1. Trang chủ /
  2. Còn nhiều trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán

Còn nhiều trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán

thứ năm, 31/3/2022 11:24 GMT+07
(PLM) - Sáng 30/3, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội thảo góp ý dự án Luật Thanh tra sửa đổi.
Luật Thanh tra sửa đổi không tăng biên chế, không phình bộ máy. Ảnh: VGP/Lê Sơn
Luật Thanh tra sửa đổi không tăng biên chế, không phình bộ máy. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Làm rõ vị trí của việc thí điểm thanh tra chuyên ngành một số lĩnh vực


Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị các đại biểu tham dự tập trung thảo luận, cho ý kiến về một số nội dung lớn trong dự án Luật Thanh tra sửa đổi sẽ được Quốc hội xem xét vào Kỳ họp thứ 3 tới đây.

Đó là, phạm vi sửa đổi nhằm thể chế hoá quan điểm, đường lối của Đảng, Nhà nước, khắc phục bất cập, hạn chế của luật sau hơn 10 năm thi hành, các nội dung sửa đổi đã bảo đảm mục đích, yêu cầu đặt ra hay chưa, mô hình tổ chức hiện hành của cơ quan thanh tra có đáp ứng yêu cầu về tinh gọn bộ máy?

Bên cạnh đó là về tổ chức cơ quan thanh tra chuyên ngành tại Tổng cục, Cục theo chức năng, nhiệm vụ được giao, thanh tra thuộc Sở, hệ thống tổ chức thanh tra chuyên ngành có thống nhất hay không? Khắc phục tình trạng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, không ảnh hưởng đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước.

Góp ý tại Hội thảo, TS. Hoàng Thị Ngân, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức nhà nước và công vụ (Văn phòng Chính phủ) quan tâm đến bộ máy tổ chức của ngành thanh tra, nhất là việc thí điểm hoạt động đối với thanh tra giao thông, thanh tra xây dựng, thanh tra an toàn thực phẩm cần có đánh giá tổng kết cụ thể, bởi có tình trạng một số người chưa phải công chức cũng đi làm công tác thanh tra.

Giải đáp băn khoăn này, Phó Tổng thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm khẳng định, việc sửa đổi Luật Thanh tra lần này sẽ không có tăng biên chế, không thêm tổ chức bộ máy, đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền cho Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố đối với tổ chức bộ máy và hoạt động của thanh tra ở địa phương mình.

Phân biệt rạch ròi giữa thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành


Phó Chánh thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đào Văn Thanh cho rằng, dự thảo Luật quy định Thanh tra Bộ, Tổng cục, Cục, thanh tra Sở đều là cơ quan thanh tra nhà nước, có chức năng thanh tra chuyên ngành, có thanh tra viên… sẽ bảo đảm tính chuyên nghiệp, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra chuyên ngành.

Ông Thanh lý giải, hoạt động thanh tra chuyên ngành có đặc thù riêng như cùng một nội dung thanh tra nhưng có nhiều đối tượng thanh tra, các đối tượng thanh tra không có mối quan hệ phụ thuộc nhau, thời hạn thanh tra ngắn.

Về mối quan hệ phối hợp trong hoạt động thanh tra, kiểm toán, điều tra, đại diện thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẳng thắn nêu rõ, thực tế cho thấy hoạt động thanh tra và kiểm toán trùng lặp rất nhiều. Trùng lặp trong kế hoạch thanh tra, kiểm toán chưa được khắc phục, trùng lặp về nội dung và đối tượng.

"Quy định về phối hợp trong hoạt động thanh tra và việc xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra giữa thanh tra và kiểm toán là vô cùng quan trọng để khắc phục bất cập và nêu cao trách nhiệm của các cơ quan đối với kết luận của mình", ông Đào Văn Thanh kiến nghị.

Về mô hình tổ chức thanh tra hành chính và thanh tra cấp huyện, Phó Chánh thanh tra TP. Hà Nội Lê Thu Hà cho rằng, vẫn cần thiết giữ thanh tra cấp huyện và thanh tra chuyên ngành như thanh tra xây dựng, giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm trong bối cảnh tình hình hiện nay và đưa Ban thanh tra nhân dân ra khỏi Luật Thanh tra sửa đổi lần này.

TS. Nguyễn Văn Kim, nguyên Quyền Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) đồng tình với việc phải đổi mới hoạt động thanh tra, khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay. Đồng thời, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy định về hoạt động thanh tra được điều chỉnh tại các văn bản pháp luật có liên quan, phù hợp với tính chất, đặc điểm của các loại hình thanh tra.

Tuy nhiên, ông Kim cho rằng, việc đổi mới hoạt động thanh tra phải bảo đảm tính khả thi, thuận lợi, hiệu quả, dễ thực hiện, phù hợp với yêu cầu của hoạt động thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành. Trong đó, phân biệt rạch ròi hoạt động thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành với việc xác định rõ mục tiêu, yêu cầu đổi mới, cải cách với thanh tra chuyên ngành.

"Tiền kiểm" trong ban hành dự thảo kết luận thanh tra


Đề cập đến hoàn thiện quy định về thẩm định dự thảo kết luận thanh tra, TS. Nguyễn Tuấn Khanh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học thanh tra cho rằng, thẩm định dự thảo kết luận thanh tra là khâu "tiền kiểm" trong ban hành kết luận thanh tra.

Tuy nhiên, điều này đang đặt ra một số vấn đề đối với thẩm định kết luận thanh tra. Đó là cơ sở pháp lý về thẩm định dự thảo kết luận thanh tra chưa cao, chưa có quy định rõ ràng về giá trị pháp lý của văn bản thẩm định; hoạt động thẩm định dự thảo kết luận thanh tra chưa đi vào nền nếp, thiếu các điều kiện phục vụ cho việc thẩm định; nguy cơ ban chậm ban hành kết luận thanh tra.

Từ đó, ông Khanh kiến nghị dự thảo Luật sửa đổi cần có quy định về thẩm định dự thảo kết luận thanh tra gắn với tính độc lập và chịu trách nhiệm của người ra quyết định thanh tra trong ban hành kết luận thanh tra; ban hành các quy định về hướng dẫn nhiệm vụ, quyền hạn các chủ thể trong thẩm định dự thảo kết luận thanh tra; trách nhiệm của chủ thể trong việc cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ cho hoạt động thanh tra; trách nhiệm tiếp thu, giải trình đối với các ý kiến thẩm định…


Có thể bạn quan tâm