình hình công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT, Giám đốc BHXH TP Hà Nội Nguyễn Đức Hòa cho biết, tính đến hết tháng 7/2022, toàn TP có tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 91,4% dân số với 7.518.169 người tham gia, tăng 0,5% tương ứng tăng 36.037 người so với cuối năm 2021. 

Số người tham BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện trên địa bàn TP cũng tăng với tỷ lệ lần lượt là 2,1% (tương ứng tăng 38.787 người) và 2% (tăng 997 người) so với cuối năm 2021.

Dù tình hình phát triển người tham gia đạt kết quả tích cực nhưng ông Hòa cho rằng, “còn tăng chậm”; việc thực hiện các chỉ tiêu HĐND TP, UBND TP giao còn không ít khó khăn. 

Đơn cử, để hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 92,5% dân số, 5 tháng cuối năm 2022, TP Hà Nội cần tăng ít nhất 153.238 người, tương đương mỗi tháng phải tăng ít nhất 30.648 người tham gia; 

Bảo hiểm thất nghiệp cần phải phát triển thêm ít nhất 9.436 người. BHXH tự nguyện cần phát triển 44.614 người, bình quân còn phải phát triển 15 người/xã, phường, thị trấn/tháng…

Nhiều khó khăn, vướng mắc chung

Bên cạnh đó, tại địa phương còn phải đối mặt với tình hình nợ đóng BHXH, một số các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhất là các doanh nghiệp du lịch, thương mại. 

“Vẫn còn có những doanh nghiệp lợi dụng tình hình dịch bệnh cố tình chây ì, nợ đóng, trốn đóng BHXH và không chấp hành các Quyết định, kết luận thanh tra, kiểm tra”, ông Hòa thông tin.

Cần có giải pháp để đến cuối năm 2022 phải đạt được chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH bắt buộc. Ảnh minh hoạ
Cần có giải pháp để đến cuối năm 2022 phải đạt được chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH bắt buộc. Ảnh minh hoạ

Giám đốc BHXH tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Tám cho biết, tính đến hết tháng 7/2022, toàn tỉnh có 3.236.485 người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó có 401.932 người tham gia BHXH, BHYT bắt buộc; 78.925 người tham gia BHXH tự nguyện...

Ông Tám cũng chia sẻ về một số những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn. Trong đó có thay đổi chuẩn nghèo từ năm 2022 khiến mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu tăng cao nên khó khăn hơn trong tuyên truyền, vận động người tham gia; hay tình trạng rút BHXH một lần có chiều hướng gia tăng; số người tham gia BHXH tự nguyện tăng nhưng chưa bền vững…

Tương tự, Giám đốc BHXH tỉnh Nghệ An Hoàng Văn Minh cho biết, tính đến hết tháng 7, toàn tỉnh có 2.983.689 người tham gia BHXH, BHYT, trong đó số người tham gia BHXH bắt buộc là 260.790 người đạt 94,17% kế hoạch giao, số còn phải phát triển đến cuối năm để đạt chỉ tiêu giao là 16.149 người; BHXH tự nguyện có 108.052 người, đạt 80,10% kế hoạch giao, số còn phải phát triển đến cuối năm là 26.848 người…

Trước những áp lực về chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, BHXH tỉnh Nghệ An đã chủ động trong công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương. Đồng thời, phối hợp tốt với các ban ngành liên quan trong phát triển người tham gia BHXH, BHYT.

Trong công tác khám chữa bệnh (KCB) BHYT, đại diện BHXH các địa phương cũng cho biết, nhiều vấn đề vướng mắc thời gian qua đã được giải quyết khá tốt, trong đó có những tồn tại liên quan chi phí KCB BHYT của những năm trước đây, cũng như tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế… 

BHXH tự nguyện còn nhiều dư địa

Tại hội nghị đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT và công tác KCB BHYT mới đây, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh nhìn nhận, những kết quả đã đạt được là nền tảng để BHXH các tỉnh, TP hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ trong 5 tháng cuối năm.

Theo ông Nguyễn Thế Mạnh, BHXH các tỉnh, TP cần nhìn nhận thực tế khách quan để rút ra bài học kinh nghiệm và có giải pháp kịp thời; xem xét vì sao các chỉ tiêu trong 7 tháng đều tăng so với cùng kỳ năm 2021 nhưng tại một số tỉnh có độ chững nhất định trong khi tăng trưởng kinh tế tốt, thu ngân sách và doanh nghiệp thành lập mới nhiều.

Đồng thời, cần có những giải pháp cụ thể thu hút lực lượng lao động tham gia mới, để đến cuối năm 2022 phải đạt được chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH bắt buộc. 

“Riêng BHXH tự nguyện còn nhiều dư địa, nhưng kết quả đạt chưa cao thì cũng cần theo dõi, thống kê để đánh giá cụ thể và có phương án phù hợp”, Tổng Giám đốc lưu ý và yêu cầu BHXH các địa phương đẩy mạnh rà soát chi phí KCB BHYT đảm bảo quyết liệt, rõ ràng.

Về công tác thanh tra, kiểm tra, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh gợi ý, có thể triển khai một số chuyên đề về mức đóng, người tham gia tại một số địa phương có đông doanh nghiệp và người lao động, để làm cơ sở cho việc thực hiện trên quy mô toàn quốc. 

Cùng với đó, hàng tháng báo cáo cấp uỷ, chính quyền địa phương về tình hình nợ đọng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp của các đơn vị sử dụng lao động, kiến nghị, đề xuất các biện pháp xử lý; tập trung đẩy mạnh thanh tra đột xuất đối với những đơn vị nợ thời gian dài, đặc biệt tại các đơn vị có số nợ lớn, kiên quyết phối hợp xử lý, chấn chỉnh các cá nhân, đơn vị vi phạm chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT.