Cơ hội du lịch cà phê bùng nổ ở châu Á
Nhu cầu tiêu thụ cà phê tăng mạnh tại châu Á, tạo cơ hội cho du lịch cà phê phát triển.
Châu Á trở thành trung tâm cà phê thế giới
Nhiều nền ẩm thực châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và cả Việt Nam đều có văn hoá uống trà lâu đời. Tuy nhiên, trong 5 năm gần đây, mức tiêu thụ cà phê ở châu lục này có mức tăng đáng kể bởi nhiều nguyên nhân, cho thấy nhu cầu muốn trải nghiệm thức uống này của người Á Đông ngày càng phổ biến hơn.
Theo báo cáo mới đây của Tổ chức Cà phê quốc tế, tiêu thụ cà phê ở châu Á tăng 1,5% trong 5 năm qua, so với mức tăng 0,5% ở châu Âu và 1,2% ở Mỹ. Tổ chức này thậm chí khẳng định châu Á đã và đang trở thành trung tâm của cà phê thế giới. Các nhà sản xuất và kinh doanh cà phê gia tăng thị phần nhiều hơn, nền văn hóa cà phê bản địa đang bắt đầu cạnh tranh với các chuỗi cà phê phương Tây như Starbucks hay Costa.
Hiện tại, châu Á sản xuất 29% hạt cà phê trên thế giới nhưng khu vực này (gồm cả châu Đại dương) chỉ tiêu thụ 22% trong số đó. Dù trong thời gian dịch bệnh COVID-19 bùng phát, nhu cầu uống cà phê vẫn không hề thuyên giảm. Tuy nhiên, thay vì tìm đến những trải nghiệm ở nước ngoài, du khách hướng tới những loại cà phê và trải nghiệm du lịch cà phê ở trong nước nhiều hơn.
Trung Quốc và Nhật Bản đều có lịch sử uống trà lâu đời, nhưng đều chứng kiến một xu hướng gia tăng về tiêu thụ cà phê và các trải nghiệm với cà phê. Đầu tiên, từ các chuỗi cà phê nước ngoài như Starbucks thu hút đông đảo người trẻ tuổi ở Trung Quốc, các chuỗi cửa hàng địa phương và quán ven đường bắt đầu xuất hiện nhiều hơn, dần dần tạo nên và thúc đẩy văn hoá uống cà phê ở nước này.
Mặt khác, một nghiên cứu thị trường cho thấy Nhật Bản là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất ở châu Á trong năm 2020, sau đó là Trung Quốc và Hàn Quốc nằm ở vị trí thứ ba. Hiệp hội Sản xuất trà Nhật Bản cho biết, sự gia tăng tiêu thụ cà phê đã phần nào ảnh hưởng đến lượng tiêu thụ trà, khiến tiêu thụ trà nội địa giảm 30% vào năm 2019 so với mức tiêu thụ năm 2004.
Còn tại Hàn Quốc, thói quen tới quán cà phê để làm việc, gặp gỡ bạn bè hoặc đơn giản chỉ dành thời gian cho riêng mình cũng ngày càng phổ biến trong xã hội nước này, đặc biệt là giới trẻ. Điều đó khiến nhập khẩu cà phê của Hàn Quốc tăng mạnh vào những năm gần đây, bất kể 2 năm dịch bệnh. Cụ thể, nhập khẩu cà phê của Hàn Quốc đạt 916 triệu USD vào năm 2021, tăng so với 738 triệu USD năm 2020. Viện Nghiên cứu Hyundai dự báo thị trường cà phê của nước này sẽ tăng lên 9.000 tỷ won (7,5 tỷ USD) vào năm 2023.
Sự ưa chuộng cà phê của những thị trường du khách quốc tế hàng đầu châu Á chính là cơ hội của ngành du lịch các quốc gia khác, đặc biệt là những quốc gia sản xuất cà phê lớn như Việt Nam hay Indonesia. Nhà đồng sáng lập chuỗi cửa hàng cà phê Kopikalyan ở Indonesia - Iman Kusumaputra nhận ra một thực tế rằng, không một tên tuổi lớn nào như Starbucks (Mỹ), Costa Coffee (Anh), Gloria Jeans Coffee (Australia) hay Arabica (Nhật Bản) có nguồn gốc từ các quốc gia sản xuất cà phê nhiều nhất thế giới như Brazil, Việt Nam hay Indonesia.
Chính vì thế, tại sao chúng ta không tận dụng lợi thế quốc gia là nơi sản xuất và xuất khẩu cà phê bậc nhất thế giới để xây dựng một thương hiệu cà phê toàn cầu, thậm chí là một nền du lịch cà phê đậm bản sắc văn hoá quốc gia?
Là một trong những quốc gia sản xuất cà phê, du lịch cà phê tại Việt Nam có rất nhiều tiềm năng.
“Mỏ vàng” bỏ ngỏ tại Việt Nam
Nhìn về Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng trên, khi những năm gần đây chứng kiến văn hoá cà phê ở Việt Nam cũng đang trên đà phát triển. Những quán cà phê ngày càng tăng lên với hình thức, không gian, quy mô, thức uống pha chế đa dạng hơn trong một thập kỷ gần đây, phục vụ đủ loại tầng lớp khách hàng, với những mục đích khác nhau. Cà phê nhanh còn xuất hiện ngay trong các cửa hàng tiện lợi.
