Có nên khống chế thời gian làm thêm với sinh viên?
Chưa từng có một thống kê chính thức nào về tỷ lệ sinh viên đi làm thêm.
Theo một số đề tài khảo sát ở cấp trường đại học, ước chừng có khoảng 70 - 80% sinh viên làm thêm trong giai đoạn học tập, nhưng có vẻ con số này không chính xác. Nhiều ý kiến đánh giá phần lớn sinh viên vẫn được gia đình chu cấp đầy đủ, để chuyên tâm vào học hành. Số sinh viên “cực chẳng đã” phải đi làm thêm để lo cho bản thân, hoặc vì muốn đi làm thêm để trải nghiệm cuộc sống, là không nhiều. Với những sinh viên biết tự vượt khó, “tự lực cánh sinh” như vậy, lại thường rất nhanh nhạy, học không tồi.
Với những sinh viên đi làm thêm, thường phụ việc tại các quán ăn, cà phê, đóng gói hàng hóa với ca làm 4 - 5 tiếng/ngày, tương đương 28 - 35 tiếng/tuần. Mức lương phổ biến là 17.000 - 20.000 đồng/tiếng. Một số bạn thì chạy xe ôm công nghệ, giờ giấc “vô chừng”. Ước tính mức chi tiêu phổ biến của sinh viên hiện nay khoảng 4 - 5 triệu đồng/tháng, chưa tính học phí (1,2 - 6 triệu đồng với chương trình đại trà). Sinh viên ở trọ bên ngoài tốn kém hơn những sinh viên ở ký túc xá hay ở cùng gia đình, hoặc ở nhờ nhà họ hàng, người thân.
Đặt ví dụ với một số sinh viên mà gia đình không có điều kiện chu cấp đầy đủ, nếu làm thêm 35 tiếng/tuần như hiện nay với tiền công 20.000 đồng/tiếng thì mỗi tháng sẽ có 2,8 triệu đồng thu nhập. Vì vậy, với những sinh viên này, sẽ lo lắng nếu đề xuất trên đi vào thực tế vì bị giảm thu nhập, khó trang trải cuộc sống.
Ở phía ngược lại, nhiều ý kiến cho rằng khống chế số giờ làm thêm của sinh viên là cần thiết, bởi thực tế một số sinh viên mải mê làm thêm mà bỏ bê học hành. Sinh viên cần tập trung cho việc chính là học tập, tốt nghiệp đúng hạn, từ đó có cơ hội việc làm tốt khi ra trường.
Thậm chí, một số ý kiến khác đánh giá, 20 tiếng/tuần vẫn là quá nhiều, vì lo ngại sinh viên đi làm thêm dễ sa vào “bẫy thu nhập trung bình”, ham kiếm vài triệu đồng mỗi tháng mà bỏ bê học tập rồi không ra được trường, ảnh hưởng tương lai lâu dài.
Nhưng như trên đã nói, chưa từng có một thống kê chính thức nào về tỷ lệ sinh viên đi làm thêm và một số ý kiến nhận định tỷ lệ này không phải quá nhiều. Nói cách khác, đối tượng tác động của quy định là không nhiều. Ở nước ngoài, một số nước cho phép du học sinh làm thêm 20 - 24 tiếng/tuần, nhưng nên nhớ đó là những quốc gia có lượng du học sinh đông, nên phải ra quy định như vậy nhằm bảo đảm sinh viên đã mất công tốn của đi du học thì phải tập trung học, cũng tạo ra hàng rào để du học sinh không lấy đi quá nhiều việc làm của lao động trong nước. Vì vậy, có cần ra quy định khống chế thời gian với sinh viên đi làm thêm hay không, là vấn đề chúng ta cũng cần phải tính toán lại.