Con trai Đăng Khôi từng là nạn nhân bạo lực học đường, bất ngờ cách giải quyết của bà xã nam ca sĩ
Câu chuyện một học sinh lớp 10 THPT chuyên ĐH Vinh (Nghệ An) tự tử vì bị bạo lực học đường gây xôn xao trên mạng xã hội suốt mấy ngày qua. Chia sẻ trên facebook cá nhân, Thủy Anh - bà xã Đăng Khôi lần đầu tiết lộ chuyện hai con trai cũng từng là nạn nhân của bạo lực học đường. Dòng trạng thái này nhanh chóng thu hút sự chú ý và quan tâm của đông đảo khán giả.
Thủy Anh chia sẻ bạo lực học đường là vấn đề ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất, tinh thần của học sinh. Có rất nhiều lý do khiến con cái trở thành nạn nhân của bạo lực học đường.
"Ken và Đăng Anh đã từng là nạn nhân của bạo lực học đường. Khi nói "nạn nhân", Thuỷ Anh thực sự coi đây là vấn đề nghiêm trọng: Con bị đánh, bị bạn xúi đâm kéo vào người, bị nói xấu, bị cô lập, bị tẩy chay.
Ken bị bắt nạt năm lớp 1, lớp 3, còn Đăng Anh thì vụ việc xảy ra ngay trong năm học này - ngay tại lớp của anh Ken. Mình thấy có rất nhiều lý do khiến con bạn có thể trở thành nạn nhân của bạo lực học đường. Học giỏi cũng bị bạo lực học đường, học kém cũng bị, nhà nghèo cũng bị, nhà có điều kiện hơn cũng bị, xấu xí cũng bị, xinh đẹp cũng có thể là lý do. Và với tụi nhỏ nhà mình thì một phần lý do vì con là con của người nổi tiếng.
Lần vừa rồi khi đến trường đón con, mình chứng kiến cảnh Đăng Anh bị 3 bạn lớp anh Ken quây, 1 bạn chuẩn bị đập cánh cửa lớp vào bàn tay Đăng Anh đang để sát cửa. Những bạn xung quanh liền mách "Cô ơi em của Đăng Khang bị đánh hội đồng!" "Cô ơi bạn kia xúi bạn khác cầm kéo đâm em!". Chỉ nghe đến đó thôi mà tay chân mình bủn rủn, mình lồng lên, gào thét. Chưa bao giờ mình lại có cảm giác điên rồ như thế này, mặc dù trước đây anh Ken đã từng bị nhưng mình không được chứng kiến tận mắt nên cảm giác thực sự khác lúc này.", Thủy Anh gây chú ý khi chia sẻ về chuyện hai con trai từng là nạn nhân của bạo lực học đường.
Biết con trai bị các bạn lớp khác bắt nạt, Thủy Anh không giấu được cảm xúc lo lắng. Tuy nhiên, cô đã cố gắng tự trấn tĩnh và đưa ra 4 bước để giải quyết vấn đề. Đầu tiên là phải tìm nguyên nhân khiến các con nảy sinh mâu thuẫn. Sau đó trực tiếp đưa các con đối diện với mâu thuẫn, tìm trách nhiệm trên cơ sở tôn trọng. Tiếp theo phối hợp với nhà trường, phụ huynh và cả học sinh khác để đưa ra phương án tối ưu nhất giải quyết mâu thuẫn giữa các con. Cuối cùng mới đưa ra yêu cầu và cam kết thực hiện.
"Sau khi lấy lại bình tĩnh, mình đã hỏi rõ lý do, phân tích để tụi nhỏ hiểu nếu hành động quá thêm một bước thì hậu quả sẽ xảy ra như thế nào. Nếu em Đăng Anh gây ra lỗi, cô và em sẵn sàng xin lỗi các con, còn nếu lỗi không phải từ Đăng Anh, các con phải xin lỗi em và quyết liệt sửa đổi. Và 3 bạn đã xin lỗi Đăng Anh, mình yêu cầu cả 3 ôm lấy Đăng Anh vào lòng để biết em đang run như thế nào, em có đáng bị bắt nạt như vậy không?
... Những giải pháp phi bạo lực như vậy có lẽ là điều tốt nhất nhà trường có thể làm để không khiến các em học sinh bắt nạt cảm giác bị dồn vào đường cùng, cũng như các em là nạn nhân được bảo vệ chính đáng. Sự đồng hành của nhà trường cùng với sự sát sao của phụ huynh sẽ giúp ngăn chặn những điều không hay có thể xảy ra trong tương lai", Thủy Anh bộc bạch.
Bà xã Đăng Khôi cũng bày tỏ quan điểm rằng đừng "tặc lưỡi" rằng chuyện của trẻ con để trẻ con giải quyết, đồng thời đưa ra lời khuyên hữu ích dành cho các bậc phụ huynh. "Chúng ta - những người làm cha mẹ, đã nói quá nhiều về bạo lực học đường rồi nhưng đôi khi vẫn lúng túng khi phải đối diện với vấn đề thực tế... Không một đứa trẻ nào "miễn nhiễm" trước bạo lực học đường, trừ khi các con trở thành những kẻ bắt nạt người khác. Với Thuỷ Anh, đó là sự phản kháng đáng buồn nhất của một đứa trẻ và sự thất bại của một người làm cha mẹ khi không dành nhiều thời gian hơn cùng con.
Đừng tặc lưỡi, "chuyện của trẻ con để trẻ con giải quyết." Đừng quên hỏi han con thường xuyên, đừng để tới lúc sự tiêu cực bủa vây lấy con rồi bố mẹ mới nhận ra đã quá muộn. Đừng coi một lời chửi bới, một hành vi gây hấn là chuyện "bình thường ấy mà." Đừng chỉ buồn hay phẫn nộ vì những câu chuyện trên mạng, hãy thực sự quan tâm tới các con của mình. Đừng dùng bạo lực để giải quyết bạo lực.
Hãy làm bạn với con, động viên con chia sẻ hết những điều khúc mắc trong cuộc sống. Hãy lắng nghe con... Mong tất cả các ông bố bà mẹ chúng ta sẽ không bao giờ phải nói "giá như mình đã ở bên con nhiều hơn", Thủy Anh nói.