Cà phê Việt Nam là mặt hàng nông nghiệp nổi tiếng thế giới về chất lượng và cả số lượng xuất khẩu. Tuy nhiên, dù được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển, các sản phẩm du lịch gắn với cà phê vẫn còn manh mún và thiếu tính đa dạng.
Mấy năm gần đây, mới có nhiều hội thảo chuyên môn về du lịch cà phê hơn, chỉ ra những giải pháp mà các nước trên thế giới đã áp dụng thành công như phát triển cà phê gắn với du lịch cộng đồng, xây dựng không gian văn hoá cà phê, liên kết giữa các chủ thể trong xây dựng và xúc tiến sản phẩm du lịch cà phê, hợp tác phát triển du lịch cà phê giữa các nước có nền văn hoá cà phê phát triển,... Đặc biệt, du lịch bền vững hay du lịch có trách nhiệm chính là xu hướng toàn cầu kể từ khi đại dịch bùng phát.
Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam, nước ta hiện là nước xuất khẩu cà phê nhiều thứ 2 thế giới sau Brazil, với tổng sản lượng xuất khẩu hàng năm đạt khoảng 1,6 -1,8 triệu tấn, kim ngạch khoảng 2,6 - 2,8 tỷ USD. Trong giai đoạn 2020-2030, kim ngạch xuất khẩu dự kiến có thể tăng lên tới 6 tỷ đô la.
Cùng với danh tiếng về chất lượng và các đồn điền cà phê lớn, giá trị của cây cà phê không chỉ dừng lại ở mức độ thương mại hay xuất khẩu, mà có thể trở thành một thương hiệu du lịch quốc gia. Dù vậy, thuật ngữ “du lịch cà phê” chỉ mới nổi tại Việt Nam những năm gần đây. Du lịch cà phê giúp các địa phương thúc đẩy phát triển các sản phẩm cà phê như quà lưu niệm và các loại thức uống để nâng cao trải nghiệm tại không gian bản địa.
Hiện tour du lịch cà phê đã được khai thác vùng Tây Nguyên, du khách có thể tham quan Nông trại cà phê, Bảo tàng cà phê thế giới tại thành phố Buôn Mê Thuột, Làng cà phê Trung Nguyên, thưởng thức cà phê, tham quan quy trình sản xuất cà phê chồn - loài cà phê đặc trưng của Việt Nam, tìm hiểu về cây cà phê, các loại cà phê, cách chăm sóc cây cà phê, mua sắm các loại cà phê... Lồng ghép với trải nghiệm đó, du khách cũng có thể tìm hiểu thêm về những giá trị văn hoá của các đồng bào dân tộc miền núi hay những nét sinh hoạt, phong tục, tập quán và các lễ hội đặc trưng khác của vùng đất Tây Nguyên.
Tuy nhiên, để phát triển một nền du lịch cà phê phát triển trong nước, trở thành một thương hiệu quốc gia thu hút bạn bè quốc tế, chúng ta vẫn còn thiếu rất nhiều thứ. Tại Việt Nam, loại hình du lịch này mới chỉ phát triển ở giai đoạn sơ khai nên cần sự “kích hoạt” từ cả khối nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng người dân để cùng tạo ra những sản phẩm du lịch sáng tạo và độc đáo.
Đơn cử, khi so sánh trong khu vực ASEAN thì Indonesia cũng có thế mạnh là nước xuất khẩu cà phê lớn như Việt Nam. Thế nhưng, du lịch cà phê đã được Chính phủ Indonesia quan tâm từ sớm. Bằng chứng là nước này đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển các loại hình du lịch gắn với cà phê, điển hình là du lịch homestay kết hợp với trải nghiệm về văn hóa trồng trọt, chế biến và pha chế cà phê.
Nhìn chung, khó thể phủ nhận tiềm năng của du lịch cà phê tại nước ta. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu từng nêu đánh giá, nhờ vị trí xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới và văn hoá cà phê đặc trưng, Việt Nam được biết đến ngày càng rộng rãi trên thế giới; sự kết hợp giữa du lịch và cà phê sẽ nâng vị thế của cả hai ngành, mở ra cơ hội phát triển du lịch nông nghiệp tại Việt Nam, tạo ra sản phẩm du lịch mới cho du khách trải nghiệm. Do đó, trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ cà phê ở châu Á đang có chiều hướng gia tăng mạnh trong những năm gần đây và thậm chí kéo dài trong một thập kỷ tới, du lịch cà phê đáp ứng được nhiều yếu tố trở thành một trong những hướng đi “mũi nhọn” góp phần phục hồi ngành du lịch nước ta.
Theo một thống kê của Hiệp hội Cà phê Anh, ước tính có khoảng 2 tỷ ly cà phê được tiêu thụ hằng ngày trên toàn thế giới. Tại Anh, người dân tiêu thụ khoảng 95 triệu ly cà phê mỗi ngày. Một thống kê khác tại Mỹ cũng cho thấy người Mỹ tiêu thụ khoảng 140 tỷ ly cà phê mỗi năm và hơn 60% người Mỹ đến tham quan các cửa hiệu, cơ sở sản xuất hoặc đồi cà phê một lần/tháng. Chính vì cà phê là thức uống yêu thích của một phần không nhỏ của dân số thế giới, nhu cầu tìm hiểu về văn hoá thưởng thức, quy trình sản xuất và pha chế… cũng là một nhu cầu thực sự đáng kể.